Vẫn thiếu điểm sinh hoạt văn hóa dành cho công nhân

Với 20 điểm sinh hoạt văn hóa công nhân và 66 tổ tự quản khu nhà trọ công nhân, bốn năm qua, hai mô hình này đã góp phần nâng cao đời sống tinh thần vốn còn nhiều thiếu thốn cho người lao động, nhất là công nhân trong các khu công nghiệp tại Hà Nội. Tuy nhiên so với nhu cầu vui chơi, giải trí của khoảng 1,2 triệu công nhân, lao động đang làm việc trên địa bàn, số lượng điểm văn hóa trên vẫn còn quá ít ỏi...

Những phút thư giãn sau giờ làm việc của cán bộ, nhân viên Công ty TNHH May Phù Đổng. Ảnh: TUẤN KHANH
Những phút thư giãn sau giờ làm việc của cán bộ, nhân viên Công ty TNHH May Phù Đổng. Ảnh: TUẤN KHANH

Trong tháng 5 và đầu tháng 6 vừa qua, công nhân lao động tại quận Hà Đông và các huyện Hoài Đức, Gia Lâm và Quốc Oai có thêm niềm vui, khi có thêm bốn điểm sinh hoạt văn hóa dành cho công nhân được khánh thành, đưa vào sử dụng.

Khánh thành cuối tháng 5-2014, điểm sinh hoạt văn hóa công nhân Xí nghiệp Môi trường đô thị huyện Gia Lâm được huyện đầu tư khá đồng bộ với kinh phí hơn một tỷ đồng, gồm sân cầu lông, phòng tập bóng bàn, hệ thống âm thanh, màn hình ti-vi, phòng đọc sách báo. Điểm sinh hoạt còn được Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố hỗ trợ thêm một số trang, thiết bị như: máy vi-tính, tủ sách, bàn, ghế, bàn bóng bàn, cột lưới cầu lông với trị giá 50 triệu đồng. Dù mới đi vào hoạt động được ít ngày, song đây thật sự là điểm đến hữu ích của hơn 500 cán bộ, công nhân công ty sau những giờ lao động vất vả khi được tham gia luyện tập, chơi các môn thể thao yêu thích hay là những khoảng không gian yên tĩnh khi đọc sách, lướt mạng in-tơ-nét.

Chủ tịch LĐLĐ huyện Gia Lâm Nguyễn Tuấn Khanh cho biết, trên địa bàn huyện hiện có năm điểm sinh hoạt văn hóa công nhân và một tổ tự quản. Các mô hình trên đã giúp công nhân, lao động trao đổi, phản hồi về tình hình an ninh trật tự, được giao lưu văn hóa văn nghệ, đọc sách báo, xem ti-vi, tìm hiểu các chính sách, pháp luật, giúp giải tỏa mệt mỏi sau một ngày làm việc vất vả, góp phần cải thiện đời sống tinh thần.

Từ năm 2010 đến nay, các cấp công đoàn thành phố Hà Nội đã và đang triển khai thí điểm hai mô hình "Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân" và "Tổ tự quản khu nhà trọ công nhân". Sau bốn năm thực hiện, thành phố đã có 20 "Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân" và 66 "Tổ tự quản khu nhà trọ công nhân lao động"... Hoạt động này đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của các doanh nghiệp, đến nay các doanh nghiệp đã đầu tư hơn 20 tỷ đồng xây dựng hàng chục "Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân" trong doanh nghiệp; các cấp công đoàn cũng trực tiếp hỗ trợ gần 1,6 tỷ đồng cho mô hình hoạt động này.

Có thể khẳng định, việc thành lập, duy trì hoạt động điểm sinh hoạt văn hóa công nhân và tổ tự quản trên địa bàn Hà Nội thời gian qua đã góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho công nhân lao động, nhất là công nhân tại các khu công nghiệp, chế xuất. Bằng các hoạt động thiết thực như tư vấn pháp luật, chiếu phim, hát cho công nhân nghe - nghe công nhân hát, cung cấp sách báo, tổ chức hội chợ người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, thăm hỏi, tặng quà cho công nhân lao động gặp hoàn cảnh khó khăn, giao lưu văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao, khám, chữa bệnh, phát thuốc miễn phí tại các điểm sinh hoạt văn hóa và tổ tự quản đã thu hút đông đảo người lao động tham gia và giúp công nhân yên tâm làm việc.

Tuy nhiên, số lượng các "Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân" còn quá ít, chưa đáp ứng được nhu cầu tối thiểu trong đời sống văn hóa tinh thần của người lao động, nhất là tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, các địa phương có đông công nhân thuê trọ. Quả thật, với khoảng 1,2 triệu công nhân lao động đang làm việc trong các loại hình doanh nghiệp, trong đó chỉ tính tám khu công nghiệp, khu chế xuất đã thu hút 135 nghìn lao động, số lao động ngoại tỉnh chiếm gần 70%, thì số lượng 20 điểm sinh hoạt văn hóa công nhân và 66 tổ tự quản chẳng thấm gì. Đó là chưa kể đến cơ sở vật chất tại các điểm sinh hoạt văn hóa công nhân còn nghèo nàn, số đầu sách báo ít, thiết bị thể thao chưa đáp ứng được nhu cầu của số đông người lao động.

Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Ngô Văn Tuyến cho biết, trong thời gian tới, các cấp công đoàn thành phố sẽ tăng cường tuyên truyền, phối hợp các doanh nghiệp, các cấp chính quyền để nâng cao chất lượng sinh hoạt, tăng cường đầu tư trang thiết bị, quan tâm thích đáng công tác đầu tư cơ sở hạ tầng, kinh phí, nhân lực để cải thiện, duy trì và phát triển thêm các điểm sinh hoạt văn hóa và tổ tự quản. Đồng thời xây dựng quy chế, nâng cao chất lượng, đổi mới nội dung, hình thức hoạt động để thu hút ngày một nhiều hơn sự tham gia của người lao động.

Tuy nhiên, điều mà nhiều người làm công đoàn băn khoăn hiện nay đó là một số văn bản luật, chế độ chính sách của Nhà nước còn bất cập, chậm sửa đổi, nhất là việc quy hoạch, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng xã hội, thiết chế văn hóa cho các khu công nghiệp, khu chế xuất. Bên cạnh đó, sức ép về công việc, đời sống vật chất trong công nhân lao động ngày càng lớn, nên đôi khi người lao động không có đủ thời gian, sức lực để tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao... Do vậy, để nâng cao chất lượng đời sống tinh thần của người lao động, cần một sự đổi mới đồng bộ về chính sách lao động, việc làm, thu nhập cho người lao động từ phía các doanh nghiệp, với sự hỗ trợ của các đoàn thể và chính quyền địa phương.