Ứng dụng xạ trị proton và hạt nặng trong điều trị ung thư

NDO -

NDĐT - Chữa trị xạ trị bằng ion nặng sẽ xử lý những khối u kháng với các phương pháp xạ trị Cobalt, gia tốc. Phương pháp này áp dụng rất hiệu quả cho điều trị ung thư đầu cổ, tiền liệt tuyến, nhi khoa và ít tác dụng phụ.

Bệnh nhân chờ xạ trị tại Bệnh viện K Tân Triều.
Bệnh nhân chờ xạ trị tại Bệnh viện K Tân Triều.

Sáng 18-12, Bộ Y tế, Bệnh viện K và Viện Ung thư Quốc gia (Viện nghiên cứu Phòng chống ung thư) tổ chức Hội thảo khoa học “Ứng dụng xạ trị proton và hạt nặng trong điều trị ung thư”.

Hội thảo nhằm mục tiêu nâng cao năng lực cho các bác sĩ, kỹ sư vật lý và kỹ thuật viên tại các bệnh viện và trung tâm ung bướu. Hội thảo cũng chia sẻ kinh nghiệm trong việc thành lập trung tâm xạ trị proton và hạt nặng với sự tham gia của hơn 300 đại biểu, chuyên gia trong nước, các chuyên gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực xạ trị đến từ Nhật Bản và Hoa Kỳ.

Hội thảo bàn luận các nội dung: Tình hình xạ trị tại Việt Nam và Bệnh viện K; Các nguyên lý xạ trị proton và hạt nặng trong điều trị ung thư; Xạ trị bằng proton trong điều trị ung thư tại Hoa Kỳ; Xạ trị hạt nặng trong điều trị ung thư tại Nhật Bản; Xạ trị proton trong điều trị ung thư tại Nhật Bản và hệ thống kết hợp proton hạt nặng (hybrid); Xạ trị proton trong điều trị ung thư phổi và ung thư dạ dày

PGS.TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K cho biết, trong các phương pháp xạ trị, phương pháp chữa trị xạ trị proton và hạt nặng trong điều trị ung thư là phương pháp tiến tiến và hiện đại đã phổ biến ở nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên ở khu vực Đông Nam Á, hiện chưa có nước nào được trang bị và áp dụng phương pháp chữa trị xạ trị tiên tiến này.

Với việc ứng dụng phương pháp này, tỷ lệ bệnh nhân điều trị bằng ion nặng có kích thước khối u giảm hoặc không tăng lên sau ba năm rất khả quan, đạt hơn 90% với ung thư phổi không tế bào nhỏ; 80-90% ung thư gan; gần 100% ung thư tiền liệt tuyến. Tỷ lệ sống thêm sau ba năm của ung thư phổi giai đoạn một và hai là 86%; ung thư gan là 72%. Tỷ lệ sống thêm sau hai năm của ung thư tụy là 36%; sống thêm trung bình sau năm năm của ung thư tiền liệt tuyến là 99%; ung thư trực tràng là 53%; ung thư đầu cổ là 74%.

Theo số liệu của Ghi nhận ung thư toàn cầu (GLOBOCAL) và ước tính của ghi nhận ung thư Việt Nam, mỗi năm Việt Nam có hơn 126 nghìn ca mắc mới và khoảng 94 nghìn người tử vong vì ung thư.

Hội thảo là diễn đàn quan trọng để các chuyên gia về lĩnh vực xạ trị trong ung thư cùng bàn luận, đưa ra một tầm nhìn sâu sắc và toàn diện hơn về việc ứng dụng xạ trị proton và hạt nặng tại bệnh viện Việt Nam.

Chiều cùng ngày, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến sẽ cùng các chuyên gia quốc tế bàn luận về phương hướng sớm thành lập Trung tâm Xạ trị proton và hạt nặng tại Bệnh viện K.