Ủy ban Pháp luật của Quốc hội họp toàn thể lần thứ 6, thẩm tra các dự án luật

NDO -

Trong 2 ngày 27 và 28/4, tại thành phố Đà Nẵng, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khóa XV tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 6, thẩm tra Dự án luật Thực hiện dân chủ cơ sở, Dự án luật Thanh tra (sửa đổi) và Tờ trình của Chính phủ về việc thành lập thị trấn Phương Sơn (huyện Lục Nam) và thị trấn Bắc Lý (huyện Hiệp Hòa), tỉnh Bắc Giang.

Khai mạc Phiên họp toàn thể lần thứ 6 của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khóa XV.
Khai mạc Phiên họp toàn thể lần thứ 6 của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khóa XV.

Tại Phiên họp, đại diện Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng, cần thiết ban hành Luật Thực hiện dân chủ cơ sở, để kịp thời thể chế hóa chủ trương phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng".

Đồng chí Hoàng Thanh Tùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, Dự án luật Thực hiện dân chủ cơ sở và dự án luật Thanh tra (sửa đổi) là 2 trong số 6 dự án luật mà Ủy ban Pháp luật được giao chủ trì để trình quốc hội xem xét quyết định, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 3 sắp tới. Tại phiên họp này, Ủy ban Pháp luật cũng sẽ thẩm tra Tờ trình của Chính phủ về việc thành lập 2 thị trấn của tỉnh Bắc Giang để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định tại phiên họp thứ 11 vào tháng 5 tới.

Về hồ sơ dự án luật, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu để có báo cáo bổ sung hoặc chuẩn bị giải trình cụ thể, thuyết phục hơn Báo cáo tổng kết thi hành luật. Cụ thể, trong báo cáo vẫn chưa có nội dung về việc thực hiện dân chủ trong nội bộ cơ quan, đơn vị của Đảng, các cơ quan của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức chính trị xã hội…

Về bố cục của dự thảo luật, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị trong mỗi chương cần quy định rõ và công khai quyền của người dân trong việc được biết, được tham gia ý kiến, bàn bạc, quyết định, kiểm tra, giám sát, được thụ hưởng…

Các đại biểu dự phiên họp cơ bản tán thành về phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Luật Thực hiện dân chủ cơ sở, đồng thời đóng góp thêm nhiều ý kiến về việc thực hiện dân chủ ở cơ sở tại doanh nghiệp, bao gồm cả hợp tác xã và tổ chức sản xuất kinh doanh khác có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động.

Về việc thực hiện dân chủ cơ sở tại cơ quan, đơn vị, nhiều ý kiến đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định về việc cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được bàn bạc, quyết định để bảo đảm sự tương thích với việc thực hiện dân chủ ở các loại hình cơ sở khác…