Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), năm 2019, thời điểm trước khi dịch Covid-19 bùng phát, có khoảng 12% dân số thế giới mắc các chứng rối loạn tâm thần. Dịch bệnh kéo dài làm trầm trọng thêm khi trong năm đầu tiên xảy ra đại dịch, tỷ lệ người mắc chứng trầm cảm, rối loạn lo âu tăng hơn 25% trên phạm vi toàn cầu.
Những hệ lụy từ các chứng rối loạn sức khỏe tâm thần hết sức khó lường đối với xã hội. Theo WHO, khoảng 12 tỷ ngày làm việc bị mất mỗi năm vì các chứng trầm cảm và lo lắng. Chi phí điều trị các vấn đề liên quan sức khỏe tâm thần lên tới khoảng 1.000 tỷ USD/năm trên toàn cầu.
Viện quốc gia về Lạm dụng ma túy (NIDA) của Mỹ cho rằng, đại dịch Covid-19 đã tạo ra nhiều yếu tố gây căng thẳng xã hội, góp phần làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tâm thần và lạm dụng chất gây nghiện. Reuters dẫn báo cáo của Quốc hội Mỹ cho biết, do đại dịch, "cuộc khủng hoảng" về sử dụng quá liều thuốc giảm đau nhóm opioid tại Mỹ đã khiến nền kinh tế số 1 thế giới thiệt hại gần 1.500 tỷ USD chỉ riêng trong năm 2020 và dự báo con số này còn tăng.
Hệ lụy là vậy, song trong thực tế phần lớn các nước đều chưa chú trọng đầu tư cho chăm sóc sức khỏe tâm thần của người dân. Năm 2020, chính phủ các quốc gia trên thế giới chỉ chi trung bình hơn 2% ngân sách y tế cho các dịch vụ sức khỏe tâm thần. Hiện nay, tại một số nước chỉ có trung bình 2 bác sĩ chuyên về sức khỏe tâm thần/100.000 người dân.
Công ty quản lý đầu tư từ thiện CCLA (Anh) công bố kết quả một nghiên cứu cho thấy, rất ít doanh nghiệp quan tâm yếu tố sức khỏe tâm thần của nhân viên. Đánh giá 100 doanh nghiệp lớn nhất thế giới, CCLA phát hiện ra rằng, chỉ có 15% số doanh nghiệp đề ra các mục tiêu về sức khỏe tinh thần của người lao động. 82% nhận thấy rõ mối liên quan giữa tinh thần tốt của nhân viên và kết quả tài chính tốt của doanh nghiệp. Tuy nhiên, chưa đến một phần ba số doanh nghiệp có chính sách chính thức trong vấn đề này.
Khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần giữa các nước vẫn tồn tại khoảng cách lớn. Hơn 70% số người gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần ở các nước có thu nhập cao được điều trị, trong khi ở các nước có thu nhập thấp là 12%. Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) nhấn mạnh, tác động của bạo lực và khủng hoảng nhân đạo không chỉ giới hạn ở hậu quả kinh tế, mà còn ở những vết thương tinh thần vô hình đối với cộng đồng. Châu Phi là một trong những châu lục có số trẻ em và thanh thiếu niên cao nhất trên thế giới và đây cũng là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Cộng đồng ở châu Phi phải chịu áp lực ngày càng lớn từ các cú sốc về khí hậu, lạm phát và khó khăn kinh tế.
Trong thông điệp nhân Ngày Sức khỏe tâm thần thế giới (10/10), Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh sự cần thiết tăng cường các dịch vụ y tế liên quan sức khỏe tâm thần, nhất là với giới trẻ và lồng ghép vấn đề này vào hệ thống y tế chung dựa vào cộng đồng. Người đứng đầu tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh cũng kêu gọi thế giới ưu tiên giải quyết những nguyên nhân gốc rễ gây ra các bệnh về sức khỏe tâm thần, như nạn bạo lực, lạm dụng, cưỡng bức, tình trạng bất bình đẳng và xung đột.
Sức khỏe tâm thần tốt góp phần tạo nên sức khỏe thể chất tốt, tác động mạnh mẽ đến hạnh phúc của từng cá nhân cũng như sự phát triển của xã hội. Chương trình nghị sự năm 2030 về phát triển bền vững và Các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) của Liên hợp quốc sẽ không thể đạt được nếu thế giới chưa đầu tư đúng mức vào cải thiện sức khỏe tâm thần cho tất cả mọi người.