Là dải đất hẹp, dài 14,5 km nằm dọc theo tuyến biên giới phía Nam của Dải Gaza với Ai Cập, Hành lang Philadelphi, còn gọi là trục Salah Al Din, được xác định là một phần quan trọng trong bất kỳ thỏa thuận ngừng bắn nào giữa Israel và lực lượng Hamas ở Palestine. Vấn đề kiểm soát hành lang này trở thành điểm bất đồng chính trong tiến trình đàm phán. Israel đã thiết lập quyền kiểm soát tại khu vực này từ hồi cuối tháng 5 vừa qua bất chấp sự phản đối của Ai Cập và nhiều quốc gia Arab khác.
Bất chấp sự phản đối của Ai Cập, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nhiều lần tuyên bố sẽ không cân nhắc việc chấm dứt sự hiện diện của quân đội Israel ở khu vực này. Trong khi đó, ngay cả Mỹ, đồng minh thân cận của Israel, cũng tuyên bố bất kỳ thỏa thuận nào cũng phải bao gồm việc rút hoàn toàn lực lượng Israel khỏi Hành lang Philadelphi.
Các quốc gia Arab trong khu vực, gồm Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Saudi Arabia, Qatar và Oman, đã chỉ trích lập trường của ông Netanyahu về Hành lang Philadelphi và bày tỏ sự đoàn kết với Ai Cập. Trong tuyên bố, Bộ Ngoại giao UAE yêu cầu Israel kiềm chế và tránh làm gia tăng căng thẳng và bất ổn trong khu vực.
Bộ Ngoại giao Oman bày tỏ ủng hộ quan điểm Ai Cập trong vấn đề Hành lang Philadelphi và phản đối tuyên bố của Israel liên quan khu vực này. Saudi Arabia cảnh báo rằng, việc Israel kiên quyết nắm quyền kiểm soát Hành lang Philadelphi và đưa ra các tuyên bố được cho là mang tính khiêu khích có thể làm chệch hướng các nỗ lực hòa giải nhằm đạt được thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza.