Ưu tiên dành “đất vàng” phát triển công nghiệp

Huyện Bình Xuyên đang là địa phương tập trung nhiều khu công nghiệp nhất của tỉnh Vĩnh Phúc. Thời gian qua, địa phương này không ngừng mở rộng diện tích đất phát triển công nghiệp, tập trung cao độ cho công tác giải phóng mặt bằng để thu hút và phục vụ nhà đầu tư.
0:00 / 0:00
0:00
Khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc có hạ tầng kỹ thuật hiện đại.
Khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc có hạ tầng kỹ thuật hiện đại.

Vừa qua, Bình Xuyên nổi lên là mảnh đất vàng thu hút các dự án lớn như Dự án Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc do Công ty CP T&Y Superport Vĩnh Phúc (liên doanh giữa Tập đoàn T&T và đối tác Singapore là Tập đoàn YCH) làm chủ đầu tư; Dự án nhà máy IL San Vina do nhà đầu tư IL San Precision Vina (Hàn Quốc) góp vốn thực hiện với mục tiêu chính là sản xuất, gia công khuôn cắt FPCB các loại cho bảng mạch điện tử của điện thoại di động và thiết bị điện tử khác; dự án của Tập đoàn Polaris đến từ Mỹ, chuyên sản xuất phụ tùng và lắp ráp ô-tô, mô-tô.

Trên địa bàn huyện hiện có bảy khu công nghiệp, chiếm một nửa số khu công nghiệp của tỉnh Vĩnh Phúc. Theo các quyết định được phê duyệt, Bình Xuyên sẽ có gần 1.900ha đất dành cho các khu công nghiệp, chưa kể một diện tích đất lớn dành cho phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.

Các khu công nghiệp tại Bình Xuyên thu hút nhiều nhà đầu tư quốc tế có uy tín; trong đó, các khu công nghiệp như Thăng Long Vĩnh Phúc, Bá Thiện II đáp ứng yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật hiện đại cho một khu công nghiệp kỹ thuật cao. Tính đến hết tháng 4/2023, trên địa bàn huyện có hơn 300 dự án FDI với tổng vốn đăng ký hơn 4 tỷ USD; 43 dự án DDI với tổng vốn đăng ký khoảng 3.200 tỷ đồng.

Các khu công nghiệp đang hoạt động hiệu quả gồm có Bình Xuyên, Bá Thiện I, Bá Thiện II, Thăng Long Vĩnh Phúc. Khu công nghiệp mới được chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng là Bình Xuyên II, có quy mô sử dụng đất hơn 63,1ha; tổng vốn đầu tư hơn 810 tỷ đồng. Địa điểm thực hiện thuộc thị trấn Bá Hiến và xã Tam Hợp.

Hiện nay, huyện Bình Xuyên đang khẩn trương thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng 4 khu công nghiệp với tổng diện tích 544,9ha. Đến cuối tháng 3/2023, các cơ quan của huyện đã thực hiện kê khai, kiểm đếm xong đối với 365,86ha, đạt 67,1%; trong đó, đã giải phóng mặt bằng xong 180,88ha. Cụ thể, Khu công nghiệp Nam Bình Xuyên đã giải phóng mặt bằng xong 50,78ha/153,52ha; Khu công nghiệp Sơn Lôi đã giải phóng mặt bằng 59,8ha/257,35ha. Con số này của Khu công nghiệp Bình Xuyên là 6,3ha/30,49ha và Khu công nghiệp Bá Thiện II là 57ha/103,55ha.

Khảo sát thực tế công tác giải phóng mặt bằng tại Khu công nghiệp Nam Bình Xuyên (giai đoạn 1) cho thấy không ít khó khăn, phức tạp phát sinh. Khu công nghiệp Nam Bình Xuyên có tổng diện tích 295,74ha, thuộc địa phận các xã, thị trấn: Phú Xuân, Tân Phong, Đạo Đức, Hương Canh.

Chủ đầu tư là liên danh Công ty TNHH J&D Partner và Công ty TNHH Tư vấn đầu tư VK với tổng vốn đầu tư hơn 2.200 tỷ đồng; tổ chức thực hiện dự án là Công ty TNHH Phát triển Nam Bình Xuyên Green Park. Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng huyện Bình Xuyên cùng với hai thị trấn Hương Canh và Đạo Đức phải tiến hành các thủ tục quy chủ, kiểm kê, kê khai đối với diện tích hơn 153ha.

Trong quá trình thực hiện các thủ tục liên quan đến đất đai, huyện nhận được nhiều kiến nghị của nhân dân, như: Nhân dân thị trấn Đạo Đức đề nghị điều chỉnh nghĩa trang hiện hữu của thị trấn ra khỏi phạm vi dự án. Nhân dân hai thị trấn Hương Canh và Đạo Đức đề nghị chủ đầu tư, các cơ quan có thẩm quyền hoàn thiện, xây dựng hệ thống mương tưới tiêu nội đồng và hệ thống thoát nước dân sinh; các hộ đề nghị thu hồi hết phần diện tích khó canh tác (ngoài chỉ giới) của hai thị trấn, khoảng 7,78ha đất xen kẹt.

Một số hộ gia đình, cá nhân đề nghị điều chỉnh, chỉnh lý lại mảnh trích đo địa chính cho đúng với hiện trạng sử dụng đất và đúng với diện tích các hộ được giao đất... Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện đang phối hợp với hai thị trấn Đạo Đức, Hương Canh và đơn vị đo đạc kiểm tra, rà soát và chỉnh lý bản đồ để có cơ sở thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Những con số trên nêu lên nỗ lực rất lớn của Bình Xuyên trong công tác giải phóng mặt bằng, vốn dĩ vô cùng khó khăn do liên quan đến hoạt động bồi thường. Ông Nguyễn Văn Tiến, Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng huyện Bình Xuyên cho biết: “Là đơn vị chủ công trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, chúng tôi thường xuyên làm việc cả ngày nghỉ, làm thêm giờ để bảo đảm tiến độ công việc, quyết tâm làm hài lòng các nhà đầu tư”.