Tham quan, biểu diễn online
Những ngày đầu năm 2020 và giữa năm 2021, khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp và độ phủ tiêm chủng chưa rộng như hiện nay, nhiều địa phương trong cả nước phải đặt trong tình trạng giãn cách xã hội, toàn bộ các hoạt động tụ tập, tham quan, triển lãm, giải trí… đều phải tạm dừng. Thời gian giãn cách kéo dài, các hoạt động tham quan, triển lãm, trình diễn, hội họp… của ngành văn hóa, vốn phần lớn cần đến sự tụ họp, tiếp xúc, gặp gỡ trực tiếp… đành xếp một chỗ. Thế nhưng cái khó ló cái khôn, công nghệ số vốn lâu nay là công cụ hữu hiệu trong việc lưu trữ, hệ thống hóa tư liệu, tài liệu, hiện vật… của các bảo tàng, nay lại thành phương tiện hữu ích truyển tải các trưng bày online đến với người xem.
Trong suốt thời gian giãn cách, hàng loạt bảo tàng đã tổ chức các trưng bày, triển lãm online phục vụ người xem. Với nhiều người, đây là lần đầu tiên họ được tận mắt thấy những hiện vật quý giá ngay trong căn nhà mình, với hệ thống trưng bày online của các bảo tàng. Có thể kể đến công cụ tham quan trực tuyến 3D tour của Bảo tàng Mỹ thuật. Với thiết bị điện tử cầm tay bất kỳ như máy tính bảng, điện thoại thông minh, du khách chỉ cần truy cập địa chỉ địa chỉ 3d.vnfam.vn là có thể tự do tham quan, khám phá, tìm hiểu mọi hiện vật, trưng bày của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Còn tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam, công nghệ tham quan 3D được áp dụng từ năm 2013, với nhiều nội dung trưng bày thường xuyên được đưa lên ứng dụng. Không chỉ vậy, những nội dung của các trưng bày theo từng dịp, từng sự kiện của Bảo tàng cũng có thể được tham quan qua ứng dụng.
Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam là hai trong số rất nhiều đơn vị sử dụng công nghệ số để tiếp cận công chúng trong thời gian dịch bệnh. Trung tâm Lưu trữ quốc gia, Khu di tích Hoàng thành Thăng Long, các bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, Dân tộc học Việt Nam, Khu di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám… là những nơi liên tục có trưng bày, triển lãm online phục vụ công chúng. Công nghệ số từ chỗ chỉ là công cụ hỗ trợ lưu trữ, bảo tồn hiện vật, tư liệu…, nay đã trở thành phương tiện giúp các bảo tàng, khu di tích tiếp cận du khách, quảng bá các nội dung trưng bày hiện có của mình.
Cũng giống như các bảo tàng, khu di tích, ngành nghệ thuật biểu diễn cũng mất một thời gian dài im vắng do ảnh hưởng của đại dịch. Đặc điểm của nghệ thuật biểu diễn là cần phải có đám đông công chúng, trong khi yêu cầu giãn cách không được tụ tập, phải giữ khoảng các từ 2m trở lên. Tuy nhiên, các nghệ sĩ cũng không chịu cảnh nằm im chờ đợi. Họ chủ động tự tập luyện, cùng tập luyện với nhau qua các ứng dụng. Và từ đó, các buổi trình diễn ra đời. Từ Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam… cho đến các đơn vị nghệ thuật truyền thống như Nhà hát Tuồng Việt Nam, Nhà hát Chèo Việt Nam, Nhà hát Chèo Hà Nội… Việc giới thiệu các trích đoạn tiết mục trên các trang mạng xã hội của các nhà hát đã trở nên quen thuộc, và khán giả cũng tương tác khá nhiều với loại hình này. Các buổi biểu diễn được livestream, ghi hình và phát lại trên kênh Youtube của các nhà hát, đơn vị nghệ thuật. Một số nhà hát đã tính đến việc xây dựng nhà hát online để tiếp cận công chúng.
Nhiều cá nhân nghệ sĩ cũng đã tổ chức các buổi livestream âm nhạc, trình diễn tác phẩm mới hoặc hát theo yêu cầu khán giả, như Hà Anh Tuấn, Hồng Nhung…
Không chỉ các đơn vị nghệ thuật trong nước, nhiều cơ quan ngoại giao văn hóa nước ngoài cũng lựa chọn hình thức trực tuyến để giới thiệu các chương trình biểu diễn của mình. Viện Goethe Hà Nội là một trong những cơ quan ngoại giao văn hóa ở Hà Nội thực hiện sớm các buổi biểu diễn online. Từ những chương trình tại chỗ, cho đến những chương trình dài hơi, kéo dài cả năm, với sự tham gia của các nghệ sĩ trong nước và nước ngoài, khán giả ở khắp nơi đều được thưởng thức qua Youtube, livestream… Có thể kể đến “Xưởng Văn hóa”, chương trình hỗ trợ nghệ sĩ trong thời gian diễn ra đại dịch, từ giữa năm 2020 với các loại hình phong phú từ múa, âm nhạc, biểu diễn đa phương tiện. Hay “Âm nhạc thế kỷ 20”, gồm nhiều buổi hòa nhạc do các nghệ sĩ từ các quốc gia khác nhau thực hiện, như Đức, Italia, Nhật Bản, Việt Nam… Nhiều cơ quan ngoại giao văn hóa khác như Viện Pháp tại Việt Nam, Trung tâm Giao lưu văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam… cũng đều có các chương trình nghệ thuật, vở diễn trực tuyến phục vụ khán giả trong thời gian đại dịch.
Những cuộc trò chuyện online
Ở những lĩnh vực khác, công nghệ số cũng là chìa khóa để các chủ thể văn hóa có thể thực hiện các hoạt động văn hóa một cách bình thường mà vẫn có được sự tương tác với khán giả, phổ biến nhất là livestream. Trung tâm sản xuất phim truyền hình Việt Nam VFC lần đầu tiên họp báo giới thiệu ra mắt phim mà hoàn toàn không có sự tham dự trực tiếp của các nhà báo. Thay vào đó, các nhà báo cùng rất đông khán giả yêu phim Việt đã được cùng nhau trò chuyện trực tiếp các diễn viên, ê kíp làm phim “Thương ngày nắng về” thông qua buổi livestream. Cũng nhiều khán giả lần đầu biết được “bếp núc” của một buổi họp báo, và được chứng kiến sự gần gũi, thân thiện, dễ mến của các thành viên trong đoàn làm phim, cũng như những vất vả, mồ hôi nước mắt mà họ đã đổ xuống cho sản phẩm tinh thần của mình.
Ra mắt sách online là lựa chọn phổ biến của nhiều đơn vị xuất bản hiện nay khi giới thiệu một tác phẩm mới đến với bạn đọc. Không chỉ ra mắt sách mới, mà cả những cuộc tọa đàm, trò chuyện về một vấn đề gì đó liên quan đến sách, hay giao lưu với tác giả, dịch giả… cũng đều được tổ chức thông qua livestream. Cũng nhờ công nghệ số, mà một buổi giao lưu, tọa đàm như vậy có sự hiện hữu của cả tác giả ở nước ngoài và ê-kíp sản xuất ở Việt Nam, đem lại cho bạn đọc cơ hội thú vị được gặp gỡ và trò chuyện về tác phẩm. Những đơn vị đi đầu trong việc tổ chức các sự kiện online như thế này có thể kể đến Nhã Nam với “Câu chuyện từ trái tim” của bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu, “Robinson có tự kỷ của tôi” của tác giả Laurent Demoulin, “Chuyện trà” của Trần Quang Đức…, Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam với “Cùng con hạnh phúc - thấu hiểu và đồng hành” của tác giả Đào Thu Hương, buổi nói chuyện chuyên đề của TS Bùi Trân Phượng “Dạy con từ quá khứ”, “Yêu sách của Antigone và cuộc đối thoại về nữ quyền”…; Nhà xuất bản Kim Đồng với “Chiến đạo”…
Không chỉ giới thiệu sách, mà hầu hết các cuộc tọa đàm, hội thảo, hội nghị… thay vì tổ chức trực tiếp với hàng trăm người tham gia, nay hầu hết đều được chuyển thành họp online. Bảo cáo kết quả khảo cổ của Viện Khảo cổ, Viện nghiên cứu kinh thành, các cuộc tọa đàm về thành phố sáng tạo của UNESCO, tọa đàm về kiến trúc, nghệ thuật, phát triển công nghiệp… của Viện Goethe, Viện Pháp tại Việt Nam, tìm hiểu về búp bê truyền thống Nhật Bản, nghệ thuật múa Nhật Bản… rất nhiều đề tài đã được khán giả tiếp cận qua phương tiện online, điều chỉ có thể xảy ra ở mùa dịch.
Khi dịch bệnh xảy ra, văn hóa là một trong những lĩnh vực thiệt hại nặng nề nhất. Nhưng cũng do đại dịch, các lĩnh vực của ngành văn hóa đã tìm cách thích ứng, chuyển mình để thay đổi cho phù hợp. Công nghệ số là chìa khóa quan trọng để thích ứng và các lĩnh vực văn hóa đã nắm bắt được chìa khóa đó.