Ứng phó với bất ổn thị trường

Trước ảnh hưởng của nền kinh tế toàn cầu, nhất là sức mua tại các thị trường chính giảm mạnh khiến ngành dệt may Việt Nam những tháng đầu năm rơi vào cảnh “trầm lắng”, với kim ngạch xuất khẩu giảm hơn 20% so với cùng kỳ năm 2022. Muốn giữ nhịp tăng trưởng, đòi hỏi doanh nghiệp phải linh hoạt triển khai các giải pháp đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa.
0:00 / 0:00
0:00
Sản xuất hàng dệt may tại Tổng công ty May 10.
Sản xuất hàng dệt may tại Tổng công ty May 10.

Tính đến thời điểm hiện tại, doanh nghiệp đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn khi thiếu đơn hàng, bị ép giá, nguồn tiền đang dần cạn kiệt. Ðể bảo đảm việc làm cho người lao động, nhiều doanh nghiệp phải chấp nhận làm những đơn hàng nhỏ lẻ, giá thấp, trái sở trường,...

Khó khăn bủa vây

Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Cao Hữu Hiếu cho biết, năm 2023, GDP thế giới được dự báo tăng trưởng thấp hơn năm 2022, do chính sách thắt chặt tiền tệ và xung đột địa chính trị. Kinh tế tăng trưởng chậm dẫn đến xu thế tiếp tục thắt chặt chi tiêu của người tiêu dùng và hàng hóa dệt may luôn có mặt trong top 5 các mặt hàng được tiết giảm.

Sức mua của các thị trường chính như Mỹ, châu Âu suy giảm mạnh, các yếu tố bất lợi của thị trường trên đà tiếp diễn, ngành dệt may Việt Nam đã trải qua những tháng đầu năm “trầm lắng” với kim ngạch xuất khẩu giảm hơn 20% so với cùng kỳ năm 2022 và giảm sâu nhất trong các quốc gia xuất khẩu dệt may. Khó khăn của đơn vị thể hiện ở hai lĩnh vực chính gồm ngành sợi và may.

Với ngành sợi, những khó khăn kéo dài từ quý III năm 2022 đến nay, do nhu cầu tiêu dùng thấp, giá giảm sâu do giá bông - nguyên liệu chính của ngành sợi đã giảm rất mạnh. Khi Trung Quốc chính thức mở cửa trở lại, ngành sợi trong nước cũng khó cạnh tranh về giá. Do vậy, toàn bộ ngành sợi chịu thua lỗ, tồn kho sản xuất ở mức cao. Với ngành may, đơn hàng nhỏ lẻ, manh mún, chưa bao giờ doanh nghiệp với hàng nghìn lao động phải nhận đơn hàng chỉ 500 đến vài nghìn sản phẩm.

Tiếp đến, đơn giá giảm rất mạnh, nhiều đơn vị sản xuất có giá gia công giảm tới 50%. “Trước kia mỗi chiếc áo sơ-mi có giá gia công từ 1,7-1,8 USD thì nay giảm chỉ còn một nửa. Bên cạnh đó, việc chậm, hoãn thời gian nhận hàng từ phía đối tác cũng gây khó khăn cho doanh nghiệp về dòng tiền, kho bãi. Khách hàng đưa ra nhiều yêu cầu khắt khe hơn; các mặt hàng không đúng truyền thống, trái sở trường nhưng doanh nghiệp vẫn chấp nhận làm nhằm duy trì sản xuất, chờ đợi tín hiệu hồi phục của thị trường” - ông Cao Hữu Hiếu nhấn mạnh.

Cũng theo ông Hiếu, nhờ linh hoạt ứng phó với những diễn biến bất ổn của thị trường đã giúp doanh thu của Tập đoàn trong quý I năm 2023 đạt 4.462 tỷ đồng, bằng 25,5% kế hoạch năm; lợi nhuận đạt 118 tỷ đồng, bằng 19% kế hoạch năm. Dự kiến doanh thu quý II đạt 4.340 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 58 tỷ đồng. Mặc dù giảm doanh thu, lợi nhuận so với các năm trước nhưng đây là mức giảm khả quan và chấp nhận được trước bối cảnh khó khăn bủa vây như hiện nay.

Tổng Giám đốc Tổng công ty cổ phần Phong Phú Dương Khuê cho biết thêm, trong bối cảnh thị trường còn nhiều thách thức, đơn vị đưa ra các giải pháp nhằm duy trì lực lượng sản xuất, ổn định khách hàng, mở rộng thị trường, theo dõi chặt chẽ tình hình thực tế để điều hành sản xuất, kinh doanh phù hợp, nhằm đạt tổng doanh thu hợp nhất 2.250 tỷ đồng theo kế hoạch năm đề ra.

Đáp ứng nhu cầu thị trường

Theo Tổng Giám đốc Tổng công ty Việt Thắng Nguyễn Quang Minh, năm 2022, đơn vị đạt doanh thu 1.606 tỷ đồng, bằng 118,44% kế hoạch; lợi nhuận trước thuế đạt 72,29 tỷ đồng, bằng 65,57% so với năm 2021; thu nhập bình quân đạt 11,3 triệu đồng/người/tháng. Trước tình hình thị trường còn khó khăn kéo dài, năm nay doanh nghiệp đặt mục tiêu doanh thu 1.200 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế từ 35-50 tỷ đồng; thu nhập bình quân đạt 11 triệu đồng/người/tháng.

Ðể hoàn thành mục tiêu đề ra, đơn vị tiếp tục duy trì ổn định sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh tìm kiếm khách hàng mới, nhà cung ứng mới, duy trì và phát triển khách hàng cũ; đồng thời, tăng cường đầu tư chiều sâu về thiết bị để nâng cao chất lượng, sản lượng và trình độ, tự động hóa trong dây chuyền sản xuất, cải thiện môi trường làm việc cho người lao động, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của khách hàng; bảo đảm công ăn việc làm, tích cực chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động để họ yên tâm công tác và đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.

Tương tự, Tổng Giám đốc Tổng Công ty cổ phần Phong Phú Dương Khuê cho biết, đơn vị đã xây dựng các giải pháp kịp thời, quyết liệt trong chỉ đạo điều hành, kiên định với mục tiêu quản trị thông minh, số hóa dữ liệu quản lý, đầu tư máy móc thiết bị, cập nhật công nghệ, khoa học kỹ thuật mới; tiếp tục giữ vững và phát triển chuỗi cung ứng chỉ may Coats và sản phẩm gia dụng. Ðồng thời, Tổng công ty đẩy mạnh phát triển, mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu; tiếp tục củng cố các kênh bán hàng truyền thống, phát triển mới các kênh bán hàng kỹ thuật số; xây dựng lộ trình hợp lý hóa sản xuất theo hướng tinh gọn, phù hợp xu thế, đáp ứng yêu cầu nhanh và giảm chi phí sản xuất,...

Thị trường dệt may và thời trang sẽ gặp nhiều khó khăn trong những tháng cuối năm với mức tăng trưởng doanh số dự báo tương đối chậm do bị thu hẹp tại thị trường châu Âu (dự kiến chỉ còn 1% đến 4%). Tổng cầu dệt may thế giới được dự báo đạt khoảng 700 tỷ USD, giảm 8% so với năm 2022, thấp hơn cả năm 2020 khi xảy ra dịch Covid-19.

Tổng Giám đốc Vinatex Cao Hữu Hiếu

Bên cạnh đó, những đòi hỏi khắt khe đến từ các nhãn hàng như giảm giá sản xuất, đơn hàng nhỏ, thời gian giao hàng nhanh, chất lượng đòi hỏi cao hơn, chuyển đổi sử dụng vải có thành phần sợi tái chế,... Do đó, ngành dệt may Việt Nam được dự báo sẽ gặp rất nhiều khó khăn với sự thiếu hụt mạnh về đơn hàng và chi phí đầu vào tăng cao. Các thị trường xuất khẩu chính vẫn chưa phục hồi trong khi cạnh tranh gay gắt vẫn diễn ra ở thị trường nội địa với sự tham gia của nhiều thương hiệu, doanh nghiệp nước ngoài.

Vì vậy, doanh nghiệp cần tập trung vào các giải pháp chính, gồm đẩy mạnh dự báo thị trường, hỗ trợ, đưa ra định hướng để các đơn vị có thể chủ động lên kế hoạch sản xuất; theo dõi chặt chẽ tình hình tài chính tại các đơn vị, ổn định dòng tiền, bảo đảm khả năng thanh khoản cho các doanh nghiệp. Vinatex cũng ưu tiên giữ vững lực lượng lao động trên cơ sở cân đối giữa việc làm và thu nhập, bảo toàn lực lượng lao động để sẵn sàng đón cơ hội khi thị trường phục hồi; tổ chức sản xuất theo hướng linh hoạt, đáp ứng đơn hàng nhỏ lẻ, thay đổi nhanh, khó, thời gian gấp.

Ngành may linh hoạt cơ cấu chuyển đổi mặt hàng để bảo đảm đơn hàng đáp ứng nhu cầu thị trường. Ngành sợi nghiên cứu các mặt hàng mới, thị trường mới để đón đầu xu hướng; phát triển đồng bộ về công nghệ và kỹ thuật cho ngành dệt nhuộm, nâng cao chất lượng sản phẩm; tập trung cho các chỉ tiêu xanh, sản xuất sạch, nguyên liệu và sản phẩm tuần hoàn….