Tục uống trà của người Việt Nam
Với vị trí tự nhiên thuộc khu vực nhiệt đới gió mùa, cây chè đã có mặt lâu đời trên đất nước ta và được canh tác trên những vùng thổ nhưỡng phù hợp. Theo tài liệu khảo cứu của Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam, người ta đã tìm thấy dấu tích của lá chè và cây chè hóa thạch ở đất tổ Hùng Vương (Phú Thọ). Xa hơn nữa, họ còn nghi ngờ cây chè có từ thời kỳ đồ đá Sơn Vi (văn hóa Hòa Bình). Cho đến ngày nay, ờ vùng Suối Giàng (Yên Bái), có một vùng chè hoang khoảng 40 nghìn cây chè dại, trong đó có một cây cổ thụ ba người ôm không xuể. Như vậy, có thể nói, Việt Nam là một trong những chiếc nôi cổ nhất của cây chè thế giới.
Cùng với sự có mặt của cây chè, người Việt xưa, dù sống dưới chân núi cao, ở vùng đồng bằng hay bên bờ biển, dù là người sang hay kẻ hèn, cũng đã từng lưu giữ một tập tục quý: tục uống trà. Khi có khách đến nhà thì dù có bận mấy, chủ nhà cũng dừng việc, nghỉ tay, ăn mặc chỉnh tề và súc ấm pha trà mời khách. Người bình dân ở nơi thôn dã uống kiểu bình dân; quan lại, quý tộc thì có tiệc trà thưởng lãm sang trọng. Nhưng vượt lên tất cả chính là sự trân trọng của chủ và khách. Ẩn sau hương vị của tách trà thơm là bao điều thổ lộ, từ những việc hệ trọng quốc gia đại sự đến chuyện chuyện nhà, chuyện cửa, chuyện hàng xóm, láng giềng bình dị.
Tục uống trà của người Việt Nam đã có từ lâu đời, nhưng thật khó xác định là bắt đầu từ bao giờ. Từ thế kỷ 18, trong Vũ trung tùy bút, Phạm Đình Hổ đã viết về tục uống trà từ trước đó hàng nghìn năm. Các triều đại phong kiến nước ta từ xưa đã dùng trà. Trà đã đi vào thi ca, văn hóa cổ. Tục uống trà của người Việt Nam cũng rất phong phú. Từ cách uống trà cầu kỳ, cổ xưa, thường một bộ đồ trà có bốn cái chén quân, một chiếc chén tống. Nước pha trà lựa thứ nước mưa trong hoặc sương đọng trên lá sen mặt hồ, người ta đi thuyền hứng từng giọt vào buổi tinh mơ. Phương ngôn xưa còn lưu truyền những lời đúc kết về cách thưởng trà: “trà dư, tửu hậu”, “tửu sáng, trà trưa”, “rượu ngâm nga, trà liền tay” hay “chè ngon xin chớ ướp hoa”…
Ngoài trà ướp sen, ngâu, cúc, lan, lài, sói, người bình dân hay uống trà xanh. Người nông thôn trồng mấy gốc chè tươi bởi có thú ra vườn tuốt mấy nắm lá xanh, hãm một nồi to, ăn khoai luộc, hút thuốc lào. Sang hơn thì có trà “mật vị” (trà xanh pha đặc như mật con vịt). Trà hạt là nụ trà phơi khô, ủ vào bình tích có hoa cúc chi hoặc mấy lát gừng uống cho ấm giọng. Xoàng hơn là trà bồm, lá già, thường tận dụng khi đốn cây trà, để chờ lứa trà búp mới mùa xuân. Trà bánh thì còn xoàng hơn nữa. Người Nghệ An, Hà Tĩnh có tục mời nhau uống chè tươi. Đi làm đồng về, trời nóng nực, có bát chè xanh đặc pha đường hay mật mía thì giải nhiệt thật tốt. Trà mạn xưa cũng là thứ chè lá già, sau ướp sen thành trà mạn sen được coi là thứ quý.
Các nhà nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng, trong lá chè có chứa 20% tananh có tác dụng sát khuẩn mạnh, một lượng lớn caffeine, hợp chất thơm, tinh dầu cùng một số loại vitamin. Hai công dụng lớn nhất của lá chè là làm tăng tuần hoàn máu, tăng cường chức năng hoạt động của thận và giúp tế bào AND tái tạo, giảm bớt các đột biến gene có thể dẫn đến ung thư, chữa bệnh sâu răng, kích thích hệ thần kinh trung ương, giúp cho tinh thần sảng khoái. Có lẽ từ những công dụng của trà mà dân gian xưa từng lưu truyền vô vàn cách chữa bệnh của nó. Ví như: “Bán dạ tam bôi tửu/ Bình minh sổ trản trà/ Mỗi nhật cứ như thử/ Lương y bất đáo gia” (Canh khuya ba chén rượu/ Mỗi sớm một tuần trà/ Mỗi ngày được như thế/ Thầy thuốc xa nhà ta).
Người Việt Nam vốn trọng tình, trọng nghĩa, chỉ mượn tuần rượu, tuần trà để hòa kết, giao tình. Chính vì vậy, không nặng tính nghi thức trong thưởng lãm trà. Đạo trà Việt chỉ thận trọng ở cách dâng mời đầy ngụ ý. Dù vui hay buồn, dù nắng hay mưa, khách cũng không thể từ chối một ly trà nóng khi thân chủ dâng mời bằng cả hai tay. Dâng trà, biếu trà là biểu thị sự lễ độ. Uống trà lại là một ứng xử văn hóa khác. Uống từng ngụm nhỏ để cảm nhận hết các dư vị của trà. Uống để đáp lại lòng mến khách của người dâng trà, để bắt đầu những lời tâm sự, để bàn chuyện thế thái nhân tình, để cảm thấy hương vị thiên nhiên gắn quyện trong trà tỏa hơi ấm qua bàn tay dù trời lạnh giá. Dâng trà và dùng trà là biểu hiện một phong độ văn hóa, sự thanh cao, tri kỷ, kết giao, lòng mong muốn hòa hợp, xóa đi những đố kỵ, thù hận. Đạo trà Việt đồng nghĩa với sự sảng khoái, tịnh tâm, mưu điều thiện, tránh điều ác, là triết lý về sự tế nhị, thanh cao, suy ngẫm trong tỉnh táo…
Văn hóa trà đã gắn kết với đời sống và tâm linh của người Việt từ bao đời nay. Từ thưở xa xưa, trên bàn thờ tổ tiên của người Việt, hậu duệ ngưỡng vọng tiền nhân bằng tuần rượu, tuần trà. Khi nhấp từng ngụm trà thơm lừng thì con người càng gần gũi nhau hơn. Đó là ngụ ý cao xa, là ứng xử giao hòa, là tình làng nghĩa xóm, là tinh thần hướng thượng, là đạo nghĩa vẹn tròn.
Thi nhân Việt và chén trà đạo vị
Trong văn chương cổ Việt Nam, nhất là ca dao, dân ca, hình ảnh cây chè, vườn chè, và những ứng xử liên quan đến trà xuất hiện với một tần số khá cao. Ca dao xưa cho uống trà như là một thứ tiêu dao sang trọng:
Làm trai biết đánh tổ tôm
Uống trà mạn hảo, xem Nôm Thúy Kiều.
Chàng trai khoe:
Anh đây hay tửu hay tăm
Hay nước trà đặc hay nằm ngủ trưa.
Hay: Bắt chân chữ ngũ/ Đánh củ khoai lang/ Bớ cô hàng nước/ Cho anh bát nước…
Đó là cách nhìn bình dân khi nói về trà. Còn đối với các bậc tao nhân, mặc khách, các thi nhân? Đối với thi nhân Đông phương và Việt Nam nói riêng, trà, uống trà là sự biểu lộ một nhân sinh quan, một lối suy nghĩ, một quan điểm về cuộc đời, một lối sống cao thượng đạo vị. Đối với các đại thi hào Việt Nam, uống trà ngoài việc thưởng thức cái phong vị thanh cao còn là một “nghi thức hành đạo”. Đạo ở đây là chân lý giản đơn, siêu thoát, tràn đầy yêu thương, từ ái, yêu nước, yêu thiên nhiên và hòa bình. Đạo ở đây là vượt lên những nhỏ nhen, đố kỵ, những ham muốn thông tục.
Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải, vị hùng tướng cầm quân đánh tan tành đạo quân xâm lăng Mông Cổ, người có những vần thơ kiêu hùng trước kẻ thù nhưng khi nói về trà thì hình ảnh thi nhân lại hoàn toàn khác: “Thử lai yêu khách nghiêu trà uyển/ Vũ quá hô đồng lý dược lan” (Mùa hè lại pha trà mời khách uống/ Cơn mưa xong, gọi trẻ sửa chậu lan). Thiền sư Huyền Quang, vị tôn giả thời Trần, lại viết những câu thơ thấm đẫm phong vị Thiền: “Hà thời tiểu ẩn lâm tuyền hạ/ Nhất tháp tùng phong trà nhất bôi” (Sao bằng ở ẩn bên rừng suối/ Một giường bên cửa gió thông với trà). Đó là những vần thơ thấm mùi đạo vị thanh thoát của một ẩn sỹ.
Nguyễn Trãi, vị khai quốc công thần triều Lê, vị “vạn thế quân sư” đã giúp Lê Thái Tổ đánh tan quân Minh xâm lược cũng lại là một đại tao nhân với hình ảnh lộng lẫy trước vị trà thơm. Đặc tính an hòa của tư tưởng Đại Việt trong thơ Nguyễn Trãi đã kết tinh thật rõ nét: “Hà thời kết ốc vân phong hạ/ Cấp giản phanh trà chẩm thạch miên” (Bao giờ dưới núi làm nhà/ Nước suối trà pha, gối đá nằm). Trong thơ Ức Trai, nhiều lần xuất hiện chung trà thơm, chung trà đạo vị khi Người thể hiện tư tưởng cao thâm của mình: “Mãn đường vân khí triêu phần bách/ Nhiễu chẩm tùng thanh dạ thược trà/ Tu kỷ đãn tri vi thiện lạc/ Trí thâm vị tất độc thư đa” (Mây tỏa đầy nhà sáng đốt thông/ Tùng reo quanh gối, đêm pha trà/ Việc thiện năng làm là thú đấy/ Đọc nhiều vị tất đã thành nhân). Và trong thơ Nôm của Ức Trai:
Say mùi đạo, chè ba chén
Tả lòng phiền, thơ bốn câu.
Trà luôn luôn làm bạn với thi gia, khi sương sớm lúc canh tàn. Khi trầm tư về một quyết sách quốc gia nghiêm trọng. Lúc cô đơn đối diện với lẽ tử sinh vô thường. Khi thất chí trầm mình ở chốn quạnh hiu. Lúc thanh nhàn vui đời sống an lạc. Trà như bạn, luôn có mặt với thi nhân như người tri kỷ.
Sau Nguyễn Trãi cả mấy thế kỷ, Chu Thần Cao Bá Quát là một tâm giao đồng vọng với bậc tiền nhân. Về tâm thế, về nhân cách, về tài năng, Cao Bá Quát là một hậu nhân xứng đáng của Ức Trai tiên sinh. Trong phong cách thưởng trà và chiêm nghiệm thế sự, nhân tình, Chu Thần cũng là người chọn trà hành đạo. Trong bài thơ “Cùng Phạm Trúc Minh chơi vạn an rồi lên chùa trên núi Nam Tào”, ông viết: “Vạn Kiếp bắc sơn như án tựa/ Lục Đầu đông thủy tựa thung va/ Thư nhàn hỏi lửa pha trà mới/ Thích thú tựa thông nhìn ráng sa”. Và bài “kệ uống trà” của thi nhân họ Cao mới là sự thể hiện rõ nét nhất sự tinh túy trong thuật thưởng trà của một bậc cao nhân. Xin trích mấy dòng trong bài kệ của Chu Thần để kết thúc bài tản mạn ngắn này: Chọn bạn chọn bề ngoài/ Không thấy điều hẳn hoi/ Uống chè có ướp hoa/ Biến mất hương chè rồi…/ Nếm mùi cốt thực chất/ Không cần thêm vị ngoài/ Chớ vì chút của hiếm/ Lừa dối mũi ta hoài….