Vận hành hệ thống thông tin nguồn, chuyển đổi số đồng bộ tại Long An

NDO - Năm 2024, ngành Thông tin và Truyền thông tỉnh Long An đã hướng tới chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện, đưa vào vận hành chính thức Hệ thống thông tin nguồn của tỉnh phục vụ công tác tuyên truyền trên hệ thống thông tin đại chúng từ tỉnh đến cơ sở và hoàn thành kết nối chia sẻ dữ liệu với Hệ thống thông tin nguồn quốc gia.
Huyện Tân Thạnh hướng dẫn sử dụng hệ thống thông tin nguồn của tỉnh Long An.
Huyện Tân Thạnh hướng dẫn sử dụng hệ thống thông tin nguồn của tỉnh Long An.

Vận hành Hệ thống thông tin nguồn nhằm hiện đại hóa thông tin cơ sở

Thực hiện nhiệm vụ UBND tỉnh Long An giao triển khai hạng mục Hệ thống thông tin nguồn cấp tỉnh thuộc Dự án Xây dựng hạ tầng, nền tảng, dịch vụ đô thị thông minh của tỉnh giai đoạn 1, đến nay, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với nhà thầu là Công ty VTC Dịch vụ truyền hình số (VTC Digital) đã cơ bản hoàn thành việc xây dựng phần mềm và hướng dẫn sử dụng Hệ thống thông tin nguồn của tỉnh.

Hệ thống thông tin nguồn tỉnh Long An là một hệ thống phần mềm dùng chung trong toàn tỉnh, có kết nối với hệ thống thông tin nguồn trung ương để điều khiển hệ thống các phương tiện thông tin cơ sở (hệ thống truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin – viễn thông; bảng tin điện tử công cộng,...) và phục vụ tác nghiệp cho đội ngũ cán bộ làm công tác thông tin cơ sở trên địa bàn tỉnh Long An.

Hệ thống này giúp truyền tải thông tin trực tiếp từ chính quyền tới người dân một cách nhanh chóng bằng cách phát nội dung bản tin tại các cụm loa và bảng tin điện tử công cộng thông qua môi trường internet 3G/4G/5G, đặc biệt là trong những tình huống khẩn cấp như thiên tai, dịch bệnh.

Vận hành hệ thống thông tin nguồn, chuyển đổi số đồng bộ tại Long An ảnh 1

Giao diện Hệ thống thông tin nguồn của tỉnh Long An.

Đến ngày 10/10/2024, hệ thống thông tin nguồn tỉnh đã kết nối được 508 cụm loa truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin và 3 bảng tin điện tử đủ điều kiện kỹ thuật theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Sở Thông tin và Truyền thông Long An đã phối hợp với VTC Digital tổ chức 16 lớp tập huấn với gần 600 đại biểu tham dự là những người trực tiếp làm công tác thông tin cơ sở trong toàn tỉnh.

Thông qua các lớp tập huấn, các đại biểu được hướng dẫn sử dụng phần mềm để quản lý hoạt động cụm loa truyền thanh, phát trực tiếp, điều khiển thiết bị bảng điện tử, điều khiển âm lượng thiết bị, tiếp sóng nội dung từ các nguồn khác gửi xuống, phát trực tiếp theo địa bàn quản lý, lịch phát bản tin, báo cáo thống kê.

Đồng thời tại đây, các đại biểu đã được cấp tài khoản, hướng dẫn thực hành vận hành hệ thống với các bước của quy trình biên tập, xuất bản nội dung xuống địa bản quản lý; lấy từ nguồn trung ương, tỉnh, tạo mới nội dung để phát trên cụm loa truyền thanh; chuyển văn bản thành giọng nói; tạo lịch phát, quản lý lịch phát và báo cáo thông kê thông tin cơ sở.

Vận hành hệ thống thông tin nguồn, chuyển đổi số đồng bộ tại Long An ảnh 2

Quang cảnh lớp tập huấn sử dụng hệ thống thông tin nguồn tại huyện Đức Hòa, tỉnh Long An.

Hệ thống thông tin nguồn tỉnh đi vào hoạt động giúp cán bộ làm công tác thông tin cơ sở cấp xã, cấp huyện từng bước hiện đại hóa hệ thống thông tin cơ sở, đổi mới phương thức cung cấp thông tin, nâng cao chất lượng nội dung thông tin cung cấp, xây dựng, trao đổi thông tin theo hướng chủ động, kịp thời, chính xác và hiệu quả.

Hình thành cơ sở dữ liệu, số hóa nguồn thông tin cơ sở đáp ứng yêu cầu cung cấp thông tin nguồn tuyên truyền, phổ biến đến người dân và phục vụ công tác quản lý nhà nước về thông tin cơ sở.

Theo Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Long An Nguyễn Bá Luân, tỉnh đã đưa vào vận hành chính thức Hệ thống thông tin nguồn của tỉnh phục vụ công tác tuyên truyền trên hệ thống thông tin đại chúng từ tỉnh đến cơ sở và hoàn thành kết nối chia sẻ dữ liệu với Hệ thống thông tin nguồn quốc gia.

Tập trung đầu tư chuyển đổi hệ thống truyền thanh cấp xã sang truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông. 100% UBND cấp xã có Trang thông tin điện tử. 98% cán bộ làm thông tin cơ sở được bố trí đúng quy định và được tập huấn, bồi dưỡng thường xuyên.

Chuyển biến rõ rệt về chuyển đổi số tại Long An

Cũng theo Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bá Luân, thời gian qua, Sở tiếp tục phát huy vai trò là cơ quan tham mưu, giúp UBND cấp tỉnh quản lý nhà nước về thông tin và truyền thông, gồm các lĩnh vực: Chuyển đổi số, bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, báo chí, xuất bản, in, phát hành, phát thanh, truyền hình, thông tin điện tử, thông tin đối ngoại, thông tin cơ sở; công nghiệp công nghệ thông tin; ứng dụng công nghệ thông tin; an toàn thông tin mạng, giao dịch điện tử.

Chuyển đổi số đạt kết quả thiết thực, chuyển biến rõ nét từ nhận thức đến hành động. Hạ tầng số ở Long An được quan tâm đầu tư và đưa vào vận hành như xây dựng Trung tâm dữ liệu tỉnh, Trung tâm an toàn thông tin (SOC), Trung tâm điều hành thông minh, Kho cơ sở dữ liệu dùng chung, Cổng dữ liệu mở của tỉnh (https://data.longan. gov.vn), Cổng dữ liệu Bản đồ số (GIS) của tỉnh (https://gis.longan.gov.vn), đang xây dựng trang thông tin cung cấp dữ liệu phục vụ xúc tiến đầu tư (https://gis.longan.gov.vn/xuctiendautu).

Vận hành hệ thống thông tin nguồn, chuyển đổi số đồng bộ tại Long An ảnh 3

Trung tâm Điều hành thông minh, hướng tới một “Long An số”.

Các nền tảng số, các hệ thống ứng dụng dùng chung đưa vào vận hành phục vụ tốt công tác quản lý, điều hành như Hệ thống quản lý văn bản và điều hành; Hệ thống giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính; ứng dụng “Long An IOC”, “Long An Số”, Tổng đài 1022.

Năm 2024, Long An còn hoàn thành kết nối, chia sẻ, tích hợp dữ liệu Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh với Phần mềm Dịch vụ công liên thông, phần mềm quản lý Hộ tịch của Bộ Tư pháp để triển khai 2 nhóm dịch vụ công liên thông theo Nghị định số 63/2024/NĐ-CP ngày 10/6/2024 của Chính phủ.

Công tác an toàn thông tin, an ninh mạng được bảo đảm; 100% hệ thống thông tin của tỉnh và hệ thống mạng LAN của các sở, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã được phê duyệt cấp độ an toàn thông tin.

Hạ tầng internet băng rộng cáp quang tới 100% xã, phường, thị trấn; 100% các ấp, khu phố trên địa bàn tỉnh Long An đã được phủ sóng di động mặt đất. Tỷ lệ hộ gia đình có đường truyền băng rộng cáp quang đạt 90,6%; tỷ lệ thuê bao điện thoại thông minh trên tổng số thuê bao đạt 87%.

Các doanh nghiệp viễn thông đã triển khai cung cấp dịch vụ 5G với tỷ lệ phủ sóng đạt khoảng 95% trên địa bàn 7 huyện, thị xã, thành phố.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo về Chuyển đổi số tỉnh Long An Phạm Tấn Hòa cho biết, về lâu dài, chương trình chuyển đổi số của tỉnh sẽ hướng tới mục tiêu chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện trên phạm vi toàn tỉnh, bao trùm lên các ngành, lĩnh vực và trên các mặt của đời sống kinh tế-xã hội; đưa Long An vào nhóm các địa phương chuyển đổi số tốt, trở thành tỉnh có chỉ số cao về phát triển Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số của cả nước.