* Lâu nay những công trình nghiên cứu văn hóa, văn minh Việt Nam vẫn xuất bản đều đặn. Nay Văn minh Việt Nam lại được ông đề nghị in thành một chuyên luận riêng (tách ra từ công trình Nguyễn Văn Huyên toàn tập - đã được trao giải thưởng Hồ Chí Minh), ông có sợ rơi vào tinh trạng "bão hòa"?
- Theo sự tìm hiểu của tôi, lâu nay Văn minh Việt Nam có phần thiệt thòi: nó không được biết tới rộng rãi, ngay cả trong giới chuyên môn. Chẳng hạn, nó không có mặt trong danh mục dài gồm 420 tên, thống kê các bài báo và cuốn sách có liên quan tới văn hóa Việt Nam trong cuốn Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam của Trần Ngọc Thêm (tôi đang có trong tay bản in 1996).
Một số người khác (nếu tôi không lầm có cả cố GS. Trần Quốc Vượng) dù đã nhắc nhiều về Nguyễn Văn Huyên, lại không mấy khi đề cập công trình này của ông.
Có thể cắt nghĩa tình trạng trên như sau: nguyên tác được viết bằng tiếng Pháp và chỉ gần đây mới được dịch ra tiếng Việt. Mà bản dịch lại nằm trong bộ toàn tập gần 2.000 trang khổ to, in lần đầu vào năm 1995, được phát hành theo lối bao cấp, thành ra "người cần thì không có sách và người có sách lại không đọc".
Theo tôi, cuốn sách rất đáng được phổ biến rộng rãi. Không thể so sánh nhiều cuốn sách tầm thường hiện nay với nó được! Chính vì e sợ số người đã trực tiếp đọc nó không bao nhiêu nên tôi mới đề nghị in thành cuốn riêng.
* Không thể phủ định giá trị của công trình, song dẫu sao, cho đến thời điểm này (chứ không phải thời điểm hoàn thành - năm 1939), tác phẩm đã không còn gây "sốc"...
- Ta hãy thử làm một đối chiếu nho nhỏ. Nếu chỉ tính sách vở của người Việt nghiên cứu văn hóa, văn minh Việt, tôi thấy hai cuốn Việt Nam phong tục (Phan Kế Bính) và Việt Nam văn hóa sử cương (Đào Duy Anh) nổi hơn cả. Tuy nhiên Văn minh Việt Nam có những điểm mới mà hai cuốn trước không có.
Ngoài ra, bao trùm ở đây là tinh thần phê phán được vận dụng một cách đúng mức khiến cho giá trị khoa học được nâng lên một bước.
Tính đến thời điểm công trình ra đời, Nguyễn Văn Huyên đã miêu tả rất đúng những khía cạnh khác nhau của văn hóa, văn minh Việt, và gợi ra được nhiều khái quát đúng đắn. Đến lượt mình, các nhà khoa học hôm nay sẽ phải đảm nhận việc miêu tả những biến chuyển xảy ra từ bấy đến nay.
* Có ý kiến cho rằng bên cạnh Việt Nam văn hóa sử cương (Đào Duy Anh), chuyên luận Văn minh Việt Nam là một cuốn giáo khoa mẫu mực?
- Đúng vậy. Trong cuốn Nhớ nghĩ chiều hôm, Đào Duy Anh có kể rằng ông viết Việt Nam văn hóa sử cương là do nhu cầu dạy môn văn hóa Việt Nam ở cấp cao đẳng.
Còn theo tài liệu của bà Nguyễn Kim Nữ Hạnh thì Văn minh Việt Nam được biên soạn trong thời gian Nguyễn Văn Huyên tham gia giảng dạy.
Nhân nhắc lại chuyện này, tôi chợt nhớ ai đó đã từng đề nghị tất cả học sinh, sinh viên cấp trung học, đại học phải được học chương trình văn hóa Việt Nam (chứ không phải chỉ sinh viên chuyên ngành). Đề nghị đó rất nghiêm túc, chỉ có điều, khoa nghiên cứu văn hóa dân tộc ở ta quá yếu, bây giờ có muốn dạy cũng không lấy đâu ra thầy đủ khả năng và giáo trình tốt.
Lâu nay chúng ta đã đi lệch, tức xem phần chủ yếu của văn hóa quy gọn cả vào văn học và khi nghiên cứu văn học thì lại mải đi vào bình văn, bình thơ, tầm chương trích cú, mà không chú trọng tới cái hồn của văn hóa nằm trong đó.
* Văn minh Việt Nam khái quát sự phát triển của đời sống vật chất, tinh thần, đặc điểm nhân chủng, tâm lý, cá tính người Việt... Tuy nhiên, hình như sau Nguyễn Văn Huyên vẫn chưa có quyển sách nào nghiên cứu kỹ và có hệ thống hơn về lịch sử văn hóa Việt Nam mà bổ sung cho quyển này. Thậm chí nhiều người còn nói hơi "ngoa" rằng, giới nghiên cứu bây giờ chỉ "nhai lại" những gì mà người đầu thế kỷ XX đã viết...
- Đáng tiếc rằng đó là sự thật mà những ai có tìm hiểu văn hóa Việt Nam đều công nhận, tuy không phải lúc nào người ta cũng sẵn sàng nói thẳng tuột ra như vậy.
* Đối tượng nghiên cứu của Nguyễn Văn Huyên rất rộng rãi, từ nhà sàn Đông Nam Á đến một khu phố Hà Nội, từ hát đối nam nữ đến Nội đạo tràng, từ các làng xã và nông dân đồng bằng Bắc bộ đến nơi cư trú của người Dao... Ông có định xuất bản tiếp những công trình này?
- Vâng, tôi mong lắm vì mỗi lần bắt tay vào biên tập những cuốn sách đó là một dịp được học hỏi thêm. Sự thiếu hiểu biết về văn hóa nói chung vốn là "bệnh" của nhiều người làm công tác nghiên cứu phê bình văn học, trong đó có tôi.