Ngày 24/4/2023, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và lãnh đạo Bộ Công an đã ký Kế hoạch phối hợp thực hiện các nhiệm vụ tại Đề án 06, trong đó nêu cụ thể các nhiệm vụ, giao đơn vị đầu mối với sản phẩm đầu ra và thời hạn hoàn thành cụ thể. Đây là căn cứ quan trọng để các đơn vị thống nhất triển khai thực hiện.
Làm sạch dữ liệu khách hàng
Theo nội dung Kế hoạch phối hợp triển khai các nhiệm vụ tại Đề án 06 trong lĩnh vực ngân hàng, các mục đích và yêu cầu đã được xác định rõ, bao gồm: Tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp, biện pháp nhằm bảo đảm 05 nhóm tiện ích phục vụ chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng; ứng dụng dữ liệu dân cư, căn cước công dân (CCCD), định danh và xác thực điện tử đối với các hoạt động của lĩnh vực ngân hàng, góp phần chuyển đổi số, tăng cường hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm.
Đáng chú ý, quá trình triển khai phải thực hiện đúng quy định, có trọng tâm, trọng điểm, đạt hiệu quả cao, phục vụ mục tiêu phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử, phù hợp với yêu cầu thực tế, đặc thù, đặc điểm trong lĩnh vực ngân hàng.
Kế hoạch cũng tập trung vào các nhiệm vụ kết nối, khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, làm sạch dữ liệu khách hàng và phục vụ các hoạt động nghiệp vụ của ngành ngân hàng; ứng dụng thẻ CCCD gắn chip điện tử; ứng dụng tài khoản định danh và xác thực điện tử (VneID); xác thực trực tuyến; an sinh xã hội; công tác đào tạo, phổ biến kiến thức; rà soát đối tượng nghi ngờ, giả mạo các loại giấy tờ với dữ liệu sinh trắc của CCCD phục vụ công tác phòng, chống tội phạm; tích xanh tài khoản bảo đảm; báo cáo thống kê trên nền tảng dữ liệu dân cư; chấm điểm tín dụng; xác thực thông tin đa chiều.
Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an - Tổ phó Thường trực Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ cho biết, là một trong các ngành lĩnh vực được xác định có mức độ sẵn sàng cao cần ưu tiên chuyển đổi số trước, toàn ngành ngân hàng luôn chủ động triển khai Đề án 06 và đã đạt được những kết quả ban đầu, được Chính phủ đánh giá, ghi nhận. Thời gian tới, nhằm tăng cường sự phối hợp, ngành công an sẽ góp phần hỗ trợ để ngân hàng chuyển đổi số mạnh mẽ hơn, tiện ích hơn, an toàn hơn với việc ứng dụng các giải pháp, công nghệ, nền tảng dữ liệu dân cư, CCCD, định danh và xác thực điện tử.
Kết nối đồng bộ
Có thể thấy, việc kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các đơn vị trong ngành ngân hàng, kết nối với doanh nghiệp sẽ góp phần thúc đẩy nền kinh tế số, giúp ngành ngân hàng phát triển các hoạt động nghiệp vụ, nâng cao hiệu quả giao dịch giữa ngân hàng và khách hàng, bảo đảm an toàn hoạt động và phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng.
Tuy nhiên, để quá trình trên đạt hiệu quả, nhiều ý kiến cho rằng, các đơn vị liên quan của Bộ Công an và ngành ngân hàng cần phối hợp chặt chẽ hơn, tiên phong triển khai một cách chắc chắn, bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng và an toàn hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Cùng với đó là xây dựng quy trình phối hợp và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để thực hiện triển khai đạt hiệu quả cao hơn trong thời gian tới.
Phó Cục trưởng Công nghệ thông tin (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) Đoàn Thanh Hải cũng cho biết, nhờ chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp nên ngành ngân hàng đã gặt hái một số kết quả tích cực trong triển khai Đề án 06. Đó là Dịch vụ công của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (cấp chứng thư số cá nhân) đã hoàn thành kết nối, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chính thức từ tháng 12/2022. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã phối hợp C06-Bộ Công an đối soát, làm sạch 25 triệu hồ sơ khách hàng trong cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng quốc gia, hiện đang tiếp tục rà soát làm sạch 26 triệu hồ sơ khách hàng...
Về phía các tổ chức tín dụng, trong năm 2022, một số ngân hàng như Vietcombank, BIDV, VietinBank,… đã phối hợp với C06-Bộ Công an hoàn thành triển khai thử nghiệm giải pháp ứng dụng xác thực qua thẻ CCCD gắn chip trong một số nghiệp vụ như xác thực, định danh khách hàng tại quầy giao dịch; xác thực, định danh khách hàng giao dịch tại ATM và đã bước đầu cung cấp dịch vụ thử nghiệm tại một số chi nhánh trên địa bàn Hà Nội, Quảng Ninh từ tháng 5/2022, đang triển khai mở rộng cho các tỉnh, thành phố.
Năm 2023, một số ngân hàng như Vietcombank cũng đã lập kế hoạch triển khai chính thức giải pháp sử dụng thiết bị di động (do ngân hàng mua sắm cho nhân viên) cài đặt ứng dụng xác thực khách hàng qua thẻ CCCD gắn chip (giải pháp Match on Card-MoC) và cập nhật thông tin giấy tờ tùy thân, bước đầu mở rộng cho toàn bộ chi nhánh trên địa bàn Hà Nội trong tháng 5/2023. Ngân hàng BIDV cũng đã hoàn thành hai gói thầu mua sắm trang thiết bị để triển khai giải pháp xác thực khách hàng bằng CCCD gắn chip khi cung cấp dịch vụ rút tiền tại máy giao dịch tự động, xác thực khách hàng tại quầy…
Ngoài ra, các ngân hàng như Vietcombank, PVComBank, MB,... cũng đã phối hợp với C06 thử nghiệm hệ thống chấm điểm tín dụng công dân trên nền tảng dữ liệu dân cư. Trong khi đó, tại VietinBank, nhằm thực hiện chiến lược tài chính toàn diện của Chính phủ và góp phần hạn chế tình trạng tín dụng đen, ngân hàng này cũng đã triển khai các hoạt động cho vay bằng phương thức điện tử và nhất là cho vay tín chấp đối với các món nhỏ.
Thông qua việc tiếp cận và khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, VietinBank có thể đánh giá được khả năng trả nợ và đẩy nhanh quá trình phê duyệt khoản vay, góp phần hạn chế tình trạng tín dụng đen.