Mặc dù chỉ còn 3 ngày nữa, anh bước sang tuổi 96, nhưng trí nhớ vẫn như thời trai trẻ, giọng nói vẫn ấm vang, rành rõ. Trong không khí thân tình, ấm cúng và cởi mở, tôi mạnh dạn hỏi: “Thưa anh, thế hệ làm báo từ thời chống Mỹ, cứu nước đến nay, chỉ hiểu anh là một trong những “cây chính luận” xuất sắc của Báo Nhân Dân, nhưng chưa hiểu chặng đường anh đến với cách mạng và báo chí như thế nào, nếu được anh vui lòng kể cho vài nét?”
Anh cười, nói thong thả:
- Thật ra, từ trước đến nay, có một số nhà báo muốn viết về đời làm báo của mình, nhưng thú thật, mình rất ngại nói về bản thân.
- Nhưng với em, người trưởng thành từ Báo Nhân Dân, mong anh có thể kể một vài chuyện về nghề nghiệp ạ!
Lặng im một lúc, anh nói thong thả:
- Nếu kể về chặng đường từ ngày tham gia cách mạng (năm 1942) thì dài lắm. Mình chỉ tóm tắt vài nét chủ yếu thế này: Năm 1942, mình cùng với anh Lưu Văn Mẫn (nguyên Phó Trưởng Ban Tài chính-Quản trị Trung ương-hiện còn sống) cùng anh Phạm Thành Đạt tham gia trong “tổ Việt Minh” đầu tiên ở trường Bonnal Hải Phòng, hoạt động cho đến năm 1945, ta cướp được chính quyền. Công việc của tổ “học sinh cứu quốc” là đi rải truyền đơn, hoặc đi bảo vệ các nhóm cùng làm nhiệm vụ.
Ngày 23/8, Hải Phòng khởi nghĩa giành chính quyền, tổ của mình được đeo băng đỏ bảo vệ Nhà hát Lớn thành phố. Năm 1944, khi đang học trường Bưởi, các anh Phan Đăng Tính, Lê Đăng Doanh… cùng mình tham gia soạn thảo tài liệu vạch tội ác của bọn Nhật, Pháp đè đầu cưỡi cổ nhân dân. Bọn mật thám “đánh hơi” xông vào các lớp học lục soát, một số học sinh bị bắt; còn mình nhanh tay đã cất giấu tài liệu vào đống thư cá nhân…
Sau khi cướp chính quyền, mình và các anh Lưu Văn Mẫn, Lại Đức Vân… được triệu tập đi học lớp Quân chính ở Hà Nội - lớp tiếp theo lớp Quân chính kháng Nhật mở ở chiến khu Việt Bắc. Bác Hồ đã đến nói chuyện về tình hình và nhiệm vụ trước mắt của đất nước cho cả lớp học. Kết thúc, mình và một số học viên được cử ngay đi “Nam tiến”. Mình và anh Lê Hoàng được cử vào Ban giám đốc của Trường Quân chính Đà Lạt. Kế hoạch là mở 2 khóa, mỗi khóa 1 tháng, mỗi lớp có từ 30 đến 40 học viên của vùng Nam Trung Bộ để về phục vụ chiến đấu ở địa phương.
Sau Tạm ước 6/3/1946, mình và anh Lê Hoàng bị sốt rét nặng, mình bị sưng gan, tổ chức đưa về chữa bệnh ở gần bến Ninh Chữ thuộc tỉnh Phan Rang. Không ngờ tối hôm đó, Pháp bao vây, cả 3 người đều bị bắt. Mình chỉ còn mỗi quần đùi và áo may ô. Nó cứ tra khảo “tụi bay vô đây làm gì”, mình trả lời “vào tìm người nhà để đòi nợ”. Sau 3 tháng, Pháp không tìm được chứng cứ gì, đành phải thả. Mình và một số anh được ra miền bắc tiếp tục chữa bệnh
- Thưa anh, lúc đi hoạt động cách mạng, bố mẹ anh có biết không?
- Bố mình cũng biết, nhưng mẹ thì không rõ. Hồi đó ông là thư ký cho một hãng buôn của Pháp nhưng có tư tưởng tiến bộ. Khi đang làm giáo học, ông bị buộc ra khỏi ngành vì chứa sách cấm. Vì thế, ông phải làm viên chức cho một hãng nhà buôn. Đoán mình đi hoạt động Việt minh, ông chỉ dặn: “Anh phải cẩn thận”. Còn khi cách mạng thành công, ông tham gia ngay Đoàn Công chức ủng hộ Việt minh, viết báo cho báo Hải Phòng, làm thơ tỏ lòng yêu nước, tham gia biểu tình. Hồi mình đi thoát ly ngay sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, ông tưởng chi đi ngắn thôi, nhưng đi mãi không thấy về. Ông, bà tưởng mình đã chết…
- Thưa anh, con đường nào dẫn anh đến nghề làm báo?
- Cuối năm 1947, mình gặp anh Nguyễn Thành Lê. Lúc đó anh ấy đang làm ở Báo Độc Lập và rủ mình cùng đi viết báo. Mình được kết nạp vào Đảng Cộng sản từ tháng Chạp năm 1948, được anh Lê cử đi dự lớp nghiên cứu Đề cương văn hóa của Đảng do các đồng chí Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp tổ chức. Học viên gồm nhiều văn nghệ sĩ tham dự, như Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Huy Tưởng, Văn Cao, Nguyên Hồng, Nguyễn Công Hoan, Kim Lân, Phan Kế An…
Hồi làm báo Độc Lập, mình làm Thư ký Tòa soạn. Bài được đăng đầu tiên là bản dịch bức thư của Stalin gửi ông Vallce người Mỹ. Sau đó được giao viết các bài bình luận ngắn về quốc tế, lấy bút danh là Việt Ái. Cuối năm 1949, được cử đi chiến dịch Biên giới với tư cách là phóng viên Báo Độc Lập.
Năm 1951, Trung ương mở Khu học xá bên Trung Quốc, mình thôi viết báo và sang học khoa học cơ bản do ông Lê Văn Thiêm phụ trách, ông Võ Thuần Nho là Tổng Hiệu trưởng. Đến chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954) thì nhận được điện của Trung ương “điều động đồng chí Kiên Trung (tức Trần Kiên) về nhận công tác mới”.
Hà Nội mới tiếp quản được mấy ngày, mình ở nhà Nhà thương Đồn Thủy (giờ là Bệnh viện 108). Lúc đó, Bác Hồ cũng đang làm việc tại đây. Ban Tổ chức Trung ương hỏi nguyện vọng muốn về Ban Tuyên huấn hay về Báo Nhân Dân? Mình trả lời: “Tôi làm báo đã quen nên xin về báo Đảng”. Ngày đầu làm ở bộ phận Quốc tế do ông Nguyễn Thành Lê phụ trách. Sau khi các ông Lưu Cộng Hòa, Đinh Nho Khôi nhận công tác khác; mình làm Trưởng Ban Quốc tế.
- Thưa anh, từ ngày về báo Đảng, những kỷ niệm tâm đắc nhất với anh là gì?
- Đó là năm 1958, mình được ông Hoàng Tùng, Tổng Biên tập cử đi làm phóng viên thường trú tại Liên Xô trong khi chưa biết tiếng Nga, chỉ thông thạo tiếng Pháp. 5 năm ở Moskva (1958-1963) là quá trình vừa làm việc, vừa tự học tiếng Nga. Do vậy, trong những năm đầu phải nhờ anh Vũ Khoan, chị Hồ Thể Lan (đang làm phân phiên dịch ở Sứ quán) giúp cung cấp thêm thông tin. Mình đã viết nhiều bài gửi về đăng báo Nhân Dân, trong đó có những bài bề thế như “Gary Power là ai?” Sau này, khi Phạm Tuân bay vào vũ trụ, mình trực tiếp sử dụng tiếng Nga lấy tài liệu để viết mấy bài liền, rồi các bài về đại công trình Đường sắt Baican-Amua…
Khi thôi làm nhiệm vụ phóng viên thường trú, Tổng Biên tập Hoàng Tùng giao nhiều nhiệm vụ, vừa làm phóng viên, vừa tham gia quản lý các ban: Tân văn, Nội chính, Miền nam, Quốc tế… và nhiều bộ phận khác.
Cuộc đấu tranh trên mặt trận chính trị tư tưởng ở trong nước cũng như ở quốc tế lúc đó có nhiều thời điểm sôi động. Những bài xã luận, bình luận về vấn đề này khi ký “Người bình luận” hoặc “Người quan sát”, đều có bút tích của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, như Trường Chinh, Nguyễn Duy Trinh; có bài Bác Hồ trực tiếp sửa bằng mực đỏ. Rất mừng là, không bài nào bị phá sản.
Mình nhớ mãi một kỷ niệm khi viết bài bình luận phản bác luận điểm “giá trị toàn nhân loại”, “giá trị toàn châu Âu”, “xóa bỏ hình ảnh kẻ thù”, “chung sống hòa bình”…, trong một cuộc họp Bộ Chính trị, mình được tham dự, lúc giải lao, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đến bắt tay và khen bài viết tốt.
Trở lại chuyện làm việc ở Mátxcơva khi làm phóng viên thường trú, nhân kỷ niệm Ngày sinh nhà văn Nga vĩ đại Lép tôn-xtôi, Bác Hồ viết bài “Tôi là học trò nhỏ của Lép tôn-xtôi” đăng trên báo “Văn học nước Nga”. Mình đọc thấy bài hay quá và các bạn Nga rất khen, mình vội dịch từ tiếng Nga ra tiếng Việt, gửi về đăng báo Nhân Dân. Tuần sau, vào dịp sang thăm và làm việc ở Liên Xô, gặp Bác Hồ ở Đại sứ quán, Bác hỏi mình: “Sao chú cắt bài của Bác?” Mình toát mồ hôi, vội về chỗ ở kiểm tra bài dịch, thì thấy thiếu một câu. Mình tự giác viết bản kiểm điểm nhận thiếu sót gửi Bác. Hôm sau, đồng chí Vũ Kỳ, Thư ký của Bác cho biết, Bác bảo: “biết nhận lỗi thì thôi” (vì mình tự đề nghị nhận bất cứ hình thức kỷ luật nào).
Trong “gia tài” đồ sộ về các bài chính luận, nhiều đồng nghiệp mong anh nên tuyển chọn để xuất bản sách, anh đều từ chối khéo; trong khi đó, anh thường xuyên đọc các bài báo, các cuốn sách của đồng nghiệp và có lời nhận xét khích lệ. Anh từ chối các cuộc phỏng vấn của nhiều báo, đài về báo chí, nhất là vào dịp kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6).
Là một trong những học viên xuất sắc của Lớp báo chí được mở đầu tiên mang tên Huỳnh Thúc Kháng (năm 1948) theo chỉ đạo của Bác Hồ, anh được nhận giải nhất của Lớp học. Nhưng dịp khánh thành Bia di tích Lớp học ở huyện Đại Từ (tỉnh Thái Nguyên), Truyền hình Thái Nguyên xây dựng bộ phim tư liệu về Lớp học, mời anh kể đôi điều tâm đắc nhất, anh nói thân tình: “Nên chọn người khác, như chị Lý Thị Trung là xứng đáng”. Với anh, điều tâm niệm thường xuyên là cố gắng làm tốt phận sự của Đảng phân công; dù là phóng viên hay khi là người quản lý.
Tại Đại hội Đảng bộ Báo Nhân Dân (nhiệm kỳ 1969-1974), anh xin rút khỏi danh sách đề cử, nhưng Đại hội vẫn tín nhiệm bầu anh vào Ban Chấp hành và cử làm Bí thư Đảng ủy. Khi đồng chí Hữu Thọ làm Tổng Biên tập, phải thuyết phục nhiều lần, anh mới nhận cương vị Phó Tổng Biên tập Thường trực. Không phải vì ngại vất vả, mà thật sự anh chỉ muốn cử những người trẻ tuổi hơn anh để tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng cán bộ kế nghiệp…
Với riêng tôi, anh vừa là người anh, vừa là người thầy tình sâu nghĩa nặng. Sau khi tôi nhận nhiệm vụ Phó Trưởng Ban Thư ký-Biên tập, anh mấy lần đề nghị Tổng Biên tập Hoàng Tùng điều động tôi về làm Phó Trưởng Ban Quốc tế. Chính trong thời gian 3 năm công tác tại đây, dưới sự quan tâm chỉ dẫn, giúp đỡ tận tình của anh, tôi có bước trưởng thành vững chắc trong tác nghiệp thể loại chính luận. Những bài xã luận, bình luận của tôi qua cách sửa của anh, đã thật sự “nâng tầm”. Và đó cũng là cơ sở để sau này, trên cương vị Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, tôi đã tự mình viết nhiều bài xã luận, bình luận, chuyên luận và nhiều thể loại khác với sự tự tin, được nhiều đồng nghiệp khích lệ.
Tôi thấm thía câu châm ngôn của ông cha: “Không thầy, đố mày làm nên!”.