Cách đây 5 năm, xã Phước Thắng, huyện miền núi Bác Ái được Hội Văn nghệ dân gian Ninh Thuận chọn thí điểm thành lập các đội “Mã la gia tộc Raglai”. Trước đó, Nhà Nghiên cứu Văn hóa dân gian Nguyễn Hải Liên (Hội Văn nghệ dân gian tỉnh Ninh Thuận) cùng lãnh đạo xã tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào hiểu được mục đích, ý nghĩa và nâng cao nhận thức để giáo dục con cháu trong tộc họ về ý thức bảo tồn và phát huy nhạc cụ truyền thống của cộng đồng mình. Qua nhiều năm nghiên cứu, sưu tầm văn hóa Raglai ở các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận và Khánh Hòa, ông Nguyễn Hải Liên nhận xét, nơi nào phát huy được vai trò của các gia tộc thì ở nơi đó, di sản văn hóa được giữ gìn và bảo lưu rất tốt. Hiện tại, nhiều đội mã la biểu diễn nhạc cụ là của các gia tộc chứ không phải của thôn, xã như trước.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Hải Liên (người đeo kính, hàng sau) với đội mã la trẻ của xã Phước Thắng.
Theo ông Nguyễn Hải Liên, khi vận động được lớp trẻ vào các đội mã la thì việc bảo tồn văn hóa phi vật thể của các tộc người sẽ đạt kết quả như mong muốn. Lớp trẻ đối với người dân tộc Raglai là các cháu thiếu niên, nhất là các cháu gái từ 12-14 tuổi. Các cháu này luôn ở tại làng và dù khi trưởng thành, có lấy chồng, lấy vợ thì các gia tộc vẫn được duy trì được đội mã la trong suốt thời gian dài. Nếu chọn các em ở lứa tuổi thanh niên để đào tạo thì chỉ vài năm sau đó, các em lấy vợ ở làng khác là kết thúc, vì thanh niên học đánh mã la trong thời gian ngắn chỉ để biểu diễn vui chơi, chứ không có giá trị bảo lưu, phát huy di sản văn hóa của tộc người. Giờ đây, hầu hết các gia tộc đều có các đội thiếu niên của gia tộc mình biểu diễn mã la., cho thấy đồng bào đã biết, chính họ bảo tồn di sản cho chính gia tộc mình, cho chính dòng họ mình, chứ không phải biểu diễn văn nghệ để mua vui.
Xã Phước Thắng đã chọn sáu gia tộc làm điển hình, là: Gia tộc Pi Năng, gia tộc Chamaléa, gia tộc Pa Tâu A Sá. Riêng gia tộc Pi Năng có đến ba đội được thành lập mới. Hầu hết các đội mã la gia tộc đều tập trung ở từng gia đình, cho nên việc vận động con cháu tham gia khá thuận lợi. Bí thư Đảng ủy xã Phước Thắng Katơr Chiêu cho biết, các gia tộc đã rất tích cực đóng góp trong việc bảo lưu nét văn hóa độc đáo của cộng đồng mình. Trước đó, tại địa phương cũng có đội mã la của thôn, nhưng do khâu tổ chức hạn chế, cho nên không duy trì được. Giờ, những đội mã la gia tộc chính là điều kiện để phát triển bền vững các nhạc cụ Raglai.
Bên cạnh đó, Hội văn nghệ dân gian tỉnh Ninh Thuận cũng đã thành lập các đội mã la gia tộc ở hai xã Ma Nới, huyện Ninh Sơn và xã Phước Hà, huyện Thuận Nam. Đến nay, toàn tỉnh có 20 đội mã la gia tộc. Các tộc họ này luôn có ý thức trong việc truyền dạy nhạc cụ truyền thống cho thế hệ trẻ, gần đây, số học viên là nữ tham gia đội mã la gia tộc ngày càng nhiều.
Bằng tình yêu dành cho nhạc cụ mã la, nhiều năm nay, ngay tại ngôi nhà của mình, nghệ nhân Mai Thắm đã mở nhiều lớp truyền dạy cho thanh thiếu niên những điệu mã la mà ông biết. Khi được Hội Văn nghệ dân gian vận động thành lập đội mã la gia tộc, ông đảm nhận việc truyền dạy cho hai tộc họ Pi Năng và Pa Tâu A Sá. Giờ đây, con cháu trong tộc họ đã biểu diễn thuần thục nhạc cụ và có nhiều chuyến lưu diễn trong và ngoài tỉnh. Năm 2015, ông Mai Thắm được Chủ tịch nước tặng danh hiệu nghệ nhân dân gian.
Nghệ nhân ưu tú Mai Thắm tâm sự: “ Các cháu nhỏ tuổi vừa học chữ, vừa học mã la, kèn bầu, đàn Chapi là điều kiện tốt nhất để bảo tồn nét văn hóa độc đáo của cộng đồng mình. Nhiều năm trước, tôi rất lo lắng về sự mai một của nhạc cụ truyền thống Raglai, giờ thì ưng cái bụng lắm”.
Còn đối với tộc họ Pi Năng, việc truyền dạy đánh mã la vừa là niềm vui, vừa giúp các em hiểu nhiều hơn về văn hóa Raglai. Nghệ nhân ưu tú Pi Năng Thị Kính, cho biết: “Dạy đánh mã la cho các cháu nhỏ rất khó, nhưng như thế mới giữ được nét văn hóa của dân tộc Raglai. Tôi dạy cho con gái vì nó ở với mình lâu dài, còn con trai khi lớn lên nó đi lấy vợ và đi thôn khác sống, mình vừa mất đội, vừa mất các bài nhạc đã dạy.”
Giờ đây, nhạc cụ mã la là vật thiêng, là hồn của dân tộc Raglai ngày càng vang vọng giữa núi rừng Ninh Thuận. Chính nỗ lực của các gia tộc đã giúp nhiều trẻ em Raglai cảm nhận sâu hơn những giá trị văn hóa của dân tộc mình. Các nghệ nhân lớn tuổi như Pi Năng Thị Khuấn, tộc họ Pi Năng, Ka tơ Giáo… ở huyện Bác Ái luôn miệt mài và dồn hết nhiệt huyết của mình trong việc truyền dạy, nên phong trào ngày càng phát triển.
Theo nhà nghiên cứu Văn hóa dân gian Nguyễn Hải Liên, những bài tấu nhạc cụ mã la thường là bày tỏ lòng biết ơn những người đã cho mình hạt giống để gieo trồng; tỏ lòng biết ơn tổ tiên, ca ngợi tinh thần hăng say lao động, sản xuất…Những bài mã la này, không chỉ để giải trí, mà còn có hàm ý giáo dục đạo đức cho chính con cháu trong tộc họ, đồng thời cho chính các em đánh mã la phải biết gìn giữ “của cải” phi vật thể này, nó là cái hồn của người Raglai, cho nên muốn giữ cũng không phải dễ dàng.
Với đồng bào Raglai ở Ninh Thuận, mã la được xem là tài sản quý giá của mỗi gia đình. Do đó, việc thành lập các đội mã la gia tộc có ý nghĩa rất quan trọng trong việc giúp đồng bào bảo tồn nét văn hóa đặc sắc của cộng đồng mình ngày càng bền vững. Và, nhờ đó, mỗi khi có dịp đến với đồng bào Raglai, chúng ta lại được nghe những âm thanh độc đáo của nhạc cụ mã la vang vọng cả núi rừng.