Hỗ trợ 3.000 người nghèo
“ATM gạo - Hạt giống tâm hồn” là nỗ lực của Hội Chữ thập đỏ thành phố Đà Nẵng trong việc giúp đỡ cho những hộ nghèo, những hộ có hoàn cảnh khó khăn của thành phố vượt qua khó khăn giai đoạn này; góp phần cùng chính quyền thành phố thực hiện mục tiêu “Không để hộ khó khăn thiếu lương thực thực phẩm trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội nhằm phòng, chống dịch Covid-19.
Sau một thời gian chuẩn bị, kêu gọi và nhận sự hỗ trợ của các đơn vị, sáng 18-8, ATM gạo đã chính thức được hoạt động, chạy thử nghiệm ngay tại cơ sở của Thành hội.
Chị Nguyễn Thị Trang (tổ 33, phường An Hải Tây, quận Sơn Trà) đến nhận gạo vào 10 giờ sáng nay theo lịch đã được hẹn trước. Chị Trang là giáo viên mầm non, chồng chị lao động tự do, hai vợ chồng nghỉ việc từ khi dịch bùng phát trở lại vào tháng 7 vừa rồi. Với năm miệng ăn trong nhà, gia đình phải chi tiêu tằn tiện và gặp khó khăn về nhu yếu phẩm hằng ngày. Chị Trang tâm sự: "Dịch đợt trước tôi cũng đã nghỉ nhiều tháng, vừa đi làm lại chưa được bao lâu lại nghỉ tiếp, thật sự có tiết kiệm được đồng nào thời gian qua cũng phải lấy ra tiêu hết rồi. Hôm qua, tôi ngạc nhiên khi nhận được điện thoại thông báo nhận gạo hỗ trợ, cán bộ Hội Chữ thập đỏ phường cũng nhắc nhở tôi không cần đến sớm để xếp hàng, chỉ cần đúng giờ. Số gạo này chúng tôi cũng ăn được trong vài ngày tới".
Dự kiến, ATM sẽ cấp phát 20 tấn gạo cho có khoảng 3.000 người dân với tổng kinh phí 300 triệu đồng. Đối tượng hưởng lợi là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ khó khăn. Trong đó ưu tiên các hộ gia đình có người khuyết tật, bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, phụ nữ đơn thân nuôi con nhỏ, người già, người đang thực hiện cách ly... có nhu cầu được cấp phát gạo.
Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ thành phố Đà Nẵng Lê Thị Như Hồng cho biết: "Hôm nay, chúng tôi sẽ chạy thử ATM này ở Thành hội để bảo đảm chắc chắn đạt được các tiêu chí đã đề ra, sau đó, trong tuần này chúng tôi sẽ triển khai đến các phường để người dân có thể đến lấy gần hơn".
Toàn thành phố đang có khoảng 20 nghìn hộ nghèo, cận nghèo, hơn 30 nghìn đối tượng bảo trợ xã hội, vì vậy, Thành hội đang hy vọng có thể nhân rộng được mô hình ra hết 56 xã, phường của toàn thành phố để tất cả mọi người khó khăn đều có thể nhận được hỗ trợ.
Ứng dụng công nghệ cao giãn cách người nhận
Đúng với trăn trở của Thành hội trong việc làm sao có thể hỗ trợ được cho người dân mà vẫn bảo đảm giãn cách, tránh tập trung đông người và người dân không phải xếp hàng chờ đợi, Công ty CP V.B.P.O đã hỗ trợ về công nghệ nhằm ứng dụng vào chương trình ATM gạo lần này.
Theo đó, Hội Chữ thập đỏ thành phố Đà Nẵng thực hiện khảo sát, đánh giá nhu cầu, chọn lựa đối tượng hưởng lợi. Sau đó, cung cấp dữ liệu thông tin liên quan của người hưởng lợi (tên, tuổi, địa chỉ, số điện thoại, chứng minh nhân dân) để chuyển tới trung tâm dữ liệu của hệ thống. Sau khi số hóa thông tin và chuyển vào hệ thống quản lý, robot thông minh sẽ tạo lịch hẹn, gọi điện và thông báo thời gian đến nhận cho người dân.
Trước 30 phút, hệ thống sẽ tự động gọi điện nhắc nhở mọi người một lần nữa thời gian và địa điểm nhận gạo. Mỗi người sẽ được hẹn cách nhau năm phút. Tại địa điểm nhận, người dân thực hiện ba bước: rửa tay sát khuẩn, nhận dạng thông tin qua điện thoại thông minh có sẵn, sau khi điện thoại xác nhận người được hẹn, đến cây ATM và lấy gạo mang về.
ATM Gạo bảo đảm thực hiện giãn cách xã hội trong phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định hiện hành. Mỗi người đến nhận thực hiện không quá năm phút, tránh được tình trạng chờ đợi lâu, chen chúc để xếp hàng. Tuỳ tình hình mỗi hộ gia đình đã được cung cấp thông tin, mà sẽ được hỗ trợ 8 đến 12 kg/người/lần. Có thể sử dụng trong một tuần.
Việc nhận diện khuôn mặt và thông tin tại địa điểm lấy cũng tạo sự công bằng, người đến trễ chưa được nhận sẽ được sắp xếp lịch hẹn lần khác, hoặc người đã nhận rồi thì nhường cho người khác, hệ thống sẽ sắp xếp lại lịch hẹn lần sau phù hợp.
Anh Trần Mạnh Huy, đại diện Công ty CP V.B.P.O chia sẻ thêm: "Chúng tôi sẽ chuyển giao công nghệ cho Hội Chữ thập đỏ sau khi chương trình chạy ổn định, để Hội có thể áp dụng cho cả những hoạt động như hiến máu nhân đạo, trao quà cho người nghèo cả khi hết dịch, nhằm giúp người dân giảm bớt thời gian chờ đợi".