Bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam đã bàn giao 5.704 bộ đồ dùng cứu trợ khẩn cấp cho ông Thào Xuân Sùng, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam để phân phát tới phụ nữ có nguy cơ bị bạo lực giới tại ba tỉnh của Việt Nam, góp phần tương trợ miền trung trong công tác ứng phó với lũ lụt.
Khu vực duyên hải miền trung của Việt Nam đã hứng chịu lũ lụt chưa từng có với những trận mưa lớn kéo dài và các trận bão liên tiếp kể từ đầu tháng 10, khiến 200 người tử vong được ghi nhận cho đến thời điểm này và làm cho hàng nghìn người phải di dời. Ít nhất 5,5 triệu người trong khu vực này đã bị ảnh hưởng, trong đó 1.343.162 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và 92.075 phụ nữ mang thai.
Muôn vàn khó khăn của phụ nữ
Trong các tình huống khẩn cấp, việc mang thai và kinh nguyệt của phụ nữ vẫn diễn biến bình thường. Do đó các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục vẫn cần phải được duy trì và không bị gián đoạn. Nguy cơ bị bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái ngày càng gia tăng trong bối cảnh khủng hoảng, do đó cần tiến hành ngay các biện pháp phòng ngừa và ứng phó hiệu quả.
Theo kết quả báo cáo đánh giá nhanh có sự tham gia của các chuyên gia UNFPA được thực hiện vào tháng trước tại các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở miền trung Việt Nam, lũ lụt và sạt lở đất đã gây ảnh hưởng nặng nề tới các cơ sở chăm sóc y tế, làm gián đoạn các chương trình chăm sóc y tế công cộng như: khám thai, đỡ đẻ, chăm sóc sau sinh và kế hoạch hóa gia đình. Phụ nữ và trẻ em gái không thể tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản, bao gồm chăm sóc sức khỏe tình dục và sức khỏe sinh sản.
Thiên tai đã buộc phụ nữ và trẻ em gái phải di chuyển tạm đến các khu sơ tán mà không kịp chuẩn bị các các đồ dùng cần thiết. Kết quả là họ không được đảm bảo vệ sinh đúng cách và không được tiếp cận các đồ dùng cơ bản như băng vệ sinh, quần áo và đồ lót. Ngoài ra, họ cũng gặp nhiều khó khăn trong việc sử dụng nước sạch, giặt giũ, phơi quần áo và đồ dùng vệ sinh cá nhân, cũng như xử lý đồ vệ sinh cá nhân sau khi sử dụng.
Nhiều phụ nữ nghèo rơi vào tình trạng thất nghiệp cả trong và sau đợt lũ. Phụ nữ cũng có thể bị bạo lực gia đình và quấy rối khi tạm lánh tại các trung tâm cộng đồng. Những vấn đề và tính dễ bị tổn thương này làm ảnh hưởng tới nỗ lực và khả năng của phụ nữ trong việc giảm nhẹ và thích ứng với rủi ro thiên tai.
Sự ứng cứu cần thiết
Bộ đồ dùng cứu trợ khẩn cấp là nét đặc trưng trong gói hỗ trợ nhân đạo toàn diện của UNFPA nhằm bảo vệ sức khỏe tình dục và sức khỏe sinh sản cũng như quyền của phụ nữ và trẻ em gái, giảm thiểu rủi ro bạo lực giới, đồng thời ứng phó và bảo vệ nhân phẩm của phụ nữ và trẻ em gái bị ảnh hưởng tiêu cực do khủng hoảng.
Bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam phát biểu tại lễ bàn giao: “Duy trì vệ sinh cá nhân là hết sức cần thiết giúp phụ nữ cảm thấy thoải mái, tự tin và được đảm bảo sức khỏe trong trường hợp thiên tai hay khủng hoảng xảy ra. Bộ đồ dùng cứu trợ khẩn cấp bao gồm những vật dụng cơ bản mà phụ nữ và trẻ em gái cần dùng để bảo vệ bản thân và giữ gìn vệ sinh cá nhân trong khủng hoảng.”
Bà Kitahara cho biết thêm: “Chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái cần là ưu tiên đối với tất cả mọi người. Chỉ có như vậy chúng ta mới có thể đảm bảo tất cả mọi người đều là một phần trong quá trình phát triển bền vững của đất nước và không ai bị bỏ lại phía sau. Chúng tôi tin tưởng vào sự hỗ trợ tuyệt vời của Hội Nông dân Việt Nam trong việc đảm bảo phân phát những bộ đồ dùng cứu trợ khẩn cấp này tới tay phụ nữ và trẻ em gái tại những vùng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi lũ lụt tại miền Trung Việt Nam, đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau”.
Theo Báo cáo Điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019, cứ 3 phụ nữ đã kết hôn thì có gần 2 người (gần 63%) bị một hoặc hơn một hình thức bạo lực thể xác, tình dục, tinh thần và kinh tế cũng như kiểm soát hành vi do chồng gây ra, và gần 32% bị bạo lực trong 12 tháng qua. Khoảng 48% phụ nữ không nói với bất kỳ ai về vấn đề bạo lực họ đang gánh chịu, và 90,4% không tìm kiếm bất kỳ sự hỗ trợ nào tứ các cơ quan chính quyền. Tổn thất năng suất lao động tổng thể do bạo lực gây ra đối với phụ nữ ước tính chiếm 1,81% GDP vào năm 2018.