Vải thiều nỗ lực vượt dịch xuất ngoại

NDO -

Hoạt động xuất khẩu vải thiều niên vụ 2021 được đánh giá là rất khó khăn khi dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp và nhiều vùng vải thiều đã xuất hiện các ca dương tính với Covid-19. Tuy nhiên, bằng các giải pháp mạnh mẽ, các Bộ ngành, địa phương và doanh nghiệp đang nỗ lực đưa trái vải thiều xuất khẩu trong bão dịch.

Vải thiều xuất khẩu được đóng gói đẹp mắt, thu hút người tiêu dùng.
Vải thiều xuất khẩu được đóng gói đẹp mắt, thu hút người tiêu dùng.

Nhiều cách làm mới

Từng tham gia xuất khẩu trái vải thiều trong niên vụ 2020, bà Ngô Thị Thu Hồng, Tổng Giám đốc Công ty CP Ameii Việt Nam cho biết, năm 2020, Ameii đã bắt đầu xuất khẩu vải thiều Thanh Hà (Hải Dương) vào thị trường Nhật Bản và đã được người tiêu dùng ở nước này đánh giá cao, tiêu thụ tốt. Năm nay, Công ty CP Ameii Việt Nam dự kiến đưa khoảng 1.000 tấn vải thiều Thanh Hà tiêu thụ tại Nhật Bản.

“Để hoàn thành mục tiêu này, điểm đáng lưu ý trong hoạt động xuất khẩu vải thiều năm nay là doanh nghiệp đã chủ động nâng cao chất lượng vải xuất khẩu bằng cách đầu tư hệ thống buồng hun trùng, khử khuẩn, chế biến quả vải đẹp, bảo đảm chất lượng xuất khẩu sang các thị trường cao cấp, góp phần nâng cao giá trị quả vải. Đồng thời quan tâm đến việc đầu tư bao bì sản phẩm bằng cách thay vì đóng vào thùng xốp, thùng carton thì đựng vào hộp quà nhìn rất bắt mắt, thu hút người tiêu dùng. Tuy chỉ là một việc nhỏ nhưng quả vải thiều Thanh Hà như khoác thêm một chiếc áo mới lộng lẫy, giá trị quả vải nhờ đó cũng được nâng cao hơn”, bà Ngô Thị Thu Hồng chia sẻ.

Dịch bệnh Covid-19 bùng phát lần thứ tư đúng vào mùa thu hoạch vải thiều đã và đang khiến hoạt động xuất khẩu đứng trước nhiều khó khăn. Song đã có nhiều doanh nghiệp như Công ty CP Ameii Việt Nam, đã và đang đồng hành với các cơ quan quản lý nhà nước và người nông dân trong việc thúc đẩy xuất khẩu loại trái cây này. 

Điểm đặc biệt trong niên vụ vải thiều 2021 chính là sản lượng và chất lượng trái vải xuất khẩu đã và đang không ngừng được nâng cao. Thứ trưởng Công thương Đỗ Thắng Hải nhận định, năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, song hoạt động sản xuất và tiêu thụ quả vải thiều của cả nước vẫn đạt kết quả đáng khích lệ với sản lượng trên 200 nghìn tấn, chất lượng được nâng cao nhờ áp dụng mô hình canh tác theo tiêu chuẩn hiện đại, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, giá ổn định bảo đảm lợi ích cho người nông dân. Tổng lượng quả vải xuất khẩu mùa vụ 2020 của cả nước đạt khoảng 98 nghìn tấn (chiếm xấp xỉ 50% tổng sản lượng cả nước). 

“Thị trường xuất khẩu quả vải được mở rộng đến nhiều quốc gia trên thế giới. Bên cạnh thị trường xuất khẩu truyền thống như Trung Quốc, một số nước ASEAN, quả vải còn được xuất khẩu sang nhiều thị trường được coi là “khó tính” khác như Hoa Kỳ, Australia, Hà Lan, Anh, Pháp, Canada, UAE ... Đáng chú ý, trong năm 2020, quả vải tươi của Việt Nam tiếp tục mở cửa thành công vào hai thị trường lớn và nhiều tiềm năng là Singapore và Nhật Bản. Đây là tín hiệu tích cực, khẳng định thương hiệu quả vải Việt Nam với thị trường quốc tế”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết.

Ngay tại Bắc Giang, địa phương đang chịu ảnh hưởng mạnh bởi đợt bùng phát dịch Covid-19 thứ tư, việc tiêu thụ vải thiều trong niên vụ 2021 cũng đã được lên phương án kỹ. Theo đó, năm 2021, tổng diện tích trồng vải của toàn huyện Lục Ngạn là 15.450 ha, sản lượng ước đạt trên 120 nghìn tấn (trong đó vải chín sớm khoảng 30 nghìn tấn); thời gian thu hoạch bắt đầu từ khoảng 20-5 đến 20-7. Xác định chỉ đưa ra thị trường dòng sản phẩm chất lượng, tỉnh đã tăng diện tích sản xuất theo quy trình VietGAP lên hơn 12.400 ha (tăng 700 ha so với năm 2020) và theo quy trình GlobalGap khoảng 318 ha, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu đến nhiều thị trường khó tính.

Bắc Giang cũng lên ba phương án để bảo đảm tiêu thụ tốt vải thiều trong mọi tình huống. Theo đó, với trường hợp tình hình dịch trong nước vẫn còn nhưng được kiểm soát, các hoạt động giao thương được trở lại bình thường, lượng vải thiều tươi dự kiến tiêu thụ khoảng 114 nghìn tấn (tiêu thụ trong nước: 51 nghìn tấn, xuất khẩu: 53 nghìn tấn); chế biến sấy khô, nước ép, đóng hộp khoảng 6 nghìn tấn). Ở phương án hai, nếu tình hình dịch trong nước tiếp tục diễn ra phức tạp, UBND huyện dự kiến tiêu thụ vải thiều tươi khoảng 95 nghìn tấn (trong đó, tiêu thụ trong nước: 60 nghìn tấn, xuất khẩu: 35 nghìn tấn); tiêu thụ bằng hình thức khác: 25 nghìn tấn. 

Đáng chú ý, UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành Kế hoạch tổ chức chuỗi các sự kiện hội nghị, diễn đàn, lễ hội quảng bá, giới thiệu các sản phẩm du lịch và xúc tiến tiêu thụ nông sản chủ lực, đặc trưng; vải thiều năm 2021. Trong đó, ngày 8-6, UBND tỉnh Bắc Giang dự kiến tổ chức Hội nghị trực tuyến xúc tiến tiêu thụ vải thiều với các điểm cầu trong và ngoài nước.

Hỗ trợ mạnh cho các địa phương

Trong bối cảnh dịch bệnh còn nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, các cơ quan quản lý nhà nước đang tích cực triển khai các giải pháp hỗ trợ địa phương. Trong đó, tại Hải Dương, Bộ Công thương đã hỗ trợ kết nối cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh vải và nông sản áp dụng thí điểm Hệ thống truy xuất nguồn gốc Itrace247 cho quả vài thiều và các nông sản tiêu biểu của tỉnh. Đồng thời, giao dịch trực tuyến với khoảng 200 các nhà nhập khẩu từ nhiều thị trường xuất khẩu quan trọng như Trung Quốc, Singapore, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Pháp, Hà Lan… vào các ngày từ 18 đến 20-5-2021.

Các cơ quan thương vụ tại nước ngoài cũng triển khai nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ tiêu thụ vải thiều. Đơn cử, Thương vụ Việt Nam tại Australia sẽ triển khai Chương trình xây dựng thương hiệu và thúc đẩy tiêu thụ quả vải Việt Nam tại Australia năm 2021. Trong đó, sẽ tiếp tục kết nối giao thương liên tục suốt mùa vải và cử cán bộ trực phối hợp tháo gỡ các khó khăn do thủ tục nhập khẩu tạiAustralia; quảng bá, định hướng người tiêu dùng làm quen với màu quả vải ngả vàng do chiếu xạ. Đồng thời thực hiện quảng cáo kích cầu tại các khu vực tiêu thụ như: quảng cáo trên mạng xã hội, cửa hàng, siêu thị và các kênh thông tin khác. Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Australia cũng sẽ tiến hành đề xuất với các cơ quan của Australia để thúc đẩy việc thông quan được thuận lợi khi vải đến Australia. Dự kiến, năm nay sẽ có khoảng Khoảng 100 tấn vải thiều Việt Nam sẽ xuất khẩu sang bang Nam Australia và Tây Australia.

Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công thương, Bộ Tài chính đã thành lập tổ công tác liên ngành giải quyết các vấn đề về tiêu thụ nông sản, đặc biệt ở các cửa khẩu biên giới. Bên cạnh đó, có văn bản gửi tới Tổng cục Hải Quan Trung Quốc tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy hàng hoá, không xảy ra tình trạng ứ đọng ở biên giới. Từ đó, góp phần thông suốt hoạt động xuất khẩu, sẵn sàng cho một mùa vải thắng lợi.