Vận hành tuyến buýt đường sông đầu tiên

Tuyến buýt đường sông số 1 (Bạch Đằng - Linh Đông) sẽ chính thức vận hành trong tháng 8-2017. Đây là loại hình vận tải hoàn toàn mới, lần đầu xuất hiện ở TP Hồ Chí Minh với kỳ vọng góp phần giải tỏa áp lực giao thông đang quá tải của thành phố.

Bến Bạch Đằng, điểm đầu của tuyến buýt đường sông số 1.
Bến Bạch Đằng, điểm đầu của tuyến buýt đường sông số 1.

Giám đốc Công ty TNHH Thường Nhật, Nguyễn Kim Toản - chủ đầu tư dự án tuyến buýt đường sông số 1 cho biết: Hiện tàu buýt đã cơ bản đóng xong, sẵn sàng hạ thủy để vận hành kỹ thuật vào trung tuần tháng 8. Sau khi được vận hành, tuyến buýt đường sông số 1 sẽ chính thức phục vụ hành khách, với năm tàu, mỗi tàu có 80 chỗ; trong đó có bốn tàu vận chuyển hằng ngày, một tàu dự bị. Lộ trình của tuyến buýt số 1 bắt đầu từ bến Bạch Ðằng (quận 1) đến điểm cuối là Linh Ðông (quận Thủ Ðức), có chiều dài 10,8 km, chạy dọc sông Sài Gòn qua địa bàn các quận 1, 2, Bình Thạnh và Thủ Ðức. Trên tuyến có chín vị trí bến bãi và trạm dừng, gồm: Bến trung tâm Bạch Ðằng, bến Sài Gòn Pearl, bến Bình An, bến Thảo Ðiền, bến Tầm Vu, bến Thanh Ða, bến Bình Triệu, bến Hiệp Bình Chánh, bến Linh Ðông. Thời gian di chuyển từ điểm đầu đến điểm cuối khoảng 30 phút, thời gian mỗi tàu cập bến đón - trả khách giới hạn trong khoảng ba phút. Tuy nhiên, theo ông Toản ban đầu có thể chỉ đón - trả hành khách tại năm bến, sau khi xây dựng xong các bến còn lại, tuyến buýt sẽ đón trả khách suốt chín bến như kế hoạch. Trong quá trình khai thác, nếu nhu cầu của hành khách tăng lên, chủ đầu tư sẽ bổ sung bến đón - trả khách tùy theo tình hình thực tế. Giá vé được Sở Giao thông vận tải (GTVT) thành phố chấp thuận với nhà đầu tư là 15.000 đồng/vé. Ông Toản kỳ vọng: "Với một nghìn km đường sông và 112 tuyến kênh rạch trải đều tại khu vực nội đô, việc đưa tuyến buýt đầu tiên vào hoạt động sẽ đánh thức giao thông, du lịch bằng đường thủy của thành phố".

Trước đó, lãnh đạo Sở GTVT đã khảo sát thực tế công tác đóng tàu buýt tại xưởng đóng tàu của Công ty TNHH Thương mại Tân Viễn Ðông. Tại đây, ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT thành phố yêu cầu các đơn vị phải quan tâm đến chất lượng tàu buýt, thực hiện đồng bộ cơ sở hạ tầng để bảo đảm đủ vị trí bến bãi và trạm dừng trong suốt hành trình. Cuối tháng 7, ghi nhận thực tế tại các bến và trạm dừng của tuyến buýt số 1 cho thấy, việc thi công ở điểm đầu và điểm cuối đã cơ bản hoàn tất. Trong đó, khu vực đón - trả khách ở bến Bạch Ðằng (quận 1) được thiết kế ven bờ sông để tàu buýt cập vào đón khách thuận lợi. Kế bên điểm đón - trả khách này được thành phố bố trí một bãi giữ xe rộng để hành khách đi buýt đường sông gửi xe nếu có nhu cầu.

Tại khu vực Linh Ðông - điểm cuối của tuyến buýt được xây dựng gần bến đò ngang sông Bình Quới cũng thiết kế với một dàn nổi bằng thép trên mặt sông. Ðơn vị thi công đã cơ bản hoàn thành các hạng mục chính và đang thi công hệ thống mái che lối lên, xuống và đường dẫn... Theo Phòng quản lý vận tải thủy - Sở GTVT thành phố, tàu buýt là loại hình vận tải chuyên dụng, cho nên những điều kiện về an toàn kỹ thuật như chất lượng phương tiện, kỹ năng người lái tàu, luồng tuyến... được các đơn vị đặt lên hàng đầu. "Mọi hoạt động đều phải tuân thủ quy định vận tải hành khách đường thủy. Trong đó, việc vận hành cũng có quy trình cụ thể, giao trách nhiệm cho từng bộ phận lái tàu, thủy thủ, tiếp viên" - đại diện Phòng quản lý vận tải thủy khẳng định.

Ngày 31-5-2017, Sở GTVT và Công ty TNHH Thường Nhật chính thức ký hợp đồng xây dựng - sở hữu - kinh doanh (BOO) với hai tuyến buýt đường sông. Trong đó, tuyến số 1 (Bạch Đằng - Linh Đông) dài khoảng 10,8 km chuẩn bị đưa vào vận hành; tuyến số 2 (Bạch Đằng - Lò Gốm) dài khoảng 10,3 km có lộ trình từ bến Bạch Đằng đi theo sông Sài Gòn qua rạch Bến Nghé, kênh Tàu Hũ đến khu vực bến Lò Gốm, phường 7, quận 6 và ngược lại. Tuyến này gồm bảy bến đón trả - khách, đi qua các quận 1, 4, 5, 6, 8, dự kiến cuối năm 2018 khởi công.