Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý y tế, an sinh xã hội

Để phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả, chính quyền huyện Hóc Môn đã chủ động ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng các phần mềm quản lý giúp giảm tình trạng quá tải cho bộ máy, minh bạch thông tin, góp phần chăm lo y tế và an sinh cho người dân địa phương tốt hơn...

Nhân viên tư vấn, hỗ trợ F0 gọi điện thăm hỏi người bệnh từ Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn.
Nhân viên tư vấn, hỗ trợ F0 gọi điện thăm hỏi người bệnh từ Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn.

“A-lô, có phải chị Trần Kim Anh, ngụ ấp 5 không? Tôi là nhân viên chăm sóc F0 của xã Xuân Thới Thượng. Hôm nay, sức khỏe của chị thế nào, ăn uống ngon miệng không? Tình hình của chị là ổn rồi đó, chúc chị mau khỏe, nhớ đủ 14 ngày đến nhận giấy hoàn thành cách ly nghen…”.

Cuộc hội thoại thăm hỏi F0 vừa kết thúc, chị Nguyễn Thị Anh Chi, giáo viên Trường mầm non Tân Hiệp, nhân viên tư vấn chăm sóc F0 của xã, tiếp tục mở danh sách để “alo” cho một F0 khác là cụ bà 70 tuổi cũng vừa mắc Covid-19 trước đó vài ngày. Sau khi ghi chép tình hình sức khỏe các F0, chị Chi cập nhật thông tin lên phần mềm quản lý theo dõi F0 tại nhà của huyện được cài sẵn trên điện thoại di động.

Công việc của chị Chi cũng như chín nhân viên khác của Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn là gọi điện thăm hỏi các F0 và cập nhật tình hình F0 cũ và mới lên phần mềm quản lý theo dõi F0 tại nhà được huyện triển khai thực hiện từ đầu tháng 12 đến nay. Từ phần mềm này, dữ liệu được chia sẻ liên thông trực tuyến đến từng cá nhân, bộ phận liên quan như tổ chăm sóc F0 cộng đồng, dân quân, trạm y tế, trạm y tế lưu động, Hội thầy thuốc đồng hành, đội ngũ bác sĩ của Trung tâm y tế, Bệnh viện Hóc Môn, kể cả lãnh đạo từ huyện đến xã để theo dõi. Đối với những trường hợp F0 thể nhẹ, nhân viên tư vấn sẽ thăm hỏi, hướng dẫn cách điều trị; các ca trung bình và nặng sẽ chuyển thông tin đến trạm y tế xã để bác sĩ gọi điện trực tiếp, đánh giá tình hình, nếu có nguy cơ sẽ chuyển viện.

Tương tự, các nhân viên y tế của các trạm y tế xã, thị trấn của huyện Hóc Môn cũng cập nhật tình hình các F0 vào phần mềm sau khi đến thăm khám và phát thuốc tại nhà. Trên cơ sở thông tin dữ liệu có sẵn, các nhân viên tư vấn sẽ gọi điện thăm hỏi và theo dõi chăm sóc bệnh nhân từ xa. Theo Ủy ban nhân dân huyện Hóc Môn, qua tích hợp thông tin, phần mềm này còn có nhiều tính năng hữu ích khác như tự động xác định các ca bệnh nặng, trung bình, nhẹ; thông báo chuyển viện; nhắc nhở theo dõi, thăm khám hằng ngày…

Trưởng Phòng Y tế huyện Hóc Môn Nguyễn Văn Hải cho biết, sau hai tuần ứng dụng phần mềm, số ca nhập viện rất ít, có dấu hiệu chuyển nặng không nhiều, nếu có chuyển nặng thì đều được chuyển viện kịp thời. Để thực hiện phần mềm quản lý theo dõi F0 tại nhà, huyện Hóc Môn đã huy động 240 giáo viên tăng cường cho 12 xã để tham gia Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch của xã thực hiện nhiệm vụ gọi điện tư vấn chăm sóc F0 tất cả các ngày trong tuần.

“Dữ liệu của phần mềm được nuôi sống hàng giờ, hàng phút thông qua sự tham gia tương tác của tất cả các lực lượng với hàng nghìn tài khoản liên quan công tác phòng, chống dịch. Nhờ đó, góp phần kéo giảm cấp độ dịch của huyện Hóc Môn từ cấp độ 2 xuống cấp độ 1, chuyển từ vùng vàng sang vùng xanh”, ông Hải cho hay.

Trong đợt chi hỗ trợ an sinh lần thứ ba theo chủ trương của thành phố, thống kê huyện Hóc Môn có khoảng 550 người bị ảnh hưởng của dịch thuộc diện nhận hỗ trợ. Huyện Hóc Môn cũng là địa phương có số dân ngoại tỉnh diện tạm trú đông cho nên Ủy ban nhân dân huyện tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin nhằm bảo đảm công tác chi hỗ trợ chính xác, hạn chế đến mức thấp nhất việc chi trùng lắp cũng như sai sót xảy ra.

Đại diện Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Hóc Môn cho biết, huyện đã xây dựng phần mềm "Hệ thống quản lý và hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19", trong đó sử dụng cùng lúc ba app (ứng dụng) trong app “Hóc Môn trực tuyến” để thực hiện công tác hỗ trợ an sinh gồm: app cho dân tra cứu danh sách, app cho lực lượng chi tiền và app cho lãnh đạo giám sát. Trên cơ sở này, người dân địa phương vừa có thể tra cứu trên phần mềm để biết mình thuộc diện nhận hỗ trợ hay không; cán bộ địa phương có dữ liệu để tiến hành chi hỗ trợ cho người dân; bộ phận chuyên môn có thể giám sát để phát hiện những trường hợp sai sót, kể cả gian lận…

Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Hóc Môn, Dương Hồng Thắng chia sẻ, nhờ ứng dụng phần mềm trên Hệ thống Quản lý và hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19, đã phát hiện hơn 700 trường hợp kê khai không trung thực để nhận tiền hỗ trợ đợt ba. Sau đó, theo yêu cầu của Ủy ban nhân dân huyện, các trường hợp này đều tự nguyện nộp lại số tiền nhận sai do cố tình kê khai không trung thực. Cũng nhờ phần mềm quản lý này, lãnh đạo huyện cập nhật tiến độ chi hỗ trợ sát sao hằng ngày, kịp thời nhắc nhở các bộ phận chuyên môn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn nếu có người dân phản ánh chưa được nhận kinh phí hỗ trợ hay tiến độ chi trả chậm.

Cũng theo ông Dương Hồng Thắng, nếu không có phần mềm quản lý để hỗ trợ lãnh đạo huyện theo dõi, rà soát kết quả thì việc chi hỗ trợ an sinh cho hơn nửa triệu dân với tiến độ chi gấp rút sẽ khó bảo đảm đúng đối tượng, thành phần. Ngoài ra, việc ứng dụng các phần mềm để quản lý phòng, chống dịch Covid-19 của chính quyền huyện Hóc Môn còn là cơ sở để xây dựng hệ thống dữ liệu quản lý dân cư, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn…