Vai trò cầu nối của Việt Nam trong quan hệ ASEAN-EU

Nhân dịp chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến các nước châu Âu và tham dự Hội nghị cấp cao Kỷ niệm 45 năm quan hệ Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)-Liên minh châu Âu (EU), trang điện tử La Città Futura của Italia đăng bài viết với tiêu đề “Việt Nam, cầu nối quan trọng cho hợp tác chiến lược giữa EU với ASEAN”.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh chụp màn hình bài viết trên trang La Città Futura
Ảnh chụp màn hình bài viết trên trang La Città Futura

Theo TTXVN, bài viết nhấn mạnh Hội nghị cấp cao ASEAN-EU, được tổ chức tại thủ đô Brussels (Bỉ) vào ngày 14/12, là sự kiện cấp cao đầu tiên giữa hai khối nhân kỷ niệm 45 năm Cộng đồng Kinh tế châu Âu (tiền thân của EU) thiết lập quan hệ chính thức với ASEAN.

Từ năm 1977, quan hệ hợp tác ASEAN-EU không ngừng phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu và được nâng cấp lên Đối tác chiến lược vào năm 2020. Với Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương được công bố vào năm 2021, EU chính thức công nhận vai trò trung tâm của ASEAN trong khu vực. Trên lĩnh vực kinh tế-thương mại, EU hiện là đối tác lớn thứ ba của ASEAN năm 2021 và là nhà cung cấp vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn thứ hai trong số các đối tác đối thoại của ASEAN.

Trong bức tranh tổng thể đó, cùng bước tiến vượt bậc về hợp tác song phương với EU thời gian gần đây, Việt Nam đang trở thành một cầu nối rất quan trọng và hiệu quả, góp phần tăng cường các cơ chế hợp tác chung giữa ASEAN với EU. Trước hết, việc Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) được ký kết và có hiệu lực đang tạo động lực mạnh mẽ cho các hoạt động trao đổi kinh tế, thương mại giữa hai bên, đồng thời được xem là hình mẫu để EU tiếp tục mở rộng triển khai với toàn bộ khu vực ASEAN.

Dù chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, kim ngạch thương mại Việt Nam-EU thời gian qua vẫn tăng trưởng ấn tượng. Việt Nam tiếp nhận nguồn đầu tư chất lượng cao từ EU với những dự án có công nghệ tiên tiến, tạo ra những giá trị và lợi ích chung cho cộng đồng doanh nghiệp hai bên.

Cùng với tăng cường trao đổi kinh tế-thương mại, hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm trong ứng phó biến đổi khí hậu cũng là lĩnh vực trụ cột, được Việt Nam và EU quan tâm thúc đẩy. Dù là quốc gia đang phát triển, Việt Nam vẫn đặt ưu tiên cao và quyết tâm thực hiện thành công các cam kết tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), phấn đấu đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Việt Nam và EU đang tích cực triển khai các sáng kiến hợp tác về chuyển đổi năng lượng xanh và bền vững. Với sự điều phối của Anh và EU, quan hệ Đối tác Chuyển đổi năng lượng (JETP) với Việt Nam đang được Nhóm Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) xem xét thiết lập. Việt Nam đã xây dựng các đầu mối chính trị cũng như cấp kỹ thuật cho việc triển khai sáng kiến này.

Trong phạm vi khu vực, Việt Nam và EU đang hướng tới việc phối hợp mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực quan trọng khác. Trong đó, nhiều chiến lược EU mới công bố như Chiến lược hợp tác với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Cửa ngõ toàn cầu, La bàn chiến lược… đều thể hiện sự coi trọng của EU về vai trò của khu vực ASEAN và châu Á nói chung.

Trong khi đó, ông Pierre Grega (P.Grê-ga), Giám đốc Trung tâm Phát triển-Phục hồi-Hội nhập và An ninh (DRIS) có trụ sở tại Brussels nhấn mạnh, Việt Nam cần tận dụng quan hệ tốt đẹp với các nước thành viên EU để thúc đẩy hợp tác giữa ASEAN và EU, như khi Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2020. Sự năng động của nền kinh tế, quan hệ thương mại chặt chẽ với các nước EU đã mang lại cho Việt Nam những lợi thế và đóng góp tích cực trong thúc đẩy hợp tác liên khu vực.