Theo thông báo từ UNESCO sau cuộc họp được tổ chức theo hình thức trực tuyến và chủ trì từ thành phố Phúc Châu (Trung Quốc), 4 địa danh mới này là: “Tuyền Châu: Tòa nhà của thế giới thời Tống Nguyên - Trung Quốc” (ở Trung Quốc), “Đền Ramappa” ở Ấn Độ, “Tuyến đường sắt xuyên Iran” của Iran và khu cảnh quan văn hóa "Paseo del Prado và Buen Retiro" của Tây Ban Nha.
Thành phố cảng Tuyền Châu (Quanzhou) ở phía đông Trung Quốc từng được nhà thám hiểm người Italy Marco Polo ca ngợi là "thành phố vĩ đại".
Nằm trên vùng đồng bằng hẹp, dọc theo bờ biển của tỉnh Phúc Kiến (Fujian), Tuyền Châu từng là một trong những cảng lớn nhất thế giới dọc theo Con đường Tơ lụa trên biển, đặc biệt là vào thời nhà Tống (960-1279) và nhà Nguyên (1271-1368) của Trung Quốc cổ đại.
Quần thể di sản Tuyền Châu bao gồm 22 địa điểm, trong đó có các tòa nhà và công trình kiến trúc, các tòa nhà tôn giáo và nhiều bức tượng ở khắp thành phố. Việc thành phố cảng Tuyền Châu được công nhận lần này đã giúp nâng tổng số Di sản Thế giới được UNESCO công nhận của Trung Quốc lên 56 di sản.
Quần thể di tích Kakatiya Rudreshwara ở bang Telanganam (Ấn Độ), thường được biết đến với tên gọi “Đền Ramappa”, là một ngôi đền thờ Thần Shiva. Ngôi đền này được xây dựng bằng đá sa thạch từ năm 1213 và phải mất hơn 40 năm công trình mới hoàn tất.
Theo Ủy ban Di sản của UESCO, các tác phẩm điêu khắc của ngôi đền có chất lượng nghệ thuật cao, minh họa các điệu nhảy truyền thống của khu vực và văn hóa Kakatiyan. Ngoài kiến trúc và những chạm khắc tinh xảo trên tường, cột và trần của ngôi đền, đặc điểm đáng chú ý nhất của ngôi đền này là nó được xây dựng bằng gạch nhẹ đến mức có thể nổi trên mặt nước.
Tuyến đường sắt chạy xuyên Iran là địa điểm thứ 3 của châu Á nằm trong danh sách Di sản Thế giới lần này là. Tuyến đường sắt dài 1.394km, nối Biển Caspi ở phía đông bắc với Vịnh Ba Tư ở phía tây nam, băng qua hai dãy núi, nhiều con sông, cao nguyên, rừng và đồng bằng, đồng thời trải qua 4 khu vực khí hậu khác nhau.
Được khởi công vào năm 1927 và hoàn thành vào năm 1938, tuyến đường sắt này nổi tiếng với quy mô và các công trình kỹ thuật cần thiết để vượt qua các tuyến đường dốc và hiểm trở.
Ngoài 3 địa danh tại châu Á, một địa danh châu Âu có mặt trong danh sách Di sản Thế giới của UNESCO năm nay là khu cảnh quan rộng 200ha hợp thành bởi đại lộ Paseo del Prado và Công viên Buen Retiro, nằm ở trung tâm đô thị của thủ đô Madrid, Tây Ban Nha.
Phát triển từ thế kỷ 16, đại lộ và các tòa nhà trong khu vực "minh họa cho khát vọng về một xã hội không tưởng trong thời kỳ đỉnh cao của Đế chế Tây Ban Nha", Ủy ban Di sản cho biết.
Việc nhận được danh hiệu Di sản Thế giới của UNESCO ngoài được vinh danh còn giúp các di sản này tiếp cận được nguồn quỹ bảo tồn của Liên hợp quốc cũng như được giới thiệu trong các sách hướng dẫn du lịch trên khắp thế giới.
* 5 địa điểm ở châu Âu và châu Á vừa được ghi danh Di sản văn hóa thế giới