Ứng Hòa chung sức xây dựng nông thôn mới

Xuất phát điểm thấp, gặp nhiều khó khăn khi triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, song với quyết tâm cao, nhiều đổi mới và sáng tạo trong cách triển khai thực hiện, huyện Ứng Hòa (Hà Nội) đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Ngày 5/12, huyện vinh dự được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022 và dự kiến ngày 9/12 tới đón nhận Huân chương Lao động hạng nhì.
0:00 / 0:00
0:00
Mô hình Chè ướp sen tại thôn Nguyễn Xá, xã Phương Tú (huyện Ứng Hòa) đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao.
Mô hình Chè ướp sen tại thôn Nguyễn Xá, xã Phương Tú (huyện Ứng Hòa) đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao.

Đồng chí Nguyễn Tiến Thiết, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Ứng Hòa cho biết: “Với đặc thù là huyện thuần nông, ngân sách khó khăn, khi triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới đa số các tiêu chí của huyện đều đạt thấp.

Phát huy tinh thần đoàn kết, tranh thủ mọi nguồn lực, Đảng bộ huyện đã tập trung chỉ đạo nhiều giải pháp xây dựng nông thôn mới như: Từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế; áp dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất; đẩy mạnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn. Huyện đã phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, tập trung các nguồn ngân sách của huyện và báo cáo thành phố hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội theo tiêu chí nông thôn mới nâng cao. Huyện quán triệt việc bố trí nguồn kinh phí để đầu tư triển khai thực hiện trên nguyên tắc tập trung, không dàn trải và bám sát các tiêu chí nông thôn mới để triển khai đầu tư thực hiện các dự án, không để nợ đọng xây dựng cơ bản”.

Huyện phát huy tối đa quy chế dân chủ trong xây dựng nông thôn mới; thực hiện công khai, minh bạch các nguồn lực để người dân được bàn bạc, quyết định, kiểm tra, giám sát và quan trọng hơn cả là chính người dân được tham gia thụ hưởng những kết quả từ xây dựng nông thôn mới đem lại.

Sau hơn 10 năm thực hiện, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân của huyện giai đoạn 2013-2023 đạt 7,22%; tổng nguồn vốn huy động xây dựng nông thôn mới là 8.491,850 tỷ đồng; trong đó, nhân dân đóng góp hơn 800 tỷ đồng, hàng trăm nghìn ngày công lao động, hiến hàng nghìn mét vuông đất để thực hiện các công trình phúc lợi. Bằng nguồn vốn đó, huyện tập trung đầu tư cho phát triển nông nghiệp, hạ tầng kinh tế-xã hội…

Chị Vũ Hải Vân, người dân thôn Đinh Xuyên, xã Hòa Nam, vui mừng chia sẻ: “Từ ngày xã phát động phong trào Toàn dân xây dựng nông thôn mới, người dân quê tôi hưởng ứng bằng nhiều cách. Trong đó, không ít hộ tự nguyện hiến đất để làm đường; các tổ chức hội, đoàn thể vận động hội viên làm đường hoa, thực hiện tuyến đường tự quản... Nhờ đó, thôn, xóm sạch đẹp, khang trang hơn”.

Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 68,2 triệu đồng. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2023 chỉ còn 0,003%. Các di tích lịch sử và truyền thống văn hóa được gìn giữ, tôn tạo và phát triển. Chất lượng giáo dục, y tế được quan tâm đầu tư. 84/90 trường học đã đạt chuẩn quốc gia; 29/29 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; toàn bộ 145 thôn, làng, tổ dân phố có nhà văn hóa. Cảnh quan, môi trường nông thôn được cải thiện. An ninh trật tự được bảo đảm; người dân được thụ hưởng cuộc sống đầy đủ về vật chất và tinh thần. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng được đổi mới, đạt hiệu quả thiết thực.

Toàn bộ 28 xã của huyện đã đạt chuẩn nông thôn mới, thị trấn Vân Đình đạt chuẩn đô thị văn minh; trong đó, có sáu xã được công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (chiếm 21,4%); ba xã đã hoàn thiện hồ sơ xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu…

Là một trong ba xã đầu tiên của huyện hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao, năm 2023, xã Liên Bạt xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu. Đồng chí Đặng Văn Bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã chia sẻ: “Các phong trào kiến thiết quê hương được người dân địa phương góp sức triển khai trong nhiều năm qua; các khu dân cư đều tích cực triển khai xây dựng các tuyến đường hoa làm đẹp quê hương với tổng chiều dài 3.500m. Để tạo không gian hoạt động, vui chơi cho trẻ em, cả tám thôn trong xã đã đóng góp kinh phí, lắp đặt thêm các thiết bị vui chơi cho trẻ em tại khuôn viên các nhà văn hóa”.

Huyện cũng chỉ đạo quyết liệt dồn điền đổi thửa, chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, xây dựng, ban hành các cơ chế hỗ trợ phát triển kinh tế trong sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất tập trung, quy mô lớn, đã hình thành các chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm, xây dựng nhãn hiệu, sản xuất ứng dụng công nghệ cao, góp phần nâng cao thu nhập trên đơn vị diện tích đất canh tác, nâng cao thu nhập cho nông dân.

Điển hình như phát triển chuỗi giá trị gạo chất lượng cao gắn với nhãn hiệu “Gạo chất lượng Khu Cháy”, chuỗi giá trị sản phẩm rau, củ, quả Ứng Hòa theo tiêu chuẩn VietGAP; các mô hình nuôi lợn ứng dụng điều khiển tự động, nuôi cá “Sông trong ao”, trồng rau trong nhà màng, nhà kính…

Đồng chí Bùi Thị Thu Hiền, Bí thư Huyện ủy Ứng Hòa nhấn mạnh: “Nhiệm vụ trọng tâm của huyện trong thời gian tới là tập trung vào quy hoạch chi tiết vùng huyện, chú trọng xây dựng các vùng chuyên canh sản xuất lúa, chuyên canh nuôi trồng thủy sản.

Huyện quy hoạch quỹ đất nông nghiệp để kêu gọi các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao. Bên cạnh đó, huyện xây dựng các chợ nông sản, sàn giao dịch thương mại để tổ chức sản xuất và liên kết tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thêm các cụm công nghiệp làng nghề, các khu công nghiệp, khu du lịch sinh thái…, từ đó tổ chức sản xuất mang lại hiệu quả giá trị kinh tế cao”.