Văn hóa doanh nghiệp gắn liền hoạt động sản xuất kinh doanh của Petrovietnam và BSR

Ngày 22/9, tại thành phố Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), Ban Tổ chức Cuộc vận động "Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam" (Ban Tổ chức 248) phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Công thương tổ chức Hội nghị triển khai Bộ tiêu chí văn hóa kinh doanh Việt Nam đối với khu vực miền trung và Tây Nguyên. 
0:00 / 0:00
0:00
Toàn cảnh hội nghị triển khai Bộ tiêu chí văn hóa kinh doanh Việt Nam đối với khu vực miền trung và Tây Nguyên.
Toàn cảnh hội nghị triển khai Bộ tiêu chí văn hóa kinh doanh Việt Nam đối với khu vực miền trung và Tây Nguyên.

Dự Hội nghị có đại diện Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) và Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) đã trao đổi về việc thực hiện công tác văn hóa doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh.

Tham dự hội nghị có ông Lê Doãn Hợp, Thường trực Ban tổ chức 248, Chủ tịch Hội đồng Quốc gia xét công nhận “Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa kinh doanh Việt Nam”, nguyên Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông; ông Lương Đức Thắng, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch); cùng đại diện 17 tỉnh, thành phố và đại diện đến từ các doanh nghiệp trên địa bàn miền trung và Tây Nguyên.

Về phía Petrovietnam, có ông Trần Quang Dũng, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Đảng ủy, Trưởng Ban Truyền thông và Văn hóa doanh nghiệp; ông Phan Sỹ Linh, Trưởng phòng Văn hóa doanh nghiệp, Ban Truyền thông và Văn hóa doanh nghiệp. Về phía BSR, có ông Khương Lê Thành, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Thành viên Hội đồng quản trị. Hội nghị còn có sự tham dự của các doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa kinh doanh năm 2021, 2022.

Hội nghị được triển khai nhằm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 1925/VPCP-KGVX ngày 23/3/2021 về việc giao Chủ tịch Hiệp hội Phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam, Trưởng Ban Tổ chức Cuộc vận động "Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam” ban hành Bộ tiêu chí văn hóa kinh doanh Việt Nam và hướng dẫn tổ chức thực hiện trên phạm vi toàn quốc.

Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Doãn Hợp, Thường trực Ban tổ chức 248, Chủ tịch Hội đồng quốc gia xét công nhận “Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa kinh doanh Việt Nam” nhấn mạnh: “Có 3 vấn đề văn hóa trung tâm là văn hóa gia đình, văn hóa công sở và đạo đức công vụ, văn hóa doanh nghiệp. Trong đó, văn hóa doanh nghiệp là một trong ba văn hóa cốt lõi của nền tảng văn hóa quốc gia. Không có văn hóa doanh nghiệp thì không thể có doanh nghiệp phát triển bền vững. Vì vậy, chúng ta tiếp tục thực hiện văn hóa doanh nghiệp để tốt hơn, hoàn thiện hơn và chất lượng cao hơn”.

Văn hóa doanh nghiệp gắn liền hoạt động sản xuất kinh doanh của Petrovietnam và BSR ảnh 1

Ông Lê Doãn Hợp, Thường trực Ban Tổ chức 248, Chủ tịch Hội đồng Quốc gia xét công nhận “Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa kinh doanh Việt Nam” phát biểu khai mạc hội nghị.

Bộ tiêu chí văn hóa kinh doanh Việt Nam là bộ chuẩn mực đầu tiên về văn hóa kinh doanh được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thực hiện cùng sự tham gia của các bộ, ngành. Quá trình xây dựng đã nhận được sự đóng góp trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm của các bộ, ngành, nhà khoa học, chuyên gia, các doanh nghiệp và báo chí truyền thông. Bộ tiêu chí sau khi hoàn thành đã báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ cho phép ban hành làm căn cứ cho việc xét công nhận “Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa kinh doanh Việt Nam”. Bộ tiêu chí là cơ sở xét chọn các doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa kinh doanh Việt Nam hằng năm và được vinh danh tại diễn đàn quốc gia thường niên “Văn hóa với doanh nghiệp”.

Các tiêu chí bắt buộc để bảo đảm đạt danh hiệu "Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa kinh doanh Việt Nam” bao gồm: không buôn lậu, không trốn thuế; không sản xuất, kinh doanh hàng giả, sản phẩm độc hại; không nợ lương và bảo hiểm xã hội của người lao động; không lừa đảo, lợi dụng hoặc làm hại các tổ chức, cá nhân khác và không vi phạm pháp luật.

Bên cạnh đó, Bộ tiêu chí đánh giá còn có 5 nhóm tiêu chí để đánh giá gồm: lãnh đạo doanh nghiệp phát triển bền vững; xây dựng và thực thi văn hóa doanh nghiệp; thượng tôn pháp luật; đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội.

Mục đích của cuộc vận động nhằm tôn vinh và công nhận các doanh nghiệp đã áp dụng, thực thi văn hóa kinh doanh đáp ứng các chuẩn mực, tiêu chí văn hóa kinh doanh Việt Nam; biểu dương khen thưởng các doanh nghiệp có thành tích xuất sắc hưởng ứng Cuộc vận động “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam” do Thủ tướng Chính phủ phát động; thúc đẩy việc xây dựng văn hóa kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam ở trong và ngoài nước; từng bước hình thành những đặc trưng tiêu biểu của văn hóa kinh doanh Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.

Tại hội nghị, Ban tổ chức 248 đã tổ chức tọa đàm về “Quản trị doanh nghiệp bằng văn hóa”. Tham dự và trao đổi tại tọa đàm, ông Phan Sỹ Linh, Trưởng phòng Văn hóa doanh nghiệp, Ban Truyền thông và Văn hóa doanh nghiệp Petrovietnam và ông Khương Lê Thành, Thành viên Hội đồng quản trị BSR đã có những trao đổi về việc thực hiện công tác văn hóa doanh nghiệp tại đơn vị.

Văn hóa doanh nghiệp gắn liền hoạt động sản xuất kinh doanh của Petrovietnam và BSR ảnh 2
Toạ đàm có sự tham gia của đại diện Petrovietnam và BSR.

Ông Phan Sỹ Linh chia sẻ, đối với Petrovietnam, việc chủ động đón nhận và triển khai xây dựng văn hóa doanh nghiệp được xem là một nhu cầu cấp thiết. Với lịch sử phát triển qua hơn 6 thập kỷ, bằng tinh thần nhiệt huyết được kết tinh cùng năm tháng đã tạo nên truyền thống văn hóa của những người đi tìm lửa. Petrovietnam đã cụ thể hóa cuộc vận động bằng Đề án “Tái tạo văn hóa Petrovietnam” với sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo xuyên suốt từ Đảng ủy Tập đoàn, Hội đồng thành viên đến Ban lãnh đạo và các đoàn thể chính trị xã hội, tạo sự thống nhất ý chí và hành động trong thực hiện đề án. Bên cạnh đó, văn hóa Petrovietnam với 4 giá trị cốt lõi “Khát vọng-Trí tuệ-Chuyên nghiệp-Nghĩa tình” trong từng giai đoạn cũng đã chọn lọc, tiếp nhận những điểm mới để triển khai phù hợp chiến lược phát triển của tập đoàn.

“Để Cuộc vận động xây dựng văn hóa doanh nghiệp ngày một hiệu quả, rất cần có sự thống nhất tổ chức, triển khai trong cấp ủy, lãnh đạo từ tập đoàn tới đơn vị; dành nguồn lực thích đáng kể cả về mặt con người, kinh phí, cơ sở vật chất, điều kiện hoạt động để triển khai; các đoàn thể chính trị xã hội phải coi đây là điều kiện, là môi trường để khẳng định vai trò, vị thế của tổ chức, đem lợi ích cho doanh nghiệp, lợi ích cho người lao động, để đời sống của người lao động phải được nâng cao khi triển khai thực hiện văn hóa doanh nghiệp”, ông Phan Sỹ Linh trao đổi tại tọa đàm.

Đối với công tác văn hóa doanh nghiệp tại BSR, ông Khương Lê Thành cho biết, từ những ngày đầu phát triển, BSR đã tìm hiểu và đề cao vai trò của văn hóa doanh nghiệp. Qua 15 năm hình thành và phát triển, BSR xác định rõ tầm quan trọng và thực tiễn của văn hóa doanh nghiệp gắn liền với hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị. Việc quản trị doanh nghiệp thông qua văn hóa có thể xem là tốt nhất và tối ưu nhất đối với doanh nghiệp.

“Chúng tôi đã tổ chức đào tạo có hệ thống, tổ chức tuyên truyền văn hóa tại BSR xoay quanh các yếu tố “Đoàn kết-Sáng tạo-Hiệu quả-Chính trực-Chuyên nghiệp”. Qua đó, chúng tôi thực hiện đồng bộ các yếu tố này từ các cấp lãnh đạo, quản lý đến toàn thể cán bộ, công nhân viên của BSR. Đặc biệt, chúng tôi đã phát huy các giá trị văn hóa cốt lõi để tạo sự sáng tạo của từng người lao động, đồng lòng cùng ban lãnh đạo công ty vượt qua những khó khăn, thách thức. Đối với BSR, chúng tôi luôn đánh giá cao tầm quan trọng của văn hóa doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp”, ông Khương Lê Thành phát biểu.

Kết luận hội nghị, ông Lê Doãn Hợp, Thường trực Ban tổ chức 248, Chủ tịch Hội đồng quốc gia xét công nhận “Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa kinh doanh Việt Nam” nhấn mạnh, văn hóa là nền tảng và là tinh hoa của đạo đức. Vì vậy, các doanh nghiệp cần thực hiện sâu rộng và phát huy các giá trị của văn hóa doanh nghiệp vào thực tiễn đơn vị; thực hiện nghiên cứu và vận dụng các giá trị văn hóa doanh nghiệp của các công ty nước ngoài; ứng dụng công nghệ thông tin vào văn hóa doanh nghiệp và thực hiện các công tác rõ ràng, rành mạch và không chủ quan.

“Tôi xin dành lời cảm ơn đến lãnh đạo các cấp của 17 tỉnh miền trung, Tây Nguyên và đại diện các doanh nghiệp tiêu biểu đã tham gia hội nghị hôm nay. Qua buổi hội nghị, các đại biểu tham dự đã trình bày, trao đổi nhiều thông tin xoay quanh công tác triển khai văn hóa doanh nghiệp và cho thấy được tầm quan trọng của văn hóa trong quản trị doanh nghiệp. Rất mong trong thời gian tới, việc thực hiện triển khai công tác văn hóa doanh nghiệp sẽ tiếp tục được phát triển, triển khai sâu rộng và giúp cho các doanh nghiệp đạt được nhiều thành tựu mới”, ông Lê Doãn Hợp bày tỏ.

Kết thúc buổi tọa đàm đã diễn ra lễ ký kết chương trình phối hợp triển khai Bộ tiêu chí văn hóa kinh doanh Việt Nam giữa Ban tổ chức 248 và lãnh đạo UBND 17 tỉnh khu vực miền trung và Tây Nguyên.

Năm 2021, Petrovietnam được tôn vinh là 1 trong số 10 “Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa kinh doanh Việt Nam”. Năm 2022, 6 doanh nghiệp thuộc Petrovietnam cũng được tôn vinh “Doanh nghiệp đạt chuẩn Văn hóa kinh doanh Việt Nam” gồm: Chi nhánh Tập đoàn-Công ty Điều hành dầu khí Biển Đông (BIENDONG POC); Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR); Công ty cổ phần Phân bón dầu khí Cà Mau (PVCFC); Tổng công ty cổ phần Vận tải dầu khí (PVTrans); Chi nhánh Tổng công ty Khí Việt Nam-Công ty Khí Cà Mau (PV GAS Cà Mau); Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam-CTCP (PV Power).