Để trẻ em thành phố ngày nay có thể hình dung ra được lũy tre làng quê, từ đó hiểu và cảm nhận tình yêu quê hương đất nước thông qua hình ảnh cây tre Việt Nam trong một bài văn, thay vì chỉ sử dụng sách giáo khoa và những lời giảng có phần đơn điệu, khô khan, cô Nguyễn Kiều Hồng Trang, Trường trung học cơ sở Nguyễn Công Trứ (quận Ba Đình) đã nghiên cứu thiết kế bài giảng điện tử cho bài "Cây tre Việt Nam", sách Ngữ văn lớp 6. Trong bài giảng của mình, cô Trang đã đưa vào những hình ảnh, đoạn clip rất đẹp, chân thật về lũy tre, làng quê, về sự gắn bó thân thuộc của cây tre với cuộc sống người dân trên nền những giai điệu du dương. Cùng với lời đọc diễn cảm, những câu hỏi thú vị đã khuyến khích học sinh hào hứng tham gia trả lời, tương tác với giáo viên và tranh luận với nhau. Với nhiều bài giảng khác, cô Kiều Trang còn ứng dụng công nghệ để xây dựng từ điển online, học sinh có thể dùng mã QR để tra cứu nghĩa của những từ ngữ khó trong bài văn, bài thơ. Từ đó các em có thể cảm nhận được vẻ đẹp và ý nghĩa của từng tác phẩm, giúp môn Văn bớt khó hiểu và được học sinh thích thú hơn.
Cũng giống như cô giáo Kiều Trang, các thầy cô giáo và người làm trong lĩnh vực giáo dục thời gian qua đã học hỏi, tích cực chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong từng bài giảng, tiết học của mình để nâng cao chất lượng dạy và học, nhất là sau những tác động của dịch Covid-19. Năm 2022, Cuộc thi "Thiết kế bài giảng điện tử" đã thu hút gần 43 nghìn bài giảng gửi về tham dự. Các bài đạt giải, có chất lượng đã được chia sẻ miễn phí trên Kho học liệu số tại địa chỉ igiaoduc.vn. Tại kho học liệu này, giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh có thể tìm kiếm, sử dụng hàng nghìn bài giảng điện tử cho các lớp từ lứa tuổi mầm non tới lớp 12, ở tất cả các môn học. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cho biết, đến năm 2022, toàn ngành đã có kho dữ liệu bài giảng điện tử với gần 7.000 bài giảng cho tất cả trình độ đào tạo, từng môn học của từng khối lớp...
Với quy mô hơn 2.800 trường mầm non và phổ thông với hơn 2,2 triệu học sinh, việc ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số đang trở thành nền nếp trong dạy và học trên địa bàn Hà Nội. Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình Lê Đức Thuận cho biết, phòng đã tham mưu Ủy ban nhân dân quận ban hành đề án ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số cho toàn ngành giai đoạn 2021-2025 để định hướng thực hiện. Tới nay, đã có gần 20 phần mềm hỗ trợ quản lý, tổ chức dạy học và kiểm tra đánh giá được ban hành, áp dụng, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của quận. Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ba Vì Phùng Ngọc Oanh cho biết, huyện đang tập trung bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực chuyển đổi số cho đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên, bởi đây là lực lượng nòng cốt để thúc đẩy chuyển đổi số toàn ngành. Qua đó, các nhà trường đều tự tin, quyết tâm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tích cực xây dựng bài giảng điện tử để hỗ trợ việc học của học sinh, nhất là trong việc giao bài tập về nhà, các bài tập dự án, thực hành...
Theo lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, Ủy ban nhân dân thành phố đã phê duyệt chương trình chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng tới năm 2030. Trong đó có mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục-đào tạo bằng các giải pháp phát triển nền tảng hỗ trợ dạy và học từ xa; số hóa tài liệu, giáo trình, ứng dụng công nghệ số; xây dựng nền tảng chia sẻ tài nguyên giảng dạy và học tập theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến... Bên cạnh đó, năm học 2022-2023 là năm quan trọng trong lộ trình triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông mới. Hiện có 6 bậc lớp được dạy theo chương trình mới và thay sách giáo khoa, các bậc lớp còn lại sẽ tiếp tục được triển khai trong những năm kế tiếp theo lộ trình đã đề ra. Do đó, ngành giáo dục Thủ đô đang tích cực phối hợp các đơn vị triển khai các ứng dụng số, hướng dẫn, khuyến khích giáo viên, học sinh và cả cha mẹ học sinh tham gia xây dựng, sử dụng kho học liệu số của ngành để có thể đổi mới hơn nữa hoạt động dạy và học, đáp ứng yêu cầu phát triển.