Vấn vương Festival Áo bà ba-Hậu Giang 2023

Festival Áo bà ba-Hậu Giang 2023 đã khép lại, nhưng dư âm một lễ hội chuyên về chiếc áo bà ba vẫn còn đọng lại với bao nỗi vấn vương, thương nhớ áo bà ba trong lòng nhiều người. Chiếc áo bà ba ân tình, gần gũi bao đời gắn bó với các bà, các mẹ, các chú, các anh...
0:00 / 0:00
0:00
Rực rỡ sắc màu trong đêm trình diễn trang phục áo bà ba.
Rực rỡ sắc màu trong đêm trình diễn trang phục áo bà ba.

Dư âm lắng đọng…

Ngày 9/10, bà Hồ Thu Ánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang đến trao tặng 54 chiếc áo bà ba của Công ty TNHH Vietmode Thành phố Hồ Chí Minh cho tiểu thương ở chợ nông thôn Vị Thanh. Hình ảnh đó, một lần nữa gợi lên những nỗi niềm, cảm xúc đặc biệt đối với người dân trong những ngày diễn ra lễ hội áo bà ba.

Điểm đặc biệt của những chiếc áo bà ba này là làm bằng sợi tơ khóm do nhà thiết kế Minh Hạnh thiết kế, đa dạng màu sắc, phom dáng rộng, thoải mái cho người mặc. Mỗi áo có in hình của những tiểu thương và người dân đi chợ. Đây là hình ảnh mà ê kíp của Vietmode đã chụp trong những ngày lưu lại thành phố Vị Thanh để thực hiện các phần việc của sự kiện Festival Áo bà ba-Hậu Giang 2023.

Bà Hồ Thu Ánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, cho biết: "Đây là tình cảm của Công ty TNHH Vietmode dành cho tiểu thương và người dân thành phố Vị Thanh, trong những ngày đồng hành cùng tỉnh tổ chức thành công Festival Áo bà ba - Hậu Giang 2023. Tin rằng phần quà ý nghĩa này sẽ góp phần làm đẹp hơn hình ảnh của những tiểu thương và người dân thành phố Vị Thanh, để chợ nông thôn tiếp tục phát huy nét đẹp độc, lạ, đặc sắc, thu hút khách du lịch tìm đến trong thời gian tới”.

Vấn vương Festival Áo bà ba-Hậu Giang 2023 ảnh 1

Diễu hành báo bà ba trên sông.

Có lẽ trong lòng mỗi người dân và du khách vẫn còn vương vấn khi nhớ lại các hoạt động của Festival Áo bà ba-Hậu Giang 2023. Từ chương trình khai mạc hoành tráng, cùng với triển lãm ảnh Chiếc áo bà ba xưa và nay, diễu hành áo bà ba trên sông... tất cả đều cô đọng và ấn tượng, mang đến một bức tranh toàn cảnh về quá trình hình thành và phát triển của chiếc áo bà ba trên vùng đất phương Nam, về nét văn hóa qua cách sử dụng các bài hát mang đậm dấu ấn vùng đất Nam bộ để làm nền.

Và có lẽ do cơ duyên mang đến, nên nhạc sĩ Trần Thiện Thanh đã sáng tác bài hát “Chiếc áo bà ba” và đặt chiếc Áo bà ba gắn liền với quê hương Hậu Giang: “Chiếc áo bà ba trên dòng sông thăm thẳm; Thấp thoáng con xuồng bé nhỏ mong manh; Nón lá đội nghiêng tóc dài con nước đổ; Hậu Giang ơi em vẫn đẹp ngàn đời”… Lời bài hát mà mọi người từng nghe, giờ tái hiện ngay trên dòng sông, tạo nên bức tranh vừa đẹp, vừa nên thơ khó diễn tả bằng lời…

Ngài Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Palestine tại Việt Nam Saadi Salama từng phát biểu rằng: “Sự kiện văn hóa chính là cách kết nối con người lại với nhau. Người dân bản xứ ở đâu cũng vậy, luôn tự hào về giá trị văn hóa vùng miền, bởi điều này làm nên giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc. Thông qua Festival Áo bà ba, Hậu Giang đang nỗ lực phát triển giá trị văn hóa, vừa phát huy giá trị trường tồn của chiếc áo bà ba. Tôi tin Hậu Giang sẽ tiếp tục làm cho sản phẩm khởi đầu này trở thành nét riêng của Hậu Giang và tạo được sức lan tỏa. Mỗi khi nhắc đến Festival Áo bà ba, người ta sẽ nhớ ngay đến Hậu Giang”.

Có thể nói, Festival Áo bà ba đã mang lại cho Vị Thanh nói riêng, Hậu Giang nói chung một sản phẩm văn hóa, nghệ thuật hoàn hảo, đặc sắc. Nhà thiết kế Minh Hạnh, Tổng đạo diễn chương trình cũng từng phát biểu rằng: “Khơi gợi câu chuyện văn hóa và tạo nên một sản phẩm đẹp, lạ là một chuyện, vấn đề còn lại là địa phương sẽ phát huy như thế nào từ câu chuyện văn hóa để phát triển kinh tế”.

Và những kỳ vọng…

Dù trải qua bao thăng trầm của lịch sử, dù trong chiến tranh gian khó, cho đến giai đoạn xây dựng và phát triển hiện đại, chiếc áo bà ba đã đặc biệt gắn liền với các bà, các mẹ, các chị từ trong chiến trận, ra đến công trường, đi vào công sở và xã hội hiện đại ngày nay.

Ở giai đoạn nào, thời kỳ nào, chiếc áo bà ba luôn ghi dấu ấn đậm nét đời sống của con người vùng đất Nam bộ. Đây là sản phẩm văn hóa truyền thống rất đặc sắc, độc đáo và rất riêng không nơi nào có được.

Vấn vương Festival Áo bà ba-Hậu Giang 2023 ảnh 2

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang (áo xanh) tặng áo bà ba cho các tiểu thương chợ nông thôn Vị Thanh.

Theo ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, Festival Áo bà ba chính là sự kiện văn hóa góp phần cải thiện sức khỏe tinh thần, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa, phát triển một xã hội văn minh, thịnh vượng, tích hợp nét đẹp văn hóa truyền thống để thu hút du khách và nhà đầu tư trong, ngoài nước.

Chính vì thế, Festival Áo bà ba không chỉ là trình diễn thời trang áo bà ba thông thường mà là một lễ hội nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa độc đáo mang đậm bản sắc Nam bộ.

“Thông qua sự kiện Festival Áo bà ba, Hậu Giang hy vọng sẽ trở thành điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn với bạn bè, đối tác, du khách trong và ngoài nước. Đây chính là tiền đề quan trọng để tỉnh tổ chức Festival Áo bà ba hàng năm, với kỳ vọng sẽ đóng góp tích cực để tỉnh đạt được mục tiêu “Đổi mới, đột phá, quyết tâm, khát vọng”, từng bước xây dựng Hậu Giang trở thành tỉnh khá trong khu vực và cả nước trong tương lai không xa”, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, Đồng Văn Thanh nhấn mạnh.

Trong cuộc sống hiện đại, nhịp sống vội vã hơn, ồn ào hơn. Dù thời gian có làm cho bao giá trị đổi thay nhưng chiếc áo bà ba vẫn được giữ gìn và phát huy giá trị đẹp đẽ thuần khiết của nó. Đó cũng là cách để bảo tồn bản sắc và phát huy giá trị văn hóa truyền thống.

Festival Áo bà ba-Hậu Giang 2023 đã khép lại, nhưng chắc rằng trong lòng mọi người vẫn còn vương vấn. Bởi hình ảnh người phụ nữ Nam Bộ với chiếc áo bà ba mãi là một “thương hiệu” rất riêng, tô thêm nét đẹp dịu dàng, dung dị của người dân vùng sông nước.

Chiếc áo bà ba mộc mạc vẫn luôn được gìn giữ để gắn kết giữa quá khứ với hiện tại và tương lai. Vẻ đẹp đó được xem là hồn cốt, bản sắc của một nền văn hóa Nam bộ, nếu phát huy giá trị đúng mức sẽ tạo ra sức mạnh cho sự phát triển văn hóa, xã hội và kinh tế.