Chủ tịch Quốc hội cùng các Phó Chủ tịch Quốc hội thay phiên điều hành nội dung phiên họp.
Trong 3 ngày làm việc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV (trong đó có việc đề xuất một số đổi mới cải tiến áp dụng tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV và việc tổ chức hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp).
Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV dự kiến khai mạc vào ngày 20/10 và bế mạc vào ngày 13/11.
Kỳ họp tiến hành theo hai đợt: Đợt 1 họp trực tuyến qua cầu truyền hình từ Nhà Quốc hội đến 63 Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (từ ngày 20/10 đến ngày 3/11). Đợt 2, dự kiến Quốc hội họp tập trung tại Nhà Quốc hội (từ ngày 8/11 đến ngày 13/11). Nếu dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp trong thời gian diễn ra đợt 1 của kỳ họp thì sẽ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định việc họp trực tuyến toàn bộ thời gian còn lại của kỳ họp.
Những nội dung quan trọng
Trong 3 ngày họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến những nội dung quan trọng sau:
Về công tác xây dựng pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến (lần 2) về dự án Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê; cho ý kiến về các dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Nghệ An, Thừa Thiên Huế.
Về các vấn đề kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến các báo cáo của Chính phủ về: quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm y tế năm 2020; 2 năm (2019 - 2020) thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân; kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025; cho ý kiến về Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025); xem xét, quyết định việc bổ sung dự toán thu, chi vốn viện trợ nước ngoài năm 2021 cho tỉnh Quảng Nam.
Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về việc xử lý tài chính cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam khi thanh toán khoản tiền đền bù giá trong bao tiêu sản phẩm Dự án liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn.
Về công tác giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV.
Cho ý kiến về báo cáo Kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV; báo cáo kết quả tiếp công dân, tiếp nhận xử lý đơn thư của công dân và kết quả giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2021.
Quốc hội sẽ làm đến nơi, đến chốn trong vấn đề chống lãng phí
Trao đổi với cử tri chung quanh một số nội dung tại kỳ họp thứ hai được đông đảo người dân quan tâm, về tình trạng lãng phí hiện nay, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ: Quốc hội đang triển khai giám sát tối cao về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tập trung vào các lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công, mua sắm công, chi tiêu ngân sách, quy hoạch treo, dự án treo…
“Quốc hội sẽ làm đến nơi, đến chốn, chỉ rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân trong vấn đề này, bởi hệ quả của lãng phí nhiều khi còn nặng nề hơn cả tham nhũng”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, Quốc hội đã huy động Kiểm toán Nhà nước vào cuộc, bên cạnh đó Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND các tỉnh cùng tiến hành giám sát lĩnh vực này, tránh để lãng phí nguồn lực của đất nước. Từ đó, vấn đề nào vướng về pháp lý thì Quốc hội, các cơ quan có thẩm quyền phải tập trung tháo gỡ, còn sai phạm thì phải xử lý nghiêm minh.
Ghi nhận kiến nghị của cử tri về việc Quốc hội phải giám sát chặt chẽ việc tổ chức thực hiện các gói hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ: Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cử một Phó Chủ tịch Quốc hội, hai Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham gia Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19.
Vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành lập Tổ công tác đặc biệt “24/7” với tinh thần khẩn trương, thường trực, thường xuyên, qua đó nghiên cứu, tham mưu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định các cơ chế, chính sách về phòng, chống dịch, phục hồi kinh tế; tham mưu với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát việc thực thi, huy động, quản lý, sử dụng, phân bổ các nguồn lực phòng, chống dịch.