Báo cáo ước tính, số ca tử vong của phụ nữ Lào giảm từ 579 người trên 100.000 ca sinh vào năm 2000 xuống còn 126 người vào năm 2020. Lào là một trong những nước có tốc độ giảm nhanh nhất thế giới.
Đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá, sự tiến bộ nêu trên phản ánh cam kết và đầu tư của Chính phủ Lào và các đối tác phát triển trong nhiều năm qua, dẫn đến các dịch vụ y tế tốt hơn, cơ sở dịch vụ tốt hơn và đội ngũ y tế lành nghề hơn, làm tăng khả năng tiếp cận của phụ nữ với các dịch vụ y tế tốt hơn. Điều đó cũng thể hiện sự lãnh đạo mạnh mẽ ở cấp cao nhất luôn đặt ưu tiên cho các nhiệm vụ này với sự điều phối hiệu quả của Ủy ban Quốc gia về chiến lược sức khỏe sinh sản, bà mẹ, trẻ sơ sinh, trẻ em và vị thành niên (RMNCAH) mà WHO tự hào được hỗ trợ.
Ngoài ra, Lào cũng có thể cải thiện chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe trong thời kỳ mang thai, sinh nở, trẻ sơ sinh và chăm sóc trẻ em bao phủ dinh dưỡng tốt hơn thông qua việc tập trung vào các nữ hộ sinh, những người cung cấp hơn 80% công việc chăm sóc sức khỏe sinh sản và bà mẹ, cũng đã mang lại những kết quả tích cực.
Một yếu tố góp phần vào sự tiến bộ nêu trên của Lào là đội ngũ nữ hộ sinh, y tá và những người đỡ đẻ lành nghề khác đã tăng cả về số lượng và chất lượng. Cuộc khảo sát về chỉ số xã hội của Lào cho thấy các ca sinh có sự tham gia của người đỡ đẻ đã tăng 23% từ năm 2011 đến năm 2017.
Một yếu tố quan trọng khác là việc thiết lập các dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em miễn phí trên toàn quốc vào năm 2013, sau đó được đưa vào việc mở rộng Quỹ Bảo hiểm Y tế quốc gia năm 2015.
Đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) cho biết, thành công của Lào là dấu mốc quan trọng trong việc đạt được mục tiêu giảm tỷ lệ phụ nữ tử vong. Tới năm 2030 có cơ sở để có thể giảm thêm. Tuy nhiên, cần thận trọng vì chưa thể đo lường chính xác ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến sức khỏe các bà mẹ.
Hiện nay, thế giới đang phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có bảo đảm kế hoạch hóa gia đình liên tục và các dịch vụ sinh sản an toàn. Vì vậy, cần tiếp tục hợp tác để cải thiện chất lượng dịch vụ y tế cho tất cả phụ nữ mang thai, bảo đảm công tác hỗ trợ những người gặp khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế và những người không có khả năng trang trải các chi phí khác nhau, cũng như những người ít có cơ hội.
Việc tăng cường sự tham gia của cộng đồng thông qua sự khuyến khích chính phủ và các đối tác phát triển được coi là đóng một vai trò quan trọng trong việc xây dựng lòng tin vào hệ thống y tế của người dân tộc thiểu số, trong đó có việc tạo điều kiện cho phụ nữ tiếp cận các dịch vụ khi mang thai và sinh nở.
Theo đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Lào, dữ liệu mới này chứng tỏ sự quan tâm tích cực của Lào trong hai thập kỷ qua, nhằm bảo đảm tất cả phụ nữ đều được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản hiệu quả và chất lượng cao.
Bên cạnh đó, WHO, UNFPA và UNICEF cũng cam kết hỗ trợ Lào đạt được những tiến bộ quan trọng và giải quyết các vấn đề còn tồn đọng trong khả năng tiếp cận và chất lượng dịch vụ y tế, đặc biệt kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát làm giảm tỷ lệ tiếp cận các dịch vụ nêu trên.