Chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ IX

Vai trò của Hội Sinh viên trong học tập và nghiên cứu khoa học

Nghiên cứu khoa học (NCKH) giúp sinh viên rèn luyện kỹ năng xác định và giải quyết vấn đề, thử sức, đánh giá và nâng cao nhiều khả năng bản thân, đồng thời có kiến thức thực tế, cơ hội định hướng và phát triển nghề nghiệp. Trường đại học Bách khoa Hà Nội luôn là lá cờ đầu trong các trường đại học về học tập, nghiên cứu khoa học, nhiều kết quả nghiên cứu đoạt giải thưởng VIFOTEC, giải thưởng Nhà nước...

Sản phẩm xe tiết kiệm năng lượng của sinh viên Trường đại học Bách khoa.
Sản phẩm xe tiết kiệm năng lượng của sinh viên Trường đại học Bách khoa.

Hoạt động chủ lực của phong trào sinh viên Sinh viên Trường đại học Bách khoa Hà Nội có chất lượng thi đầu vào khá tốt cùng khả năng lô-gích, kiến thức khoa học cùng với niềm đam mê, ham thích tìm tòi trong mọi lĩnh vực. Sinh viên Bách khoa cũng luôn được đánh giá là chăm chỉ, sáng tạo và rất năng động trong học tập, NCKH. Với mục tiêu chiến lược xây dựng Trường đại học Bách khoa Hà Nội không chỉ là trung tâm đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, trình độ cao mà còn là trung tâm NCKH - chuyển giao công nghệ tiên tiến của Việt Nam, phong trào NCKH trong sinh viên trường những năm qua đã có sự phát triển mạnh mẽ có sức lan tỏa cao. Hội Sinh viên Trường đại học Bách khoa Hà Nội cũng đã tổ chức rất nhiều hoạt động như: các diễn đàn phương pháp học tập cho sinh viên, tổ chức các hội thảo khoa học, tuần lễ sinh viên nghiên cứu khoa học,...

Bên cạnh đó, Hội Sinh viên trường chú trọng phát triển các câu lạc bộ (CLB) học thuật như CLB Robocon, CLB Sinh viên nghiên cứu khoa học, CLB tiếng Anh, CLB tiếng Nhật, CLB IT... Tham gia hoạt động của các CLB học tập, các bạn sinh viên đã học tập hiệu quả, năng động, tăng khả năng giao tiếp, thuyết trình, làm việc nhóm và rèn luyện thêm nhiều kỹ năng cần thiết. Với những nỗ lực của Đoàn trường, Hội Sinh viên trường, năm học 2011 -2012, sinh viên trường đã đạt được nhiều kết quả cao trong học tập, NCKH. 847 sinh viên tham gia vào 422 công trình nghiên cứu. Hội đồng khoa học nhà trường đã chọn và khen thưởng 22 giải Nhất, 22 giải Nhì, 22 giải Ba trong số các công trình, đề tài NCKH của sinh viên. Nhiều sản phẩm nghiên cứu đã đoạt giải cao trong các cuộc thi trong nước và quốc tế, điển hình như sản phẩm "Hệ thống rửa quả lọc để tái sử dụng trong điều trị thận nhân tạo" đã giành giải nhất trong triển lãm Robocon Techshow lần thứ ba; đội thiết kế xe BK-Auto của sinh viên Viện Cơ khí động lực tham gia cuộc thi "Lái xe sinh thái - tiết kiệm nhiên liệu 2011" đã giành giải nhì. Trong số 11 công trình gửi dự thi giải thưởng Tài năng khoa học trẻ Việt Nam sinh viên Trường đại học Bách khoa Hà Nội đã giành một giải Nhất, hai giải Nhì, ba giải Ba và bốn giải Khuyến khích. Về thi Ô-lym-pích, sinh viên Trường đại học Bách khoa Hà Nội đã tham gia các kỳ thi cấp quốc gia và mang về một Siêu cúp, 14 giải Nhất, 23 giải Nhì, 21 giải Ba và 20 giải Khuyến khích.

Nhìn nhận hạn chế để vươn lên Qua tìm hiểu thực tế hoạt động, BCH Hội Sinh viên nhà trường nhận thấy: Hiện nay, phong trào sinh viên NCKH vẫn còn một số hạn chế, mà chủ yếu là chưa thu hút nhiều sinh viên tham gia và thiếu ứng dụng sản phẩm NCKH của sinh viên vào thực tiễn.

Những hạn chế trên xuất phát từ một số nguyên nhân sau: Sinh viên vẫn còn tư tưởng thụ động, chỉ xoay quanh giảng đường với những bài học trên lớp chứ chưa chủ động tìm tòi cơ hội được học tập, nâng cao kiến thức thực tiễn, định hướng cho bản thân. Bên cạnh đó, số sinh viên tham gia nghiên cứu chưa nhiều vì họ chưa hiểu rõ NCKH là như thế nào, không biết bắt đầu từ đâu hay nghiên cứu những gì. Chưa có một kênh thông tin nào đủ thường xuyên và mạnh mẽ đưa thông tin về vấn đề này đến sinh viên, vì thế nhiều sinh viên NCKH cho rằng là điều gì đó khá xa vời. Đa số các bạn sinh viên tham gia NCKH đều là sinh viên năm cuối. Điều đó làm ảnh hưởng tới thời gian nghiên cứu cũng như hạn chế tới phong trào của sinh viên.

Bên cạnh đó, các công trình nghiên cứu của sinh viên gặp nhiều khó khăn trong việc áp dụng vào thực tiễn.

Nguyên nhân chính là vấn đề về nguồn kinh phí và thiếu sự liên lạc với các nhà đầu tư, các doanh nghiệp.

Từ thực trạng trên, BCH Hội Sinh viên Trường đại học Bách khoa thống nhất cho rằng: Để phong trào sinh viên học tập và NCKH thật sự có sức lan tỏa mạnh, không chỉ tạo nền móng cho các công trình nghiên cứu của trường, mà còn tạo điều kiện cho các sinh viên rèn luyện bản thân về nhiều mặt, Hội Sinh viên cần đi sâu tìm hiểu nguyện vọng của sinh viên trong từng khóa. Muốn như vậy, các cán bộ hội phải đi sâu, nắm rõ tình hình học tập của từng cá nhân trong chi hội rồi phản ánh các thắc mắc và nguyện vọng của các bạn lên trên.

Nâng cao ý thức của các bạn sinh viên đối với các hoạt động NCKH và học tập thông qua các hoạt động tuyên truyền và các hội thi gắn với các kiến thức mà các bạn sinh viên đã được tiếp nhận nhằm phát triển phong trào NCKH không chỉ tập trung ở một bộ phận sinh viên năm cuối.

Hội Sinh viên cần có những hoạt động thúc đẩy tuyên truyền, đưa các thông tin về NCKH đến gần với sinh viên hơn nữa, giúp cho mỗi sinh viên đều tự ý thức được tầm quan trọng của hoạt động NCKH. Hội Sinh viên cần là cầu nối thật sự giữa sinh viên và nhà trường, các doanh nghiệp, trung tâm nghiên cứu.

Đây là một kênh thông tin chính thức, có thể bảo đảm tính chính xác trong thông tin giữa các bên. Từ đó phần nào nâng cao chất lượng và tính ứng dụng của các đề tài nghiên cứu trong sinh viên.

Cần nỗ lực tìm kiếm nguồn lực để thành lập một nguồn quỹ dành riêng cho hoạt động NCKH nhằm hỗ trợ cho các bạn sinh viên có điều kiện tham gia NCKH; đầu mối liên lạc với những doanh nghiệp để những công trình có triển vọng được đầu tư và phát triển ứng dụng vào thực tiễn.

Nếu có thể thực hiện tốt được những giải pháp nêu trên, phong trào sinh viên học tập và NCKH sẽ có sức lan tỏa mạnh mẽ tới sinh viên, những người luôn mang trong mình khát khao được học tập và khám phá.