Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực hành chính công

Thành phố Hồ Chí Minh đặt tầm nhìn đến năm 2030 sẽ trở thành đô thị thông minh với sự đổi mới căn bản, toàn bộ hoạt động của bộ máy chính quyền số, của các doanh nghiệp số và sự thịnh vượng, văn minh của một xã hội số.
0:00 / 0:00
0:00
Các đại biểu tìm hiểu các giải pháp ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào lĩnh vực hành chính công được trưng bày tại quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh.
Các đại biểu tìm hiểu các giải pháp ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào lĩnh vực hành chính công được trưng bày tại quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh.

Để thực hiện điều này, một trong những giải pháp quan trọng mà Thành phố tập trung triển khai trong thời gian tới là đẩy mạnh ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong lĩnh vực hành chính công.

Cùng với những tỉnh, thành phố khác trên cả nước, Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang tập trung triển khai việc ứng dụng AI trong tất cả các lĩnh vực, hoạt động quản lý và sản xuất, kinh doanh. Trong đó, thành phố ưu tiên đẩy mạnh hoạt động ứng dụng AI trong hành chính công, dịch vụ công trực tuyến, giúp giảm nhân lực bộ máy, giảm thời gian xử lý công việc, chờ đợi và chi phí của người dân, doanh nghiệp.

Theo Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Lâm Đình Thắng, năm 2022, thành phố đã rất quyết tâm đẩy mạnh công tác chuyển đổi số. Thành phố đã ra mắt một số nền tảng số quan trọng như hệ thống giám sát xử lý phản ánh, kiến nghị người dân theo thời gian thực; hệ thống giải quyết thủ tục hành chính; Dashboard tổng hợp thông tin kinh tế-xã hội.

Hiện, ở thành phố có nhiều cơ quan hành chính ứng dụng khá tốt AI trong lĩnh vực hành chính công để giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp một cách thuận lợi, đạt kết quả cao. Đây là những tiền đề quan trọng đưa tỷ lệ đóng góp của kinh tế số vào GRDP năm 2022 của thành phố ước đạt 15,38% (chỉ tiêu đề ra của năm 2022 là 15%).

Theo các chuyên gia, khi cách mạng công nghiệp 4.0 đang tăng tốc, thành phố đã nắm bắt xu hướng phát triển của thế giới và đề ra chủ trương, ban hành cơ chế, chính sách cho nghiên cứu, ứng dụng AI vào sản xuất và đời sống.

Đồng thời, thành phố tích hợp một số lĩnh vực AI vào đề án xây dựng Thành phố trở thành đô thị thông minh, thúc đẩy phát triển kinh tế số nhanh, bền vững. Để thực hiện mục tiêu này, Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Kế hoạch số 1757/KH-UBND, ngày 30/5/2022 về triển khai chương trình “Nghiên cứu và phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo tại Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2020-2030”. Qua đó, đã tạo tiền đề cho các cơ quan, đơn vị triển khai mạnh mẽ ứng dụng AI trong lĩnh vực công.

Trong đó, thành phố đã xây dựng, đưa vào vận hành các hệ thống tích hợp, kết nối liên thông các cơ sở dữ liệu lớn về dân cư, quy hoạch, y tế, giáo dục, đất đai, nhà ở, cũng như triển khai nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu để kết nối chính thức, chia sẻ dữ liệu quốc gia về kho dữ liệu dùng chung của thành phố.

Theo thống kê, từ đầu năm 2021 đến nay, thành phố có nhiều mô hình, ý tưởng về các giải pháp đổi mới, sáng tạo, ứng dụng công nghệ thông tin vào cải thiện phục vụ người dân, doanh nghiệp. Cụ thể, quận 1 đã phát động đợt thi đua cao điểm về cải cách hành chính trên địa bàn toàn quận, qua đó đã có 191 mô hình, giải pháp, sáng kiến theo lĩnh vực đạt yêu cầu và được ghi nhận.

Nổi bật là ứng dụng công nghệ thông tin vào cung ứng dịch vụ công trực tuyến bằng dịch vụ “Định danh khách hàng điện tử” để giải quyết thủ tục hành chính không giấy. Dịch vụ này được xây dựng dựa trên công nghệ AI với giải pháp công nghệ “định danh, tìm kiếm bằng khuôn mặt” và công nghệ chống giả mạo.

Với dịch vụ này, khi đến Ủy ban nhân dân quận 1 để làm thủ tục, người dân không cần viết lại thông tin cá nhân, chỉ cần chụp ảnh giấy tờ tùy thân gửi vào hệ thống, theo đó, hệ thống sẽ tự động quét (scan) dữ liệu, điền vào mẫu. Đến nay, quận 1 đã tổ chức tiếp nhận đăng ký giải quyết thủ tục hành chính “không giấy” trên các lĩnh vực như kinh tế, lao động, tư pháp, giáo dục và nội vụ.

Giảng viên Đặng Thị Ngọc Hà, Trường đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những thành phố đông dân nhất cả nước. Số lượng người dân lớn đồng nghĩa với số lượng yêu cầu, hồ sơ, thủ tục cần phải giải quyết rất lớn mỗi ngày. Ứng dụng AI sẽ góp phần giải quyết được tình trạng quá tải hồ sơ, thiếu nhân lực giải quyết, đơn giản hóa công tác quản lý, giám sát việc thực thi công vụ, tạo môi trường tương tác giữa chính quyền và người dân, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý…

Ngoài ra, ứng dụng AI vào hành chính công giúp rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ của cơ quan nhà nước, rút ngắn thời gian chờ đợi của cá nhân, doanh nghiệp. Việc cung cấp các dịch vụ công trực tuyến đã tạo điều kiện thuận lợi cao nhất cho công dân, giảm thời gian gửi/nhận hồ sơ; tăng tính công khai, minh bạch, tránh được sự phiền hà, sách nhiễu trong việc giải quyết thủ tục hành chính.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Dương Anh Đức khẳng định: Muốn phát triển trong thời đại hiện nay thì phải phát triển dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Trong đó, nổi lên vấn đề AI như là vai trò tiên phong, công cụ hàng đầu để giải quyết các vấn đề bài toán quan trọng, tháo gỡ các vấn đề tắc nghẽn trong sự phát triển của những siêu đô thị như Thành phố Hồ Chí Minh, nhất là các lĩnh vực giao thông, y tế, giáo dục… Một trong những vấn đề trọng tâm trong năm 2023 là thành phố tập trung phát triển, thúc đẩy nhanh chương trình chuyển đổi số, thúc đẩy nhanh ứng dụng công nghệ cao, đặc biệt là AI trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Sở Thông tin và Truyền thông phải là đơn vị đi đầu, phải là hạt nhân, là đầu mối phối hợp các sở, ban, ngành, viện, trường… để đẩy nhanh việc chuyển đổi số, đưa ứng dụng AI vào lĩnh vực hành chính công.