Ung thư da có thể chữa khỏi

Nghiên cứu hồ sơ bệnh nhân ung thư da (UTD) điều trị trong vòng hai năm tại BV Ung Bướu TP Hồ Chí Minh, thạc sĩ – bác sĩ  Phạm Hùng Cường và các cộng sự cho biết, trong tổng số hơn 400 bệnh nhân bị UTD có hơn 280 bệnh nhân bị UTD đầu- cổ và 125 bệnh nhân UTD ở thân và chi. Tuổi trung bình của UTD đầu- cổ là 65 tuổi, cao hơn rõ rệt so với tuổi trung bình của UTD ở thân và chi là 59 tuổi. Nữ được ghi nhận mắc nhiều hơn nam, nhưng ngược lại nam giới lại bị UTD ở thân và chi gấp 3 lần nữ giới. Hơn nữa, bệnh thường phát hiện sau một năm và ở giai đoạn muộn.

Hơn 80% bệnh nhân ung thư da ở vùng mặt

Việc phơi nắng nhiều và liên tục của những người làm việc ngoài trời được coi là yếu tố được biết đến nhiều nhất. Bức xạ cực tím trong tia nắng mặt trời được coi là tác nhân gây UTD, nhất là trên các vùng da bộc lộ của cơ thể như vùng mặt và lưng bàn tay. Điều này cũng được khẳng định trong nhiều nghiên cứu với hơn 80% trường hợp bị UTD ở vùng mặt. Sẹo phỏng cũ cũng là nơi dễ xảy ra UTD.

Theo PGS-TS Đoàn Hữu Nghị, Giám đốc BV E Hà Nội, UTD phát triển từ sẹo phỏng hoặc vết loét lâu ngày là loại hay di căn hạch có thể gây tỷ lệ tử vong cao nếu không được phát hiện, chẩn đoán sớm và điều trị hợp lý. UTD thường xảy ra trung bình từ 20- 30 năm khi bị sẹo và thường xuất hiện sau khi loét kéo dài. Tuổi càng lớn thì mức độ nguy hiểm càng cao. Ông Nghị cũng cho biết thêm, UTD cũng thường được khởi đầu từ một nốt ruồi lành, tàn nhang hoặc một đám sắc tố bẩm sinh (bớt)... Dấu hiệu đầu tiên có thể nhận biết được là sự thay đổi màu sắc và bề mặt nốt ruồi. Ở người trưởng thành, trong vài ngày hoặc vài tuần, một nốt ruồi phát triển to nhanh và từ nhẵn chuyển sang gồ ghề, có vẩy hoặc loét cộng với cảm giác ngứa, chảy máu hoặc chảy nước vàng. Ngoài ra, cũng có thể nhận biết các dấu hiệu và triệu chứng của UTD qua vết loét dai dẳng, thỉnh thoảng lại chảy máu hoặc có thể khỏi trong từng thời kỳ.

Lột da mặt dễ dẫn đến ung thư da

Ông Nghị cũng cảnh báo, việc “bảo dưỡng” làn da bằng cách lột da mặt của chị em phụ nữ, bởi đây cũng là một trong những nguy cơ dẫn đến bệnh UTD sau này. Ông lý giải, thông thường sau khi lột da mặt, da sẽ trắng mịn màng hơn, tuy nhiên cách làm này lại làm mất đi lớp biểu bì, sừng hóa bên ngoài và để các tế bào non tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng, khói bụi nên da dễ bị tổn thương, nhiễm trùng.

Bác sĩ Nguyễn Thị Hương Giang, BV U Bướu Hà Nội, khuyến cáo bảo vệ làn da khỏi ánh nắng mặt trời là phương pháp tối ưu. Mặc áo nhiều màu hoặc tối màu bằng các chất liệu tự nhiên và sử dụng thêm những “phụ tùng” chống nắng như áo chống nắng, khẩu trang, kính râm sẽ làm hạn chế tối đa ánh nắng mặt trời tác động trực tiếp tới da. Ngoài ra, hạn chế làm việc ngoài trời nắng từ 10 giờ sáng đến 2 giờ chiều và thường xuyên vệ sinh da sạch sẽ. Cũng theo bác sĩ Giang, trẻ nhỏ cần được bảo vệ khỏi ánh nắng mặt trời bởi da của trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ rất nhạy cảm và thường trở nên rám nắng sau vài phút tiếp xúc. Trong thực tế, một đứa trẻ bị phơi nắng quá nhiều khi trưởng thành dễ bị UTD. Nếu như bị cảm nắng hồi trẻ con thì mức độ nguy hiểm sẽ tăng lên hai lần khi mắc bệnh UTD.

Phẫu thuật là biện pháp can thiệp quan trọng trong điều trị UTD. Tuy nhiên, các chuyên gia đầu ngành về ung thư khuyến cáo, bất kỳ một tổn thương nghi ngờ ở da nên tới các cơ sở y tế khám. Mọi phát hiện sớm sẽ giúp điều trị bệnh triệt để và loại bỏ hoàn toàn căn bệnh này.