Ưu tiên nguồn lực để doanh nghiệp phát triển bền vững

Thúc đẩy tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, xây dựng một cộng đồng doanh nghiệp vững mạnh, đưa nền kinh tế đất nước đi lên là chiến lược và mục tiêu mà Đảng và Nhà nước ta luôn theo đuổi. Đây cũng là xu thế tất yếu trên toàn cầu và được các nước đang phát triển hướng tới. Hơn lúc nào hết, các doanh nghiệp Việt Nam cần dành nguồn lực thích đáng, ưu tiên đầu tư, đổi mới công nghệ, hướng tới sản xuất xanh, giảm phát thải khí nhà kính nhằm thực hiện tốt mục tiêu phát triển xanh, bền vững trong tương lai.
0:00 / 0:00
0:00
Ưu tiên nguồn lực để doanh nghiệp phát triển bền vững

Tuy nhiên trong thực tiễn, những hạn chế về nhân lực, tiếp cận nguồn vốn, chính sách hỗ trợ đã khiến nhiều doanh nghiệp vẫn coi phát triển xanh và bền vững là gánh nặng và đây chỉ là yếu tố để doanh nghiệp cân nhắc chứ chưa phải ưu tiên hàng đầu,...

Cần có thêm trợ lực

Trước xu hướng phát triển xanh và bền vững đang hình thành "luật chơi" mới về thương mại và đầu tư trên thế giới, các doanh nghiệp trong nước buộc phải có tư duy đúng về mục tiêu phát triển bền vững. Đây không chỉ dừng lại ở xu hướng tất yếu nhằm bảo vệ môi trường, xã hội mà nó cũng đem lại lợi ích cho chính doanh nghiệp, có lợi thế cạnh tranh vượt trội so với các đối thủ trong tăng trưởng dài hạn, giúp tạo ra giá trị cho nhà đầu tư và cộng đồng. Thực tế trong hơn hai năm vừa qua, doanh nghiệp nào sáng tạo áp dụng chuyển đổi mô hình sản xuất, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, kinh tế xanh, tăng cường hội nhập đều có thể trụ vững, phục hồi nhanh chóng trước các cú sốc bên ngoài và hoàn toàn tự tin có thể phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai.

Dù Việt Nam đã có một số chính sách, chương trình hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp áp dụng các mô hình kinh doanh bền vững, bảo vệ môi trường, nhưng những chính sách, chương trình này chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bên cạnh đó, mức độ hiểu biết về quy định môi trường của doanh nghiệp Việt Nam vẫn rất hạn chế. Điều này đã khiến không ít các doanh nghiệp gặp khó khăn, trở ngại trong quá trình triển khai thực hiện do thiếu vốn, thiếu thông tin, cơ chế, cũng như năng lực quản trị còn thấp,...

Theo một khảo sát được công bố mới đây của Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD), có 83% số doanh nghiệp được hỏi cho biết việc áp dụng tiêu chuẩn môi trường, xã hội và quản trị (ESG) sẽ giúp nâng cao hình ảnh và uy tín của doanh nghiệp, 57% thấy sự cần thiết của phát triển xanh và bền vững thay vì coi đây là áp lực cần tuân thủ. Tuy nhiên, tư duy, nhận thức cần thiết để đáp ứng ESG mới đang là trở ngại lớn nhất trong thực hiện chiến lược phát triển xanh và bền vững khi có tới 70% số doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết chưa được trang bị đủ kiến thức về vấn đề này.

Bên cạnh đó, dù mong muốn thay đổi theo hướng phát triển bền vững, song nhiều doanh nghiệp vẫn bị hạn chế về công nghệ do thiết bị, máy móc sản xuất đã cũ nhưng đang sử dụng được; các doanh nghiệp chỉ dừng lại ở mức cân nhắc, chưa có những bước triển khai đầu tiên cho hoạt động hướng đến phát triển bền vững, tăng trưởng xanh. Ngoài ra, do chi phí đầu tư cho phát triển xanh và bền vững rất cao, nhưng chỉ mang lại lợi ích trong dài hạn nên phần lớn doanh nghiệp buộc phải chấp nhận sử dụng công nghệ cũ và vật liệu giá rẻ để phục vụ các mục tiêu ngắn hạn trước mắt hoặc chỉ có thể đủ lực phân kỳ đầu tư, nhưng làm như vậy sẽ không đạt hiệu quả, thiếu tính đồng bộ.

Doanh nghiệp rất cần có các hỗ trợ kỹ thuật, cùng đồng hành để giải quyết những vấn đề cụ thể, nhưng thực tế hiện nay đều phải "tự bơi". Vì thiếu kinh nghiệm, hạn chế về kỹ năng, quản lý, khiến doanh nghiệp tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro. Đến thời điểm hiện nay, mới chỉ có một số ít doanh nghiệp quy mô lớn tại Việt Nam triển khai các hoạt động phát triển bền vững theo bộ tiêu chí ESG.

Thay đổi tư duy, nhận thức

Để không bị loại khỏi "cuộc chơi" bởi các tiêu chuẩn về môi trường và xã hội do thị trường đặt ra, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), kiêm Chủ tịch VBCSD Nguyễn Quang Vinh nhấn mạnh, các doanh nghiệp Việt Nam cần thay đổi tư duy, nhận thức, có hành động quan tâm đến "tính xanh" của chuỗi sản xuất và cung ứng. Khi đứng trước các yêu cầu về phát triển bền vững, cần định nghĩa lại thành công của doanh nghiệp không chỉ nằm ở các con số tài chính mà còn bao gồm khả năng thích ứng, chống chịu và phục hồi trước những thách thức chưa từng có trong tiền lệ hay tăng trưởng dài hạn của mình với lợi ích bền vững của cộng đồng, xã hội và môi trường.

Ưu tiên nguồn lực để doanh nghiệp phát triển bền vững ảnh 1
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam (VCSF) 2023. Ảnh: VCCI

Phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam (VCSF) 2023 vừa qua, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã nhấn mạnh, phát triển xanh và bền vững đã và đang mang lại nhiều lợi ích thiết thực cả về kinh tế lẫn những giá trị vô hình. Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo thực hiện hiệu quả, đồng bộ các mục tiêu phát triển bền vững trên tất cả các lĩnh vực, trong đó tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp thực hành các giải pháp phát triển bền vững; đồng thời, có lộ trình hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật và cam kết thiết lập môi trường pháp lý thuận lợi để doanh nghiệp thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn hướng tới Net Zero.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng mong muốn tất cả các doanh nghiệp tích cực, chủ động tham gia vào "cuộc đua xanh"; luôn tiên phong, hội nhập trên hành trình xanh toàn cầu; tiếp tục đóng vai trò hạt nhân thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Với sự đồng hành của Chính phủ, tất cả doanh nghiệp, dù ở quy mô nào, trong lĩnh vực nào cũng đều có cơ hội, vị thế, tiềm năng trong xu hướng phát triển bền vững hiện nay. Do đó, Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp phải đồng hành, cùng chia sẻ tầm nhìn và chiến lược phát triển nhanh, xanh, từ đó, doanh nghiệp được tiếp thêm cảm hứng, động lực để cùng cam kết mạnh mẽ hơn nữa với con đường kinh doanh bền vững, kinh doanh có trách nhiệm.

Chính phủ sẽ tiếp tục ban hành cơ chế, chính sách nhằm tạo khung khổ pháp lý cho việc thúc đẩy phát triển bền vững, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn nhằm bắt nhịp, tận dụng, học hỏi được các cơ hội từ thị trường quốc tế, từ đó lựa chọn hướng đi phù hợp bối cảnh cũng như điều kiện của Việt Nam. Trong quá trình thực hiện, chủ doanh nghiệp phải xem đây là cuộc cách mạng, muốn thành công cần có tư duy và hành động đột phá.