Vận tải hàng không quốc tế thiệt hại 117 tỷ USD trong năm 2020

NDO -

Theo thống kê của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), năm 2020 là năm tồi tệ nhất trong lịch sử ngành vận tải hàng không do dịch bệnh kéo dài. Lỗ lũy kế được ước tính lên tới 117 tỷ USD và có thể ở mức 39 tỷ USD trong năm 2021.

Hoạt động của Hãng hàng không quốc gia Pháp, Air France, giảm 57% trong năm 2020. (Ảnh: SudOuest)
Hoạt động của Hãng hàng không quốc gia Pháp, Air France, giảm 57% trong năm 2020. (Ảnh: SudOuest)

Năm 2020, các hãng hàng không trên thế giới đã vận chuyển khoảng 1,8 tỷ lượt khách so với 4,9 tỷ trong năm 2019. Đây là mức thấp nhất kể từ năm 2003. Do các biện pháp hạn chế trong đó có lệnh phong tỏa được áp đặt trong hai đợt dịch tại nhiều nước, lưu lượng vận chuyển quốc tế đã giảm tới 60%. Hoạt động vận chuyển nội địa cũng bị ảnh hưởng rất lớn. 

Dịch bệnh vẫn diễn biến rất phức tạp tại nhiều khu vực trên thế giới, còn chiến dịch tiêm chủng mới ở giai đoạn đầu và tiến triển rất chậm tại một số nước như Pháp. IATA cho rằng, sự phục hồi của lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch sẽ phụ thuộc vào sự thành công của tiêm chủng ngừa Covid-19.

IATA nhận định, khả năng sản xuất cũng như tỷ lệ phân phối vaccine ngừa Covid-19 là điều kiện quyết định mức độ hồi phục của vận tải hàng không quốc tế. Còn theo các chuyên gia y tế, miễn dịch cộng đồng và hoạt động trở lại bình thường chỉ có được sau khi 60% dân số thế giới được tiêm chủng.

Theo thống kê từ các nước, hơn 12 triệu người đã được tiêm chủng, chiếm khoảng 0,2% dân số thế giới. Năng lực sản xuất vaccine cùng với sự thận trọng của người dân trong việc tiếp nhận vaccine ở một số nước như Pháp khiến các chuyên gia y tế lo ngại về đợt bùng phát dịch thứ 3 sau kỳ nghỉ lễ cuối năm. 

IATA cho rằng những nguyên nhân trên có thể tác động đến lộ trình phục hồi của vận tải hàng không. IATA hy vọng, vận tải hàng không nội địa có thể trở lại bình thường vào cuối năm 2022, đồng thời lo ngại về hoạt động vận tải quốc tế, khó có thể lấy lại công suất hoạt động tối đa trước năm 2025. 

Thực tế còn rất nhiều vấn đề cần giải quyết để các hãng hàng không quốc tế nối lại các chuyến bay. Các nước EU chưa có thời hạn cụ thể cho việc mở cửa trở lại biên giới với nhiều nước ngoài khu vực do dịch còn diễn biến phức tạp. 

Việc đi lại giữa các khu vực trên thế giới sẽ còn bị hạn chế và du khách phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định chống dịch như giấy xác nhận âm tính với Covid-19. Do vậy, sự phục hồi của ngành vận tải hàng không sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng trong những tháng tới. 

Trong năm 2020, nhiều hãng hàng không quốc gia đã được Nhà nước cứu trợ thông qua các khoản vay ưu đãi hay bảo lãnh nợ. Air France nhận được khoản viện trợ 7 tỷ euro từ Nhà nước, gồm 4 tỷ bảo lãnh vay với thời gian đáo hạn trong vòng 12 tháng. Hãng hàng không quốc gia của Pháp sẽ phải trả khoản nợ này từ năm 2021. 

Theo Cơ quan Quản lý an toàn bay châu Âu (Eurocontrol), đại dịch Covid-19 đã làm mất 6,1 triệu chuyến bay ở khu vực châu Âu trong đó có hơn một nửa bị hủy do các biện pháp hạn chế đi lại. Có 5 triệu chuyến bay được khai thác so với 11,1 triệu chuyến trong năm 2019, giảm 55%. 

Chính vì vậy, Air France và các hãng hàng không khác trên thế giới đang đặt nhiều hy vọng vào tốc độ của chiến dịch tiêm chủng ngừa Covid-19 để có thể sớm mở lại các đường bay và hồi phục sau nhiều tháng bị đình trệ. 

Cảnh báo làn sóng Covid-19 thứ ba