Chương trình “Young soloists of VNAMYO” là cột mốc đánh dấu lần đầu một số nghệ sĩ trẻ của VNAMYO biểu diễn với tư cách nghệ sĩ độc tấu cùng dàn nhạc. Dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Đồng Quang Vinh, đêm nhạc đưa người xem đến với không gian nghệ thuật sang trọng cùng những bản concerto giao thoa giữa các thời kỳ
từ baroque đến lãng mạn của các tác giả nổi tiếng như: A.Vivaldi, G.Telemann, J.Haydn, W.Mozart, E.Grieg, M.Bruch... Mọi người đều không khỏi ngạc nhiên, thán phục khi chứng kiến những tác phẩm âm nhạc nổi tiếng thế giới được thể hiện đầy điêu luyện bởi những nghệ sĩ tuổi đời chưa tới đôi mươi.
Trong đó, không thể không nhắc đến phần trình diễn rất chững chạc, tự tin của Nguyễn Vũ Trường Giang và Dương Đức Minh - hai cậu bé mới chỉ 12-13 tuổi với Concerto for 2 Violins in A minor RV 522 của Vivaldi.
Trường Giang (sinh năm 2012) từng đoạt giải nhất bảng A violin tại Cuộc thi Âm nhạc Mùa thu-2023 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; cũng là một trong 87 nghệ sĩ được biểu dương trong Lễ vinh danh các gương mặt nghệ sĩ tiêu biểu lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn năm 2023.
Đức Minh (sinh năm 2011) từng tham gia biểu diễn độc tấu cùng Dàn nhạc Giao hưởng quốc gia Việt Nam và đoạt giải nhì độc tấu violin trong Cuộc thi Âm nhạc Mùa thu-2023.
Ấn tượng không kém là phần biểu diễn solo của Lê Hoàng Ngọc Minh, sinh viên năm cuối hệ Trung cấp viola Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, với Concerto for Viola G major TWV51:G9 của George Telemann. Cô gái 17 tuổi này là thành viên nhóm tứ tấu Sunshine Strings, từng tham gia biểu diễn cùng Dàn nhạc Giao hưởng Trẻ Thế giới và trong nhiều sự kiện quan trọng.
Nhiều tiết mục khác như màn kết hợp giữa oboe - clarinet - horn - bassoon của bốn nghệ sĩ trẻ Nguyễn Mỹ Trang, Văn Thành Long, Vũ Tuấn Nam, Phạm Thanh Lâm; hay phần biểu diễn cello của Lê Yến Thy... cũng để lại nhiều dấu ấn nghệ thuật cho người yêu nhạc.
Các nghệ sĩ được lựa chọn độc tấu đều là những gương mặt có thành tích học tập xuất sắc, đã từng chinh phục các giải thưởng cao tại các cuộc thi âm nhạc quốc gia, quốc tế. Và “Young soloists of VNAMYO” được coi là cơ hội và động lực để những nghệ sĩ trẻ có năng khiếu nổi trội của Dàn nhạc thể hiện tài năng và tỏa sáng. Nhạc trưởng Đồng Quang Vinh chia sẻ, dù phải gánh áp lực không nhỏ trên vai trong lần đầu tiên ra mắt, nhạc mục lại toàn những tác phẩm nổi tiếng và khó chơi, song các em đã phần nào khẳng định được bản lĩnh biểu diễn của mình.
Không giấu nổi niềm xúc động khi chứng kiến sự trưởng thành của học sinh trong đêm nhạc, Nghệ sĩ Nhân dân Bùi Công Duy, Phó Giám đốc Học viện chia sẻ, đây là đêm nhạc được Học viện, đặc biệt là các giảng viên khoa dây, khoa kèn của nhà trường mong đợi từ lâu.
Dù được thành lập và đặt nền móng từ những năm 70-80 của thế kỷ trước, nhưng việc đưa Dàn nhạc Giao hưởng Trẻ VNAMYO hoạt động trở lại từ năm 2022 vẫn gặp nhiều khó khăn, nhất là trong giai đoạn hoạt động nghệ thuật biểu diễn còn chịu nhiều ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19. Nghệ sĩ Nhân dân Bùi Công Duy cho biết: “Với sự ủng hộ của nhà trường, các bậc phụ huynh và khán giả yêu nhạc, nhiều chương trình biểu diễn chính quy của Dàn nhạc đã được tổ chức, giúp các em tiến bộ nhanh hơn”.
Xác định đào tạo cần đi đôi với thực hành trên diện rộng, VNAMYO được Học viện định hướng trở thành nơi có môi trường mở, gần gũi, thực tế, thân thiện, chia sẻ, đủ chuẩn chất lượng, được huấn luyện bởi đội ngũ giảng viên, nghệ sĩ giàu kinh nghiệm của Học viện. Dàn nhạc tổ chức thi tuyển định kỳ hai tháng một lần cho các học sinh, sinh viên từ 10 tuổi trở lên đang theo học nhạc cụ phương Tây, đủ năng lực và mong muốn được tham gia biểu diễn cùng Dàn nhạc.
Những năm gần đây, dưới sự dẫn dắt của hai nhạc trưởng trẻ Đồng Quang Vinh và Trần Nhật Minh, Dàn nhạc đã có nhiều chương trình hòa nhạc đặc sắc, thường xuyên biểu diễn cùng các nghệ sĩ nổi tiếng trong nước và quốc tế. Đặc biệt, năm 2024, VNAMYO đã vinh dự được hợp tác cùng Dàn nhạc Giao hưởng Trẻ Thế giới thực hiện thành công hai đêm nhạc gây tiếng vang thuộc dự án “Âm thanh của tình anh em” dưới sự dẫn dắt của nhạc trưởng tài năng người Ý Damiano Giuranna.
Theo Nghệ sĩ Nhân dân Bùi Công Duy, bình thường các học sinh vẫn quen học một thầy-một trò, nhưng khi tham gia vào dàn nhạc sẽ học theo tập thể, vừa phải chơi đàn, vừa phải lắng nghe và quan sát để phối hợp với các thành viên, biết các bạn chung quanh chơi gì, chỉ huy đưa tay ra sao, đệm cho ca sĩ, nghệ sĩ kèn hay nghệ sĩ đàn dây khác biệt thế nào... “Có nghĩa là các em được trang bị nhiều kiến thức bổ trợ thực tế, giúp hình thành kinh nghiệm, hành trang để lớn lên có khả năng thích nghi tốt hơn khi biểu diễn cùng bạn bè thế giới”.
Việc tổ chức những đêm nhạc như “Young soloists of VNAMYO” là cách để những nghệ sĩ trẻ sớm được làm quen với sân khấu lớn, chuyên nghiệp, cũng là cách để những người làm công tác đào tạo có thể tìm ra những nhân tố mới có năng khiếu nổi bật để có định hướng bồi dưỡng, phát triển.
Hiện nay, các đơn vị nghệ thuật đang thiếu nhân lực âm nhạc hàn lâm, rất nhiều học sinh, sinh viên mới chỉ đang học trung cấp đã có hợp đồng làm việc. Vì thế, việc tập trung đào tạo những nghệ sĩ trẻ, tạo nhiều cơ hội để họ trưởng thành nhanh hơn cũng chính là để xây dựng đội ngũ cho tương lai, phát triển nguồn nhân lực âm nhạc hàn lâm cho đất nước.