Xuân về trong tranh
Đến thăm triển lãm “Xuân Đinh Dậu & Nghệ thuật Văn Dương Thành” (những ngày đầu tháng 1-2017) tại xưởng họa riêng của chị ở Hà Nội mang tên Sen trắng (White Lotus), cảm giác như lạc vào khu vườn ngập tràn sắc Xuân. Ở đó có cảnh “Chợ hoa ngày Tết” với những đào, cúc, thược dược… khoe mình dưới nắng xuân; có cảnh “Hoa đào Nhật Tân” thấp thoáng bên mái ngói cũ kỹ; hay “Hương sắc kim quất” nhuộm niềm vui phơi phới dưới nắng vàng, trời xanh… 50 bức tranh in khổ lớn với nhiều chất liệu như: sơn mài, sơn dầu, acrylic tựa bản hợp xướng ngọt ngào của kỷ niệm và hương sắc mùa xuân. Nơi đó, người ta còn bắt gặp những con phố Hà Nội: “Phố Hàng Bạc”, “Hàng Bè”, “Hàng Thiếc”… ánh lên mầu xám cũ kỹ dưới bầu trời rực rỡ dát vàng, đưa người xem trở về tuổi thơ cùng hương hoa sữa, tán bàng và thanh âm quen thuộc của những gánh hàng rong… Đó còn là hình ảnh của Hà Nội hiện tại với nhiều nét hoài cổ vương vấn ở: Đền Trần, chùa Bút Tháp, Ô Quan Chưởng, Khuê Văn Các… Vẫn là những sắc màu từ êm dịu đến rực rỡ, từ nét phẩy nhẹ nhàng đến vệt bút mạnh mẽ, thống nhất trong sự kết hợp điêu luyện giữa văn hóa dân gian và nghệ thuật trừu tượng, tranh Văn Dương Thành đã mang đến những xúc cảm đong đầy, trìu mến, thấm đượm tình yêu và nỗi nhớ quê hương. Đây cũng là nguồn cảm hứng chủ đạo trong những sáng tác của chị. Và có lẽ bởi chất Việt, hồn Việt luôn in đậm trong từng nét vẽ nên chị được mệnh danh là “sứ giả của văn hóa Việt Nam”.
Sinh ra tại tỉnh Phú Yên, nhưng Văn Dương Thành lớn lên và học tập tại Hà Nội. Nhờ năng khiếu hội họa, chị được đặc cách vào học tại Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam. Năm 20 tuổi, chị đã trở thành họa sĩ trẻ nhất Việt Nam có tác phẩm triển lãm tại Bảo tàng Mỹ thuật Quốc gia. Năm 1980, chị về công tác tại Viện Nghiên cứu Văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch). Sau đó, được cử đi học cao học ngôn ngữ tại Thụy Điển. Sau khi tốt nghiệp hai năm, chị đã đủ tự tin giảng dạy mỹ thuật cho các sinh viên nhiều quốc tịch nơi đây, trở thành giảng viên châu Á đầu tiên giảng dạy về mỹ thuật bằng tiếng Thụy Điển ở nước ngoài, và có lẽ cũng là họa sĩ đầu tiên của Việt Nam được các học viên ở nước ngoài yêu quý, hâm mộ thành lập hội mỹ thuật mang tên chị (Thành-Gruppen). Thông thạo ngoại ngữ, lại thuần thục về kỹ thuật hội họa tranh của Văn Dương Thành lập tức tạo được tiếng vang ở nhiều nước trên thế giới. Các bức tranh thấm đẫm hồn Việt của chị đã được trưng bày ở gần mười viện bảo tàng quốc gia trên thế giới, mang về nhiều giải thưởng danh giá cho nữ họa sĩ, trong đó đặc biệt phải kể đến giải “Nghệ thuật kiệt xuất quốc tế” của CFMI năm 1995 và “Vinh danh đất Việt” năm 1997.
Bắc nhịp cầu văn hóa bằng hội họa
Họa sĩ Văn Dương Thành tâm sự, may mắn của đời chị là đã vinh dự được học nhiều vị thầy nổi tiếng của hội họa Việt Nam, trong đó phải kể tới cố danh họa Bùi Xuân Phái. Với chị, ông vừa là người thầy đáng quý, vừa là người bạn tâm giao trong cuộc sống. Ông có tới hàng trăm bức vẽ Văn Dương Thành, và chị cũng có không ít bức ký họa chân dung ông. Dù vậy, xem tranh của chị, thấy Hà Nội của Văn Dương Thành hoàn toàn khác Phố Phái của họa sĩ Bùi Xuân Phái. Nếu Phố Phái tĩnh lặng, u hoài, thiên về gam mầu chủ đạo là nâu xám, thì phố của Văn Dương Thành dù lúp xúp rêu phong nhưng vẫn ngập tràn ánh mặt trời, nhộn nhịp và đầy ắp hơi thở cuộc sống. Tranh của chị là sự kết hợp hài hòa phong cách Á Đông và châu Âu mà ở đó những kỹ thuật của hội họa Tây phương hiện đại được vận dụng khá tinh tế. Bố cục cân đối, mầu sắc rực rỡ, biểu cảm sinh động, giàu nhạc tính pha chút trừu tượng là dấu ấn đậm nét tạo nên phong cách riêng của Văn Dương Thành.
Đến nay, chị đã tổ chức thành công hơn 60 triển lãm trong nước và quốc tế, bằng nét vẽ của mình giới thiệu và quảng bá nhiều giá trị văn hóa Việt Nam tới bè bạn năm châu. Từ năm 2012 đến nay, nhiều tác phẩm đặc sắc của chị đã được trưng bày tại nhiều triển lãm kỷ niệm Ngày Quốc khánh Việt Nam do các Đại sứ và Bộ Ngoại giao Việt Nam tổ chức tại các nước như: Ru-ma-ni, Thụy Điển, Ba Lan, Séc… Tháng 5-2016, nhân chuyến thăm Việt Nam của nguyên Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma, Văn Dương Thành là họa sĩ được chọn đặt vẽ tranh làm quà tặng tổng thống. Biết ông là tổng thống của một cường quốc lớn nhưng sống giản dị nên Văn Dương Thành không chọn vẽ thứ gì to lớn. Chị chỉ vẽ một con phố cũ rất đỗi bình dị của Hà Nội bằng chất liệu sơn dầu, in khổ 50 x 60 và đặt một cái tên cũng rất đỗi giản dị “Phố cổ”. Ngay sau đó, bức tranh đã nhận được nhiều tình cảm từ người được tặng: “Rất cảm ơn bức tranh rất đẹp của họa sĩ. Phu nhân Mi-chen và tôi vô cùng cảm động trước tấm lòng của bà. Mặc dù tất cả chúng ta đều đến từ những cộng đồng khác nhau, nhưng tôi tin tưởng rằng các cá nhân và các quốc gia sẽ trở nên mạnh mẽ hơn khi chúng ta cùng nhau làm việc. Bằng việc kết nối biên giới, những giá trị văn hóa và tinh thần, tình đoàn kết giữa các dân tộc, chúng ta có thể hướng tới một thế giới hòa bình và thịnh vượng” (trích thư Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma gửi Văn Dương Thành ngày 7-12-2016).
Sau hơn 20 năm sống, giảng dạy và hoạt động mỹ thuật tại nước ngoài, thời gian gần đây, họa sĩ Văn Dương Thành quyết định dành nhiều thời gian hơn ở quê hương. Bên cạnh sáng tác nghệ thuật, chị còn muốn truyền cảm hứng sáng tạo bằng việc giảng dạy hội họa cho các học sinh từ sáu đến 60 tuổi. Đến nay, nhiều học sinh của chị đã trưởng thành, trở thành sinh viên nghệ thuật của nhiều trường đại học quốc tế. Bên cạnh đó Văn Dương Thành còn miệt mài đóng góp cho công tác từ thiện. Hàng chục năm qua, chị đã đấu giá nhiều tác phẩm để gây quỹ cho các trẻ em thiệt thòi, mở phòng tranh phi lợi nhuận trong ba năm cho chương trình xóa đói, giảm nghèo của tổ chức Chương trình phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tại Hà Nội, hay gửi tặng các tác phẩm để đấu giá gây quỹ học bổng cho sinh viên tài năng Việt Nam tại Mỹ… Được biết, 12 tác phẩm của họa sĩ Văn Dương Thành về đề tài kiến trúc cổ Hà Nội và thiên nhiên làng quê Việt Nam đã được Bộ Ngoại giao lựa chọn để in lịch cho Hội nghị cấp cao APEC sắp tới, đồng thời dùng làm thiệp để chúc Tết các Đại sứ quán nhiều nước. Văn Dương Thành cũng trao bản quyền 50 tác phẩm tranh của mình tặng Bộ Ngoại giao để đóng góp cho chương trình ý nghĩa này.