UNFPA cam kết tiếp tục hỗ trợ công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình

UNFPA (Quỹ Dân số Liên hợp quốc) là một trong những tổ chức quốc tế của LHQ đã góp phần quan trọng vào việc giảm tỷ lệ tăng dân số, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân Việt Nam.

Vào thời điểm UNFPA bắt đầu xây dựng  chương trình hợp tác đầu tiên, ngay khi Việt Nam gia nhập LHQ năm 1977, Việt Nam còn là một nước nông nghiệp lạc hậu với nền kinh tế bị tàn  phá sau mấy chục năm chiến tranh, quy mô dân số khoảng 50 triệu người và đang theo đà tăng với mức dự kiến lên gấp hai lần sau 30 năm.

Với vai trò là nguồn hỗ trợ tài chính, kỹ thuật cho Việt Nam trong lĩnh vực dân số, UNFPA cùng chung nhận thức rằng, mọi thành quả  phát triển kinh tế - xã hội dù to lớn cũng khó đáp ứng những nhu cầu cơ bản của một đất nước có quy mô dân số lớn như vậy.

Ðặt trọng tâm vào những hỗ trợ tư vấn kỹ thuật, UNFPA đã triển khai gần 100 dự án với số tiền tài trợ hơn 170 triệu USD, tập trung đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao khả năng phân tích, thu thập và xử lý hiệu quả số liệu để làm cơ sở cho việc hoạch định chính sách trong lĩnh vực dân số.

Những hỗ trợ kỹ thuật tích cực từ UNFPA đã giúp Việt Nam tiến hành hiệu quả các cuộc tổng điều tra dân số và cung cấp những số liệu, thông tin đáng tin cậy cho việc hoạch định chính sách, khắc phục điểm yếu lâu nay của Việt Nam về thống kê và phân tích số liệu.

Với việc hoạch định chính sách về dân số, UNFPA hỗ trợ nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc  sức khỏe sinh sản. Tình tạng sức khỏe bà mẹ - trẻ em đã được cải thiện rõ rệt, tuổi thọ trung bình của phụ nữ tăng từ 67,5 trong giai đoạn 1984-1989 lên 71,6 trong giai đoạn 2002-2006. Số lượng bà mẹ và trẻ sơ sinh chết đã giảm đáng kể.

Ủng hộ chủ trương về việc phân cấp quản lý, UNFPA đã triển khai rất thành công mô hình nâng cao năng lực tại địa phương, làm thay đổi nhận thức, hành vi của người dân, đặc biệt là ở những vùng sâu, vùng xa, nơi tiếp cận thông tin hạn chế. Tăng cường công tác đào tạo, tư vấn về y tế cho tuyến cơ sở để nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, giảm thiểu rủi ro, đạt chỉ tiêu giảm tỷ lệ tăng dân số và đạt mức sinh thay thế sớm hơn dự kiến. Thay vì giảm tổng tỷ suất sinh xuống mức 2,9 con, quy mô dân số dưới mức 82 triệu người vào năm 2000, đạt mức sinh thay thế vào năm 2015 như mục tiêu của Chiến lược Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế ngay từ năm 2005, quy mô dân số năm 2000 chỉ ở mức 78 triệu người và tổng tỷ suất sinh là 2,3.

Thành tựu nổi bật này đã giúp Việt Nam giành Giải thưởng Dân số LHQ năm 1999, đồng thời đóng góp rất lớn vào kết quả xóa đói, giảm nghèo ấn tượng và từng được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Ðáng chú ý, Việt Nam đã trở thành một quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế vào loại nhanh nhất trong khu vực và đang hướng tới mục tiêu thoát khỏi tình trạng kém phát triển ngay trong thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21.

Ông Ian Howie, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam, khẳng định: Việc tiếp tục duy trì mức giảm sinh hiện nay sớm đưa Việt Nam thành nước có thu nhập trung bình với GDP bình quân đầu người 1.000 USD/năm vào cuối thập kỷ này.

Bên cạnh đó, Việt Nam làm được nhiều việc nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân như: tuyên truyền Pháp lệnh Dân số và thông qua Luật Bình đẳng giới; soạn thảo dự luật chống nạn bạo hành gia đình mà nạn nhân là phụ nữ và trẻ em; giảm đáng kể tỷ lệ phụ nữ tử vong khi mang thai hay lúc sinh nở do gặp biến chứng...

Ông nhận định: Bên  cạnh những thành công, Việt Nam cần phải giải quyết nhiều việc và UNFPA cam kết tiếp tục hỗ trợ trong công tác dân số-kế hoạch hóa gia đình; giải quyết các vấn đề đang nổi lên liên quan đến sức khỏe sinh sản, dân số và giới. Ðặc biệt giúp Việt Nam tự giải quyết được những thách thức trong tương lai.

Tuy nhiên, cả hai bên cùng cho rằng vẫn còn nhiều thách thức mà Việt Nam phải vượt qua trong những năm tới. Ðó là quy mô dân số vẫn lớn và sẽ tiếp tục tăng trong vòng 40-50 năm tiếp theo, mức sinh giảm không đồng đều giữa các vùng miền, tâm lý ưa thích có con trai còn tồn tại trong một bộ phận dân cư đang là nguy cơ gây nên tình trạng mất cân đối về giới tính.

Bên cạnh đó, xu hướng già hóa dân số khiến nhóm người trên 60 tuổi sẽ tăng từ 6,2 triệu trong năm 1999 lên 6,9 triệu năm 2010 và sẽ là 11 triệu trong năm 2020. Thực tế này đặt ra thách thức mới về an sinh xã hội như chăm sóc người cao tuổi và sức khỏe sinh sản. Ngoài ra, tỷ lệ bà mẹ và trẻ sơ sinh chết ở các vùng sâu, xa vẫn cao, nguy cơ nhiễm HIV/AIDS ở giới trẻ cũng đáng báo động.

Bởi vậy, nội dung hợp tác Việt Nam - UNFPA thời gian tới sẽ được tiếp tục với các nghiên cứu, dự đoán dài hạn, nhằm giúp Việt Nam chủ động đưa ra các chính sách đón đầu đối phó những thách thức mới về dân số. Về phía UNFPA, những mô hình thành công sẽ tiếp tục được nhân rộng như cấp cứu sản khoa, làm  mẹ an toàn ở khu vực miền núi.