Những ngày xuân, đi đến bất kỳ nơi đâu ở đất Bắc Ninh, ta cũng bắt gặp những canh hát. Ấy là khi hết làng nọ đến làng kia vào hội. Những canh hát bắt đầu từ chốn cửa đình thờ thánh, cho đến những khúc giao duyên trên sân khấu, hay những canh hát giao lưu theo lối cổ của liền anh, liền chị để lại qua bao năm tháng. Thật xúc động khi những em bé lên năm, lên sáu cũng "bắt giọng" theo ông, theo bà với những "la rằng", "hừ la"... rồi học "mời nước, mời trầu"…
Từ xa xưa, dân ca quan họ đã là món ăn tinh thần, nét sinh hoạt văn hóa đẹp của người dân Kinh Bắc. Đây là thể loại dân ca phong phú nhất về mặt giai điệu trong kho tàng dân ca Việt Nam. Mỗi một bài quan họ đều có giai điệu riêng. Đến nay, có ít nhất 300 giai điệu quan họ đã được ký âm, gồm những đoạn thơ, bài thơ, chủ yếu là thể lục bát.
Nét độc đáo của quan họ Bắc Ninh chính là ở sự hòa quyện giữa giai điệu và lời ca, trang phục truyền thống độc đáo và đặc biệt là cách ứng xử văn hóa của các liền anh, liền chị. Trang phục quan họ không chỉ thể hiện tính nghệ thuật thẩm mỹ, là hình thức bên ngoài mà còn bao hàm cả chiều sâu văn hóa của người quan họ.
Quan họ mang trong câu hát nhiều phong tục, tập quán, tín ngưỡng đặc sắc, là nét đẹp văn hóa được truyền từ đời này qua đời khác và vẫn vẹn nguyên giá trị tinh thần không chỉ ở Bắc Ninh mà còn vang danh quốc tế. Quan họ Bắc Ninh được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại ngày 30/9/2009.
Hiện nay Bắc Ninh có tất cả 44 làng duy trì lối chơi văn hóa quan họ với hàng nghìn bài hát lời cổ mộc mạc, dân dã. Kho băng ghi âm quan họ cổ do các nghệ nhân ở các làng quan họ hát hiện vẫn được lưu giữ. Các bài quan họ được giới thiệu mới chỉ là một phần trong kho tàng dân ca quan họ đã được khám phá.
Nền văn hóa quan họ là do các lối chơi quan họ của cộng đồng xây dựng nên, luôn luôn được cộng đồng sàng lọc trong dòng chảy lịch sử. Việc khôi phục và bảo tồn những tinh hoa, bản sắc độc đáo, đậm đà nhất trong nền văn hóa quan họ là phải khôi phục và bảo tồn kho tàng bài bản của quan họ, cách hát, kỹ thuật hát quan họ (quan họ cổ) và cuối cùng là lối chơi quan họ.
Quan họ truyền thống hát không nhạc đệm, chủ yếu hát đối giữa liền anh và liền chị vào dịp lễ hội xuân ở các làng quê. Hát thờ là khi liền anh, liền chị cùng nhau đứng nơi cửa đình, đền ca ngợi công đức các vị thánh, thần và cầu mong mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu. Nhưng tạo ra sức hút nhất là những màn hát canh quan họ, hay "chơi quan họ", khi nhân dịp hội làng, "bọn" quan họ làng nọ hát thâu đêm với "bọn" quan họ làng kia.
Dù cuộc sống ngày càng hiện đại, nhưng về miền quan họ, chúng ta vẫn thấy mỗi làng quê, mỗi gốc đa, mái đình, bến nước, dòng sông đều ẩn chứa tình người quan họ. Sức sống bền bỉ của những canh quan họ, của những câu hát trao gửi vẫn thu hút và tạo ấn tượng bền sâu với du khách.