Chủ đề “Vì sao chúng ta viết” hứa hẹn mang đến không khí cởi mở và nghiêm túc khi các nhà văn cùng thảo luận về thái độ, trách nhiệm, lương tâm của người cầm bút trước thời đại vì sự phát triển vượt bậc và nhân văn.
Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 10 quy tụ 138 đại biểu, trong đó có 119 đại biểu là các cây bút trẻ tiêu biểu đến từ mọi miền trong cả nước, 19 đại biểu là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam tuổi đời từ 35 trở xuống (tính đến thời điểm năm 2021 là năm dự kiến tổ chức hội nghị) gồm các chuyên ngành: thơ, văn xuôi, lý luận phê bình, dịch thuật.
Đại biểu trẻ nhất là Trần Phú Minh Anh, sinh năm 2007, học sinh phổ thông tại thành phố Hồ Chí Minh. Các tác giả độ tuổi từ 22 đến 30 chiếm số lượng đông nhất, đến từ 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, đa dạng về ngành nghề. Trong số đó, khá nhiều tác giả sở hữu một hoặc nhiều giải thưởng văn chương, xuất bản nhiều tác phẩm gây chú ý.
Trong khuôn khổ hội nghị, hai hội thảo thơ và văn xuôi sẽ tập trung bàn về thái độ, trách nhiệm, lương tâm của người cầm bút với cuộc sống, xã hội để trả lời câu hỏi: “Vì sao chúng ta viết”. Bên cạnh đó là tọa đàm “Văn học với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Dịp này, Hội Nhà văn Việt Nam cũng giới thiệu tại Hội nghị hai tập sách tuyển chọn từ nhiều sáng tác của các tác giả là đại biểu chính thức: Tập truyện ngắn “Mắt lửa” (ảnh bên); tập thơ và tiểu luận phê bình “Mạch rồng”, mỗi cuốn dày hơn 500 trang, cho thấy phác thảo chân dung văn học kèm lý lịch văn học của hầu hết các cây bút trẻ sung sức trên văn đàn hiện nay.
Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều nhấn mạnh, người viết trẻ có tài năng, trí tuệ, tâm hồn… và họ phải trả lời được câu hỏi: Mình mang tất cả năng lực đó để làm điều gì? Các cuộc hội thảo, tọa đàm sẽ là diễn đàn phản ánh tiếng nói, tuyên ngôn của người viết văn trẻ trong thời đại hiện nay. Sau mỗi kỳ hội nghị, cảm giác về trữ lượng kiến thức, sự sáng tác, hiểu biết trong mỗi nhà văn trẻ được nâng lên cùng với xã hội. Tâm thế của một nhà văn trước xã hội, Tổ quốc, thời đại nào thì thế hệ trẻ cũng cần học hỏi thế hệ cha ông.
Đó là những nhà văn bước ra từ các cuộc kháng chiến, họ đã chiến đấu để bảo vệ nền độc lập, tự do, giải phóng dân tộc, đã viết những trang sách đẫm máu và nước mắt. Điều thiêng liêng, lớn lao nhất họ có được là dành cho Tổ quốc. Bởi thế, từ nhịp điệu, tinh thần đến tư tưởng tác phẩm... thế hệ trước luôn đặt Tổ quốc lên trên hết. Các nhà văn có quyền đi sâu vào đời sống cá nhân, nhưng cá nhân đó phải chứa đựng con người cộng đồng, đất nước. Ở những người viết trẻ, bạn đọc đòi hỏi phải nhìn thấy điều đó trong sự sáng tạo và khác biệt.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho rằng, lợi thế lớn nhất của người viết trẻ thời đại hiện nay là “một bước ra thẳng thế giới”. Nhiều tác giả giỏi ngoại ngữ không chỉ đọc, sáng tác mà còn dịch thuật tác phẩm và công bố ở nước ngoài. Cảm tưởng cả thế giới trong lòng bàn tay họ. Nhưng nếu đi đường dài, nhà văn cần có sự thôi thúc mỗi lần cầm bút như cần phải thở.
Phát hiện, nhìn nhận một thế hệ trẻ để cho bạn đọc và xã hội biết những người viết trẻ đang viết thế nào, về điều gì, lương tâm trách nhiệm ra sao, cụ thể về nghệ thuật thi pháp là tiêu chí giúp Hội Nhà văn Việt Nam có thể gọi tên những tín hiệu mới của nền văn học mới.
Theo chia sẻ từ Ban Tổ chức, Hội nghị có những đại biểu đặc biệt, trong đó hai cây bút trẻ được phát hiện trên không gian mạng xã hội và đại biểu trẻ nhất Trần Phú Minh Anh đã sớm xuất hiện một cách ấn tượng trên ấn phẩm “Viết và Đọc” của Nhà xuất bản Hội Nhà văn và cuốn sách được phát hành bởi Nhà xuất bản Trẻ. Đại diện Hội Nhà văn Việt Nam nhấn mạnh, hội nghị chỉ là một trong nhiều hoạt động góp phần tập hợp lực lượng, lắng nghe, quan tâm tới lực lượng người viết trẻ.
Ngoài ra, Hội có những kênh riêng để phát hiện, nhận diện những tài năng văn học, kể cả các tác giả xuất hiện trên không gian mạng xã hội, học tập, lưu trú ở nước ngoài. Ngoài việc giới thiệu cây bút trẻ trên các ấn phẩm của Hội, còn là sự gợi mở, đầu tư để người viết có thêm cơ hội xuất bản, quảng bá tác phẩm…
Nhà thơ-Trung úy Nguyễn Thị Kim Nhung (Tạp chí Văn nghệ Quân đội) bày tỏ niềm vui vì mình được gọi là người viết trẻ, nhưng đồng thời trong lòng cũng dấy lên một loạt những ý nghĩ khác, rằng tại sao mình lại có mặt ở đây, bản thân cần nghiêm túc nhìn lại chặng đường viết đã qua của mình và mối băn khoăn lớn nhất là mình còn trẻ thì phải viết như thế nào cho tương xứng với mọi sự ưu ái.
Nhà văn Triệu Hoàng Giang (Bắc Kạn) chia sẻ, hiện nay còn khá ít người viết có thể bảo đảm được cuộc sống khi theo nghề và đó cũng là một hạn chế bởi khi họ lao vào những nghề khác quá sâu, mất quỹ thời gian quá lớn thì đam mê sẽ dần tàn lụi. Đây là vấn đề cây bút người dân tộc Dao trăn trở, muốn được thảo luận tại hội nghị.
Nhà thơ Lê Quang Trạng (An Giang), đại biểu trẻ nhất là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam nhấn mạnh: Cách người viết trẻ lựa chọn và có thái độ với văn chương sẽ quyết định tới việc văn chương trả lại thành quả gì. Tác giả lấy làm tiếc khi những tờ báo văn chương dành riêng cho người viết trẻ dần mất đi, dẫu dư âm vẫn còn. Anh tha thiết mong rằng Hội sẽ duy trì lại, hoặc tổ chức mới một số tờ báo, tạp chí chuyên dành cho văn học trẻ với niềm tin đây không chỉ là sân chơi, mà còn là nơi ươm mầm cho những mùa xanh nối tiếp của nền văn học nước nhà.