Ưu tiên thuận lợi cho người dân khi sử dụng giấy phép lái xe

Theo dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đang được Bộ Công an soạn thảo, giấy phép lái xe mô-tô vật liệu bìa được cấp trước ngày 1/7/2012 phải đổi sang thẻ nhựa.
Ưu tiên thuận lợi cho người dân khi sử dụng giấy phép lái xe

Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, hiện cả nước có khoảng 22 triệu giấy phép lái mô-tô không thời hạn bằng giấy được cấp từ năm 1995 đến tháng 7/2012, giấy phép này thiếu dữ liệu ngày tháng sinh, số căn cước công dân cho nên không thể tích hợp hệ thống quản lý của Cục Đường bộ Việt Nam cũng như dữ liệu quốc gia về dân cư và tài khoản định danh điện tử VNeID. Do đó Bộ Giao thông vận tải đã đề xuất Bộ Công an bổ sung điều khoản này vào dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Bên cạnh đó, Việt Nam đang sử dụng giấy phép lái xe chưa đồng bộ Công ước Viên. Công ước quy định hạng A là xe máy, hạng B là ô-tô nhưng Việt Nam lại chia thành A1, A2, B1, B2. Bởi vậy, Cục Cảnh sát giao thông đã tiếp thu, thay đổi để phù hợp quy định quốc tế.

Nếu dự thảo Luật được thông qua thì người đang sử dụng giấy phép lái xe bằng vật liệu bìa sẽ phải làm thủ tục đổi mới sang thẻ PET. Hiện nay người đổi giấy phép không cần giấy khám sức khỏe, hồ sơ giấy phép cũ, mức phí là 135 nghìn đồng/thẻ.

Dự thảo Luật đang gây băn khoăn trong dư luận, bởi số giấy phép lái xe mô-tô thuộc diện đổi lên tới 22 triệu chiếc, với tổng chi phí mà người dân phải bỏ ra ước tính gần ba nghìn tỷ đồng, kèm theo chi phí thời gian khi thực hiện đầy đủ các thủ tục hành chính.

Nếu thông tin giấy phép lái xe cũ hay mới đều được lưu giữ ở Bộ Giao thông vận tải, thì việc liên kết dữ liệu giữa Bộ Giao thông vận tải và Bộ Công an có thể giải quyết bài toán cập nhật thông tin mà không cần cấp đổi giấy phép lái xe mới hay không?

Trong tương lai gần, Bộ Công an và Bộ Giao thông vận tải sẽ tiến tới việc người dân có thể sử dụng giấy phép lái xe trên VNeID hoàn toàn thay thế cho bằng cứng. Vì vậy, dư luận đặt ra câu hỏi là liệu có lãng phí tiền của và công sức của người dân và các cơ quan công quyền để làm ra một giấy phép lái xe mới với mục đích chỉ để tích hợp vào VNeID, và sau khi đã tích hợp thành công thì thẻ vật lý đó cũng không cần sử dụng nữa? Nếu thông tin giấy phép lái xe cũ hay mới đều được lưu giữ ở Bộ Giao thông vận tải, thì việc liên kết dữ liệu giữa Bộ Giao thông vận tải và Bộ Công an có thể giải quyết bài toán cập nhật thông tin mà không cần cấp đổi giấy phép lái xe mới hay không?

Trên thực tế, hiện nay tất cả giấy phép lái xe ô-tô mà người dân đang sử dụng đều đã được chuyển đổi sang thẻ nhựa và đang được tích hợp lên VNeID. Tuy nhiên, khi kiểm tra, xử lý các phương tiện giao thông, cơ quan chức năng vẫn yêu cầu lái xe phải trình giấy phép lái xe bằng thẻ cứng và chưa chấp nhận giấy phép lái xe trên VNeID. Nguyên nhân là do Điều 58 Luật Giao thông đường bộ quy định người điều khiển phương tiện phải mang theo giấy phép lái xe, đăng ký xe và một số giấy tờ khác.

Nhiều người đang sử dụng giấy phép lái xe mô-tô bằng vật liệu bìa cho rằng, các loại giấy tờ cá nhân của công dân do các cơ quan có thẩm quyền cấp mà sau này cần phải bổ sung thông tin thì nên có giải pháp hợp lý để không gây phiền hà cho người dân, không nên để người dân phải tốn tiền, thời gian để chạy theo những thay đổi trong chính sách hoặc bổ khuyết cho những thiếu sót của các cơ quan chức năng trước kia.

Việc tìm ra biện pháp kỹ thuật giúp xác thực giấy phép lái xe bản điện tử chỉ thông qua năm sinh để tránh việc phải cấp đổi 22 triệu giấy phép lái xe sẽ là giải pháp phù hợp khi xử lý các loại giấy tờ khác trong giai đoạn trước cũng chỉ ghi năm sinh, không ghi đủ ngày, tháng.

Việc tìm ra biện pháp kỹ thuật giúp xác thực giấy phép lái xe bản điện tử chỉ thông qua năm sinh để tránh việc phải cấp đổi 22 triệu giấy phép lái xe sẽ là giải pháp phù hợp khi xử lý các loại giấy tờ khác trong giai đoạn trước cũng chỉ ghi năm sinh, không ghi đủ ngày, tháng.

Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ lấy người dân là trung tâm phục vụ. Mục đích của luật hướng đến đáp ứng yêu cầu thực tiễn, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và giảm tai nạn; đồng thời xây dựng thói quen, ý thức tham gia giao thông của người dân; nâng cao tinh thần lên án đấu tranh vi phạm… Các đề xuất được đưa ra hiện nay mới chỉ là dự thảo. Cơ quan soạn thảo sẽ ghi nhận sự đóng góp của người dân, các cơ quan, tổ chức để chỉnh lý và đưa ra điều khoản hợp lý, khoa học, bảo đảm tính nhân văn.