Tuy nhiên, nghị quyết này không phải là đũa thần, không thể tháo gỡ tất cả vấn đề đang gây ách tắc nền kinh tế. Muốn phát huy tối đa các lợi thế mà Nghị quyết 98 mang lại, thành phố cần có cách làm mới, năng động, sáng tạo đúng như thương hiệu mà Thành phố Hồ Chí Minh đã từng có.
Từ năm 1982 đến nay, Bộ Chính trị đã có ba Nghị quyết về Thành phố Hồ Chí Minh; Quốc hội có hai Nghị quyết là Nghị quyết 54 và Nghị quyết 98. Qua đó cho thấy, sự quan tâm, tạo điều kiện từ Trung ương để Thành phố Hồ Chí Minh phát triển đúng với vị thế, tiềm năng, trở thành trung tâm kinh tế đứng đầu cả nước.
Thế nhưng, 10 năm gần đây, tăng trưởng của thành phố vẫn bị chậm lại, nhiều chỉ tiêu, chỉ số kinh tế không đạt như mong muốn, trong khi nhiều tỉnh, thành phố khác trong cả nước lại vươn lên phát triển mạnh mẽ.
Nói điều này để thấy, dù có cơ chế đặc thù, nhưng nếu bộ máy công quyền của thành phố không chớp thời cơ, không nhanh chóng làm mới mình với tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm để tận dụng tối đa những lợi thế mà cơ chế mới mang lại thì rất khó để kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh bứt phá.
Nghị quyết 98 được ví như cái móng nhà vững chắc. Xây cao, xây thấp như thế nào lại do chính Thành phố Hồ Chí Minh quyết định.
Những điểm đột phá mạnh về thể chế trong Nghị quyết 98 đã được phân tích nhiều, nhưng theo nhiều chuyên gia kinh tế, việc đầu tiên thành phố cần làm là nhanh chóng cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ các điểm nghẽn về pháp lý, vốn để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án trọng điểm.
Đối với các dự án có đầu tư công, tỷ lệ giải ngân càng cao đồng nghĩa càng “bơm được nhiều oxy” cho nền kinh tế.
Đối với các dự án tư nhân, tháo gỡ được các điểm nghẽn tồn tại lâu nay sẽ cải thiện được môi trường đầu tư, tạo thêm niềm tin đối với doanh nghiệp, người dân vào hệ thống công quyền.
Để gỡ các điểm nghẽn trong cải cách hành chính, Thành phố Hồ Chí Minh cần triển khai xây dựng đề án phân cấp, phân quyền trong giải quyết thủ tục hành chính để rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ, tăng cường chia sẻ thông tin, dữ liệu giữa các cơ quan quản lý.
Thông qua đó, người dân và cộng đồng doanh nghiệp sẽ tiết kiệm thời gian, chi phí, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh. Khi được phân quyền, đội ngũ cán bộ cấp dưới phải nhanh chóng vào cuộc với tinh thần lăn xả vì việc chung, không đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm.
Quá trình triển khai công việc cũng sẽ là cơ hội để lãnh đạo thành phố phát hiện ra những cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất, đạo đức tốt, có năng lực và trách nhiệm cao trong công việc.
Mọi việc thành bại đều do cán bộ, cán bộ là cái gốc của công việc. Để tiếp lửa cho cán bộ cấp dưới, đồng chí Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên đưa ra phương châm hành động: Kế hoạch 1, biện pháp 10, kiểm tra uốn nắn 20.
Kiểm tra uốn nắn không phải là làm cho người ta khó khăn, không phải làm ảnh hưởng đến người ta hành động. Và khi gặp những vấn đề khó thì báo cáo Ban chỉ đạo. Ban chỉ đạo chịu trách nhiệm cho ý kiến và chịu trách nhiệm về phần mình để các cán bộ không gặp phải rủi ro.
Hy vọng, với sự truyền lửa của người đứng đầu thành phố cũng như sự quyết tâm đồng lòng của cả hệ thống chính trị, trong thời gian ngắn con số tăng trưởng kinh tế của thành phố mang tên Bác sẽ được tiếp tục cải thiện; nhiều dự án, công trình trọng điểm sẽ được hoàn thành. Những hạn chế tồn tại bấy lâu khiến người dân bức xúc như: kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm môi trường sẽ sớm được giải quyết.