Xâm nhập mặn bất thường
Năm 2015, tình trạng xâm nhập mặn đã xảy ra ở nhiều địa phương như: Bến Tre, Cà Mau, Sóc Trăng, Tiền Giang, Trà Vinh, An Giang... Ở một số nơi, nước mặn đã xâm nhập sâu từ 50 đến 60 km vào nội đồng, độ mặn cũng cao hơn những năm trước, khiến hàng chục nghìn héc-ta lúa, hoa màu, cây ăn quả bị thiệt hại. Theo các tài liệu khoa học, khi độ mặn vượt quá 1%o là đã không thể sử dụng được cho sinh hoạt, nếu vượt quá 4%o, cây không sinh trưởng được và chết. Thực tế, có thời điểm ở một số địa phương ĐBSCL, độ mặn đã lên 8 đến 9%o, thậm chí có nơi 11%o.
Tìm hiểu tác động của hạn, mặn đến sản xuất nông nghiệp ở một số địa phương, chúng tôi được biết, mùa mưa năm nay ở Cà Mau kết thúc sớm hơn trung bình nhiều năm (TBNN), gần một tháng, trở lại đây đã không còn đủ nước ngọt rửa mặn để gieo cấy vụ lúa trên đất nuôi tôm (năm 2015 gieo cấy được 31.274 ha trên tổng số 42.800 ha theo kế hoạch đề ra ), vì vậy lúa phát triển rất kém, năng suất giảm nghiêm trọng. Trong khi đó, tại tỉnh Trà Vinh, nước mặn đã lấn sâu vào nội đồng hơn 50 km. Nếu so cùng kỳ năm 2014, độ mặn đã tăng hơn từ 5,6 đến 7,7%o. Còn tại tỉnh Bến Tre, vào các tháng mùa khô năm 2015, do lượng nước từ thượng nguồn sông Cửu Long đổ về không ổn định dẫn đến tình hình hạn hán, xâm nhập mặn sâu vào nội đồng diễn biến bất thường, thời gian diễn ra sớm và kéo dài hơn so TBNN. Vùng xâm nhập mặn chủ yếu tập trung ở những vùng giáp biển, trong đó có huyện Thạnh Phú. Trạm trưởng Khuyến nông, khuyến ngư huyện Thạnh Phú Lê Minh Hoàng cho biết: Xâm nhập mặn năm nay thể hiện rất rõ, độ mặn tăng cao, thời gian thay đổi đột biến, trong thời điểm có mưa vẫn có những đợt triều cường mặn ảnh hưởng lớn đến sản xuất.
Trong khi đó, theo Giám đốc Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư Hoàng Đức Cường, do ảnh hưởng của En Ni-nô, dòng chảy thượng nguồn sông Cửu Long đang bị thiếu hụt nhiều, xâm nhập mặn tại vùng ven biển ĐBSCL sẽ xuất hiện sớm, vào sâu trong đất liền so TBNN cùng kỳ. Đặc biệt, các vùng cách biển 25 đến 35 km, từ tháng 1 đến tháng 2-2016 trở đi gần như không có khả năng lấy nước ngọt; còn các vùng cách biển 45 đến 65 km, từ tháng 1 đến tháng 5-2016 có khả năng cao bị mặn xâm nhập.
Bên cánh đồng lúa thu đông sắp đến kỳ thu hoạch ở ấp Nhân Hòa, xã Mỹ Nhơn, huyện Ba Tri (Bến Tre), nông dân Lê Văn Rực lo lắng chia sẻ với chúng tôi: Mấy năm nay, mặn về sớm, những tháng có cường độ xâm nhập mặn cao, nông dân phải bỏ ruộng, chờ có mưa mới tận dụng để gieo cấy. Nếu gieo sạ trễ sẽ bị ảnh hưởng của mặn, làm giảm năng suất từ 10 đến 20%. Hiện, chúng tôi đã thông tin cho nhau biết dự báo của ngành khí tượng - thủy văn về tình trạng mặn sẽ đến sớm, nên thu hoạch đến đâu sẽ trục sạ ngay đến đó, kịp thời xuống giống vụ đông xuân để bảo đảm năng suất.
Chủ động ứng phó
Theo ngành nông nghiệp các tỉnh khu vực ĐBSCL, trước những ảnh hưởng nặng nề do mặn xâm nhập trong mùa khô năm nay và nguy cơ tiếp tục ảnh hưởng trong các năm tới, biện pháp khẩn cấp được các tỉnh triển khai là hạn chế xâm nhập mặn các khu vực lúa và nông sản có nguy cơ bị ảnh hưởng và bơm nước giảm nhiễm mặn cho các khu vực bị nước mặn xâm nhập. Hệ thống cống hở, cống thoát nước được đóng lại và dự kiến sẽ có một số khu vực phải đắp đập tạm thời để hạn chế nước mặn xâm nhập.
Về những biện pháp trước mắt đối phó hạn xâm nhập, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang cho biết, để bảo vệ 38 nghìn ha lúa đông xuân ở các huyện phía đông và khoảng 30 nghìn ha lúa hè thu năm 2016 ở các huyện phía tây, tỉnh đã chỉ đạo UBND các huyện, thị xã Gò Công, Cai Lậy và TP Mỹ Tho tăng cường các hoạt động thông tin, truyền thông về hiện tượng En Ni-nô, tình hình hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, các biện pháp chỉ đạo ứng phó của cấp trên đến các cấp chính quyền, người dân trong khu vực để chủ động phòng tránh; khẩn trương hoàn chỉnh kế hoạch phòng, chống hạn, mặn; nạo vét kênh mương, vệ sinh rong cỏ, giải phóng chướng ngại vật lòng kênh. Đồng thời có kế hoạch đắp đập, chuẩn bị đủ máy bơm để bơm trữ nước trên kênh, trên đồng trước khi cống đầu mối đóng ngăn mặn, tổ chức bơm hai cấp khi mực nước xuống thấp. Còn Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Hữu Lập khẳng định, ngay trong tháng 11, tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiến hành tổng kiểm tra các công trình đê, cống ngăn mặn để sửa chữa kịp thời nếu có hư hỏng, tổ chức quan trắc độ mặn ở các cửa sông sớm hơn mọi năm và thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết và kịp thời ứng phó.
Được biết, nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, bảo vệ hơn 120 nghìn ha đất nông nghiệp, và gần 53 nghìn ha đất nuôi trồng thủy sản thuộc bảy tỉnh ven biển ĐBSCL gồm: Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, mới đây Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng dự án thủy lợi bắc Bến Tre với tổng mức đầu tư hơn 5.590 tỷ đồng, dự kiến thực hiện từ năm 2015 đến năm 2021).
*Tại Hội nghị trực tuyến về ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn năm 2015-2016 do ảnh hưởng của hiện tượng En Ni-nô vừa tổ chức tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo các địa phương cần đẩy mạnh giải pháp truyền thông, đặc biệt là về hiện tượng En Ni-nô, thường xuyên thông báo về diễn biến khô hạn và xâm nhập mặn trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết và có ý thức chuẩn bị ứng phó; khuyến cáo người dân thay đổi cơ cấu giống lúa, những giống dài ngày chuyển sang giống ngắn ngày chịu mặn, sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt có tiết kiệm nước cho rau màu… Đồng thời, vận động người dân trữ nước trong các ao, hồ, lu chứa nước và sử dụng nước tiết kiệm để bảo đảm nguồn nước ngọt phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt.