Ứng dụng khoa học-công nghệ trong phát triển sâm Ngọc Linh

Sâm Ngọc Linh là dược liệu quý hiếm, có giá trị kinh tế cao, được thiên nhiên ban tặng cho hai tỉnh Kon Tum và Quảng Nam. Thời gian qua, Bộ Khoa học và Công nghệ đã định hướng, hỗ trợ các tổ chức, nhà khoa học thực hiện một số đề tài nghiên cứu, chuẩn bị nền tảng công nghệ vững chắc nhằm phát triển nhanh chóng sản phẩm sâm Ngọc Linh.
Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ kiểm tra quy trình nhân giống sâm Ngọc Linh tại Trung tâm Ươm tạo và Hỗ trợ doanh nghiệp khoa học công nghệ (huyện Ðăk Tô, tỉnh Kon Tum).
Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ kiểm tra quy trình nhân giống sâm Ngọc Linh tại Trung tâm Ươm tạo và Hỗ trợ doanh nghiệp khoa học công nghệ (huyện Ðăk Tô, tỉnh Kon Tum).

Đánh giá được giá trị của sâm Ngọc Linh, Bộ Khoa học và Công nghệ đã định hướng thực hiện một số đề tài nghiên cứu nhằm phát triển nhanh chóng sản phẩm sâm Ngọc Linh xuyên suốt chuỗi giá trị của sản phẩm như: Nghiên cứu xây dựng bộ chỉ thị phân tử phục vụ giám định, khai thác và phát triển sâm Ngọc Linh; Giải trình tự và phân tích hệ gien phiên mã ở sâm Ngọc Linh; Khai thác và phát triển nguồn gien sâm Ngọc Linh; Nghiên cứu quy trình công nghệ bào chế một số sản phẩm chất lượng cao từ sâm Ngọc Linh; Nghiên cứu xây dựng mô hình và ứng dụng hệ thống internet vạn vật để quảng bá và giám sát hiệu quả Khu bảo tồn giống cây sâm gốc Ngọc Linh tại huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam... Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã ban hành Tiêu chuẩn quốc gia sâm Việt Nam làm cơ sở để Bộ Y tế ban hành chuyên luận Sâm Việt Nam trong Dược điển Việt Nam 5.

Với mong muốn phát triển nguồn gien giá trị, đặc hữu của Việt Nam thành sản phẩm thương mại hóa ở quy mô lớn không chỉ trong nước mà còn hướng tới thị trường quốc tế, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp các bộ, ngành, địa phương liên quan xây dựng kế hoạch phát triển sâm Việt Nam trở thành sản phẩm quốc gia theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Thí dụ, đã chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, UBND hai tỉnh Kon Tum và Quảng Nam xây dựng kế hoạch đầu tư nghiên cứu, phát triển sản phẩm từ sâm Việt Nam trong Chương trình sản phẩm quốc gia, giúp hình thành được các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, tạo ra vùng sâm Việt Nam tập trung, các nhà máy chế biến quy mô lớn và đặc biệt là phát huy được tối đa lợi thế tài nguyên nguồn gien đặc hữu này của Việt Nam. Ðể triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ thuộc chương trình phát triển sản phẩm quốc gia sâm Ngọc Linh, tỉnh Kon Tum có 6 dự án thuộc chương trình được giao cho 4 doanh nghiệp của tỉnh chủ trì thực hiện.

Hiện nay, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã sản xuất một số sản phẩm từ sâm Ngọc Linh có thương hiệu trên thị trường như: rượu sâm SK5; tinh sâm SK5; trà túi lọc sâm SK5; nước yến sâm; mật ong sâm SK5; thực phẩm bổ sung nước tăng lực SK5 Night Wolf; nước giải khát dưỡng da NoLiKo; các sản phẩm trà sâm Ngọc Linh hòa tan; collagen sâm Ngọc Linh; viên nang mềm sinh lý sâm Ngọc Linh; rượu sâm Ngọc Linh; cà-phê sâm Ngọc Linh; mật ong sâm Ngọc Linh; dầu gió Tinh nhân sâm...

Bộ Khoa học và Công nghệ đã khẩn trương phối hợp với UBND các tỉnh Kon Tum, Quảng Nam và các bộ, ngành có liên quan xây dựng và phê duyệt Ðề án khung phát triển sản phẩm quốc gia sâm Việt Nam. Trên cơ sở Ðề án khung đã được phê duyệt và hướng dẫn của Bộ Khoa học và Công nghệ và UBND hai tỉnh Kon Tum và Quảng Nam, giai đoạn đầu, đã có 10 doanh nghiệp, tổ chức đề xuất 12 dự án khoa học và công nghệ với tổng số 66 nhiệm vụ để phát triển sản phẩm quốc gia sâm Việt Nam.

Có thể thấy, phần lớn các nhiệm vụ được xây dựng dưới dạng dự án sản xuất thử nghiệm, cho nên các nội dung công việc chủ yếu được triển khai tại doanh nghiệp với sự đồng hành của các nhà khoa học để giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị. Sau quá trình xét duyệt theo quy định hiện hành, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phê duyệt 10 nhiệm vụ khoa học và công nghệ, ký hợp đồng triển khai thực hiện từ tháng 7/2021 với tổng kinh phí thực hiện hơn 322 tỷ đồng.

Về những khó khăn khi phát triển sâm Ngọc Linh trên địa bàn, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum Lê Ngọc Tuấn chia sẻ: Khó khăn nhất là giống sâm Ngọc Linh. Việc trồng sâm Ngọc Linh từ ươm hạt như hiện nay chắc chắn sẽ không đủ giống để trồng. Dự kiến đến năm 2025, diện tích trồng sâm Ngọc Linh của tỉnh Kon Tum khoảng 4,5 nghìn ha (khoảng 45 triệu cây), đến năm 2030 khoảng 10 nghìn ha (100 triệu cây); đến năm 2045, trồng sâm Ngọc Linh trên toàn bộ diện tích có khả năng trồng trong vùng chỉ dẫn địa lý.

Giám đốc Trung tâm Ươm tạo và Hỗ trợ doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) Vũ Duy Dũng cho biết: Ðề tài "Nghiên cứu hoàn thiện quy trình nhân giống in-vitro sâm Ngọc Linh bằng công nghệ bioreactor" được trung tâm thực hiện từ năm 2018-2019. Ðến nay, trung tâm đã nghiên cứu hoàn thiện được quy trình nhân giống in-vitro sâm Ngọc Linh bằng công nghệ bằng bioreactor. Quy trình này cho phép sản xuất cây giống sâm Ngọc Linh có chất lượng cao, tương tự cây trồng từ hạt, và lần đầu tiên xây dựng được tiêu chuẩn cơ sở cây giống in-vitro sâm Ngọc Linh. Giá bán một cây con sâm Ngọc Linh hiện nay trên thị trường là 300 nghìn đồng/cây, nhưng trung tâm bán ra với giá chỉ 100 nghìn đồng/cây, rẻ bằng 1/3. Hiện nay, trung tâm đã ươm trồng trên thực địa với khoảng 1 vạn cây sâm giống tại Tiểu khu 217, xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông và đang đầu tư xây dựng mở rộng diện tích trồng sâm, mở rộng vườn giống tại các khu đất đủ điều kiện lâm sinh tại tỉnh Kon Tum. Trung tâm sẽ phấn đấu cung ứng đủ giống theo dự kiến phát triển sâm Ngọc Linh của tỉnh Kon Tum.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Ðạt tin tưởng: Với vùng nguyên liệu rộng lớn, đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, Kon Tum có thể trở thành một trung tâm nghiên cứu và phát triển sâm. Việc tỉnh Kon Tum quan tâm, phê duyệt dự án đầu tư trang thiết bị, tổ chức đào tạo nguồn nhân lực phục vụ công tác kiểm định chất lượng sâm Ngọc Linh và các dược liệu khác, chắc chắn sẽ củng cố đáng kể tiềm lực khoa học và công nghệ của tỉnh và của lĩnh vực nghiên cứu, phát triển sâm Ngọc Linh. Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ đồng hành, hỗ trợ tỉnh Kon Tum, trước mắt là rà soát, bổ sung các tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật liên quan đến sâm.