Vận dụng cơ chế đặc thù, ưu tiên phát triển nhà ở xã hội

Từ quyết tâm thực hiện chủ trương phát triển nhà ở xã hội thời gian qua của lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, kết quả khả quan, nhiều đối tượng chính sách xã hội đã tạo lập được chỗ ở ổn định, bảo đảm an sinh, an tâm làm việc, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống nhân dân trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, những rào cản về quy hoạch, thủ tục đầu tư, chính sách vay vốn... phát sinh từ thực tế cũng đã tác động không nhỏ đến hiệu quả đầu tư các dự án, dẫn đến kết quả xây dựng, phát triển nhà ở xã hội đạt rất thấp so với chỉ tiêu kế hoạch mà chính quyền thành phố đề ra.
0:00 / 0:00
0:00
Khu Nhà ở xã hội Imperial Palace (quận Bình Tân) với khoảng 900 căn hộ nhà ở xã hội, đưa vào hoạt động tháng 10/2022, đáp ứng nhu cầu về chỗ ở cho các đối tượng chính sách chưa có nhà ở.
Khu Nhà ở xã hội Imperial Palace (quận Bình Tân) với khoảng 900 căn hộ nhà ở xã hội, đưa vào hoạt động tháng 10/2022, đáp ứng nhu cầu về chỗ ở cho các đối tượng chính sách chưa có nhà ở.

Bài 1: An cư cho người dân có thu nhập thấp

Có thể nói hành trình đầu tư, xây dựng và phát triển nhà ở xã hội khá nhiều gian nan, trở ngại, nhưng kết quả đạt được chính là chỗ ở an cư của một bộ phận người dân có thu nhập thấp, cán bộ, công chức, viên chức khó khăn về nhà ở, vì thế rất cần chính quyền thành phố tiếp tục nỗ lực phấn đấu...

Tháng 10/2020, anh Phan Trần Bảo Chiêu cùng vợ và con gái chính thức dọn vào ở tại căn hộ 56 m2 (căn hộ C.107) thuộc Chung cư nhà ở xã hội Imperial Palace (quận Bình Tân) sau hơn hai năm nộp hồ sơ xét duyệt lên Sở Xây dựng thành phố. Kể về việc phải hoàn thành rất nhiều thủ tục khi nộp hồ sơ xin mua nhà ở xã hội, anh Chiêu thở phào chia sẻ: “Vợ chồng tôi xuất thân là lao động tự do, tôi làm tài xế xe du lịch, vợ bán hàng qua mạng, cả hai có con nhỏ và phải ở nhà thuê gần 15 năm cho đến khi được chấp thuận mua nhà ở xã hội.

Từ khi có chỗ ở ổn định, chúng tôi yên tâm làm ăn, tích cóp hằng tháng để trả số tiền vay mua nhà, bây giờ đã bớt lo lắng nhiều, chỉ tập trung làm ăn để trả nợ…”. Nằm ở tầng 1, căn hộ của anh Chiêu gồm hai phòng ngủ, bếp, đồ đạc được bài trí ngăn nắp và ấm cúng cho gia đình gồm ba thành viên. Phòng khách cũng là nơi sinh hoạt chung của gia đình, hướng nhìn ra công viên chung thoáng mát, hằng tuần cha con anh Chiêu đều xuống hồ bơi của chung cư vận động thư giãn…

Cũng ngụ ở Block C, vợ chồng ông Chế Đức Tín, bà Hồ Lan Anh (ngụ căn hộ C.102) chọn chung cư này là nơi an nhàn tuổi già sau khi cả hai về hưu. Ông Tín cho hay: Con gái tôi làm việc tại Tổng công ty Du lịch Sài Gòn - Saigontourist, thuộc diện nhân viên có nhiều năm công tác mà chưa sở hữu nhà ở cho nên đủ điều kiện xét duyệt mua nhà ở xã hội. Căn hộ này có diện tích 74 m2, giá mua khoảng 1,4 tỷ đồng.

“Dọn về ở chung với con, cháu, chúng tôi như được tiếp thêm niềm vui, nhất là nơi đây có chỗ sinh hoạt cho người già, trẻ con cùng nhiều tiện ích cho cư dân sinh sống”, bà Hồ Lan Anh cùng cháu ngoại vui chơi ở công viên nhỏ ngay bên dưới chung cư niềm nở nói thêm.

Theo Ban Quản trị Chung cư Imperial Palace, chung cư thuộc dự án nhà ở xã hội có quy mô 1,8 ha, gồm ba khối nhà 19 tầng với 1.115 căn hộ (trong đó có 208 căn hộ thương mại) với khoảng 3.000 cư dân đang sinh sống. Dự án được Ủy ban nhân dân thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư năm 2016; năm 2018 cấp phép xây dựng, tháng 10/2020 đưa công trình vào hoạt động.

Ông Park Seung Hoon, Phó Tổng Giám đốc Công ty N.H.O (chủ đầu tư) chia sẻ: “N.H.O đã và đang hoàn tất hơn 30 nghìn căn hộ ở tất cả các phân khúc, trong đó hơn 10% là nhà ở xã hội. Đầu tư nhà ở xã hội dù không hề dễ dàng nhưng qua đó vun đắp một cộng đồng tốt đẹp, góp phần tạo chỗ ở an cư cho người có thu nhập thấp, người thiếu điều kiện về nhà ở”.

Có thể nói, các dự án nhà ở xã hội được hình thành trên địa bàn quận Bình Tân cũng như trên địa bàn thành phố còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu rất lớn của các đối tượng cần sở hữu nhà ở xã hội. Cụ thể, giai đoạn 2016-2020, thành phố đưa ra chỉ tiêu phát triển 1,78 triệu mét vuông sàn xây dựng nhà ở xã hội, nhưng kết quả chỉ đạt 1,2 triệu m2 (tỷ lệ 66,8%), số dự án hoàn thành chỉ đạt tỷ lệ 37,74%.

Với giai đoạn 2021-2025, thành phố phấn đấu đầu tư xây dựng khoảng 35.000 căn nhà ở xã hội tương ứng 2,5 triệu mét vuông sàn. Tuy nhiên, tính đến cuối năm 2023, thành phố mới hoàn thành hai dự án, với 623 căn hộ, một con số khá “khiêm tốn” so với chỉ tiêu phấn đấu hoàn thành đưa vào sử dụng khoảng 12.000 căn, tương đương 1,15 triệu mét vuông sàn vào năm 2025.

So với dự án nhà ở xã hội dành cho người có thu nhập thấp, công chức, viên chức khó khăn về nhà ở, dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân có kết quả thực hiện đạt được khá thấp về quy mô cũng như đối tượng thụ hưởng. Các dự án hầu hết đều nằm ở vùng ven, gần các khu chế xuất, khu công nghiệp, nơi tập trung các nhà máy, xí nghiệp nhằm đáp ứng chỗ lưu trú cho đông đảo công nhân không đủ điều kiện sở hữu nhà ở.

Trong số các dự án lưu trú cho công nhân, khu nhà ở lưu trú nằm tại khu chế xuất Linh Trung 2 (thành phố Thủ Đức) do Công ty Thiên Phát làm chủ đầu tư, có hai block nhà cao chín tầng, được đưa vào sử dụng 10 năm trước với hơn 350 căn hộ, đã góp phần giải tỏa “cơn khát” nhà ở cho công nhân. Với quyết tâm của chủ đầu tư, tháng 4/2022, giai đoạn 2 của dự án được động thổ, với quy mô 360 căn hộ, đủ giải quyết nhu cầu thuê của 1.000 công nhân lao động làm việc tại khu chế xuất Linh Trung và khu vực lân cận.

Cũng có vị trí tại thành phố Thủ Đức, dự án nhà ở xã hội cho công nhân thuê Thủ Thiêm Green House, do Công ty cổ phần ThuThiem Group làm chủ đầu tư, gồm bốn block với 1.040 căn hộ, đã bàn giao một phần vào cuối năm 2023, song đến nay mới có 100 người đăng ký thuê. Đại diện công ty này cho biết: Ngoài việc phải đáp ứng ba điều kiện về nhà ở, cư trú và thu nhập theo quy định, người thuê còn cần chứng minh hiện tại đang làm việc tại các doanh nghiệp có trụ sở tại khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh.

Do đó, những điều kiện này chính là rào cản khiến công nhân khó đăng ký thuê căn hộ nhà ở xã hội tại đây. Ghi nhận, một số dự án nhà ở xã hội cho công nhân thuê trên địa bàn các Quận 7, 12, huyện Nhà Bè dù được chấp thuận chủ trương đầu tư nhiều năm qua, nhưng đến nay vẫn còn nằm trên giấy vì nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân về điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh pháp lý đầu tư, hệ số sử dụng đất... Đơn cử như, dự án nhà ở công nhân quy mô 800 căn hộ trong Khu công nghiệp Hiệp Phước 1, dự án nhà ở công nhân trong Khu chế xuất Tân Thuận...

(Còn nữa)