Chúng tôi được cho phép vào Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần ngày 29/7 - ngày “kỷ lục” động đất, với 25 trận có độ lớn từ 2.5 trở lên xảy ra tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Đây chính là căn phòng “đầu não” quan sát và phát thông báo về các trận động đất trên vùng lãnh thổ của Việt Nam và lân cận theo đúng thông lệ quốc tế và quốc gia.
Hệ thống trang thiết bị phục vụ công tác quan sát, xử lý số liệu và phát tin động đất tại phòng gồm 4 màn hình lớn không bao giờ tắt, hệ thống máy fax, xử lý thông tin cũng hoạt động liên tục. Ngày và đêm ở căn phòng này chưa bao giờ vắng người trực.
Thạc sĩ Vũ Văn Phòng, nghiên cứu viên của Trung tâm cho chúng tôi biết, ca trực đã phải tăng thêm người, 3 cán bộ thức trắng đêm, theo dõi từng đợt “sóng lạ” trên các màn hình lớn. Chỉ lên màn hình với chi chít các dãy sóng địa chấn, Thạc sĩ Vũ Văn Phòng chia sẻ, tín hiệu sóng trên màn hình chỉ cho biết khả năng xảy ra động đất, còn để có được các thông tin cảnh báo phải do con người xử lý bằng phần mềm chuyên dụng.
Các công đoạn từ khi phát hiện sóng động đất, xử lý đưa ra các thông số động đất như: Độ lớn (M), thời gian, vị trí tọa độ chấn tâm, độ sâu chấn tiêu động đất... phải được thực hiện rất nhanh, trong khoảng 5 phút.
Sau khi các thông tin về động đất được lãnh đạo, nhóm chuyên gia kiểm tra, phát lệnh cho phát tin báo thì các trận động đất có độ lớn từ 2.5 đến dưới 3.5 được đưa thông tin lên website của Viện Vật lý địa cầu; các trận động đất có độ lớn từ 3.5 trở lên được cấp báo đầu tiên cho các cơ quan quốc gia có chức năng truyền bá thông tin và ứng phó nhanh nhất.
Lãnh đạo Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần cho biết, thức đêm đã vất vả, các cán bộ còn chịu những áp lực vô hình như: phải xử lý thật nhanh, sai số thấp nhất, phát tin kịp thời và trả lời thỏa đáng các cuộc điện thoại của người dân, báo chí hỏi về trận động đất đang xảy ra. Thế nhưng, xong ca trực, các cán bộ vẫn phải ở lại Trung tâm làm những công việc khác do đội ngũ nhân lực quá mỏng.
Để có dữ liệu báo về Trung tâm theo thời gian thực, công tác duy trì 40 đài trạm quốc gia quan trắc động đất trên khắp cả nước ổn định, thông suốt là nhiệm vụ quan trọng nhất. Phôi thai từ những tổ, nhóm nghiên cứu, quan trắc đầu tiên, đến nay, Viện Vật lý địa cầu đã duy trì hệ thống quan trắc hơn 60 năm.
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu cho biết, khoảng cách giữa các trạm từ 200-300 km, đo được động đất có độ lớn từ 3.5 trở lên trên cả nước. Các trạm thường nằm sâu trong núi, đặt trên nền đá gốc nhằm hạn chế bị nhiễu trong quá trình ghi nhận động đất.
Hiện tại, chỉ vài ba trạm có cán bộ trực, còn lại là các trạm tự động, chỉ có bảo vệ trông coi. Vì thiết bị đặc thù, cho nên mỗi lần hỏng, mất tín hiệu hay cần bảo dưỡng là cán bộ của Viện Vật lý địa cầu phải lên đường, kiêm luôn nhiệm vụ sửa chữa.
Ngoài mạng trạm quốc gia, Viện Vật lý địa cầu còn duy trì các mạng, trạm quan trắc địa phương thuộc các đề tài dự án khác: 28 trạm quan sát động đất phục vụ quan trắc đánh giá an toàn đập thủy điện trên bậc thang sông Đà, 10 trạm khu vực thủy điện Sông Tranh 2 (Quảng Nam); 10 trạm khu vực tỉnh Thừa Thiên Huế; 11 trạm khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.
Các trạm địa phương này được đặt quanh thủy điện khoảng 10-12 km để quan trắc phục vụ cho việc đánh giá hoạt động động đất ở thủy điện.
Với mạng trạm trải dài từ bắc vào nam, hoạt động quan trắc thường xuyên, liên tục, từ năm 2007 đến nay, Viện Vật lý địa cầu đã kịp thời thông báo khoảng gần 1.500 trận động đất có độ lớn từ 2.5 đến 6.1 có ảnh hưởng đến Việt Nam.
Đặc biệt, thời gian qua đã xử lý nhiều trận động đất nhỏ phục vụ việc nghiên cứu đánh giá hoạt động động đất cho các vùng trọng điểm như đập thủy điện, các công trình, khu vực trọng điểm.
Các số liệu động đất hết sức có giá trị trong việc nghiên cứu cấu trúc vỏ trái đất, đánh giá mức độ rung động của nền đất, theo dõi an toàn đập thủy điện, góp phần xây dựng thiết kế kháng chấn động đất cho các công trình trọng điểm, dân sinh.
Với người dân ở khu vực xảy ra động đất, sự có mặt của các chuyên gia Viện Vật lý địa cầu đến khảo sát, tuyên truyền kỹ năng ứng phó động đất đã giúp họ bớt đi sự hoang mang và biết cách chủ động “sống chung” với động đất. Từ năm 2021 đến nay, khi động đất xuất hiện tại khu vực huyện Kon Plông, Viện Vật lý địa cầu và các cơ quan chức năng đã về địa phương tập huấn diễn tập phòng chống thiên tai.
Người dân được hướng dẫn cách xây nhà bảo đảm phần nền, tường và mái chịu được lực tốt nhất. Các hoạt động tuyên truyền và hướng dẫn của đoàn công tác Viện Vật lý địa cầu đã có tác động tích cực đến người dân, giúp họ trang bị kiến thức và kỹ năng cần thiết để ứng phó với động đất, từ đó giảm thiệt hại và tăng cường sự an toàn cho cộng đồng.
Vừa trở về sau chuyến công tác kéo dài 5 ngày tại huyện Kon Plông, Tiến sĩ Bùi Thị Nhung, nghiên cứu viên chính của Trung tâm chia sẻ, chị và các chuyên gia của Viện Vật lý địa cầu phối hợp cán bộ địa phương đã vượt qua nhiều khó khăn về đường sá, thời tiết để hoàn thành công tác tuyên truyền, hướng dẫn cho cán bộ, người dân, học sinh tại các xã của huyện. Niềm vui của cả đoàn công tác là người dân ngày càng quan tâm đến các thông tin về động đất, tích cực tham gia các lớp tuyên truyền, tập huấn.
Các hiểu biết về động đất và các kỹ năng ứng phó với động đất của người dân cũng thay đổi rất rõ. Thí dụ, khi có rung lắc xảy ra người dân biết đó là động đất, cần phải ngồi xuống, lấy tay che đầu, chui núp dưới vật chắc chắn… Người dân đã hiểu động đất là hoạt động tự nhiên, không phải do một thế lực siêu nhiên, huyền bí nào gây ra, cho nên không còn mời thầy mo, thầy cúng về cúng bái.
“Qua các lớp tuyên truyền tập huấn như vậy chúng tôi hiểu những băn khoăn của người dân, tìm cách khơi gợi để người dân mạnh dạn chia sẻ, đặt câu hỏi. Chúng tôi sử dụng những ngôn từ đơn giản, phổ thông nhất để tuyên truyền, giải thích. Những kiến thức khoa học đến được với người dân, giải tỏa cho họ những băn khoăn, lo lắng là động lực lớn để các nhà khoa học như chúng tôi làm tiếp và làm tốt hơn nữa công việc của mình. Sau chuyến công tác, tôi càng có lý do để hoàn thành sớm tài liệu hướng dẫn ứng phó động đất dành riêng cho người dân vùng sâu, vùng xa, từ đó giúp công tác tuyên truyền đạt hiệu quả hơn”, Tiến sĩ Bùi Thị Nhung bộc bạch.
Tuy công việc báo tin động đất rất đặc thù và vất vả, nhưng các cán bộ của Viện Vật lý địa cầu luôn khắc phục để hoàn thành nhằm đóng góp hiệu quả cho công tác phòng chống giảm nhẹ thiên tai và phát triển kinh tế-xã hội.
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Anh cho rằng, các dạng thiên tai, trong đó có động đất, ngày càng bộc lộ rõ hơn độ nguy hiểm mà chúng ta chưa biết hết, do đó, đánh giá đúng đắn, độ nguy hiểm thiên tai để phòng chống, giảm nhẹ hậu quả của chúng là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng, đòi hỏi không chỉ lớn mạnh về trang thiết bị, kỹ thuật, trình độ chuyên môn mà lực lượng cán bộ của Viện Vật lý địa cầu phải luôn có tinh thần trách nhiệm cao.