Theo Bộ Y tế, 6 tỉnh, thành phố có tỷ lệ tiêm thấp dưới 55% cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi là: Hà Nội (54,1%); Hà Tĩnh (48,4%); Đà Nẵng (38,8%); Quảng Nam (42,6%); Bình Thuận (54,1%); Thành phố Hồ Chí Minh (47,8%).
Nếu so sánh kết quả tiêm của ngày thứ tư (10/8) với 7 ngày trước (3/8) thì tổng số mũi tiêm cho trẻ em trên địa bàn thành phố vẫn không đạt như mong đợi. Cụ thể, số mũi tiêm của ngày 10/8 (14.269 mũi) chỉ đạt 76% so với ngày 3/8. Tình hình tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em chưa thật sự cải thiện trong lúc Việt Nam được Tổ chức Y tế thế giới nêu tên trở lại trong danh sách các nước có số mắc cao nhất, điều này thật sự đáng lo ngại.
Theo Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, đa số các quận, huyện đều có số lượt tiêm giảm so với tuần trước, đặc biệt là quận 11, quận 1 có số lượt tiêm chưa đến 100 lượt/ngày, mặc dù Sở Y tế ghi nhận có một số quận, huyện đã có sự thay đổi đáng kể về số lượt tiêm trong tuần này như: Hóc Môn, Tân Phú, Bình Tân, Tân Bình. Đặc biệt là Hóc Môn đã có sự cải thiện rõ rệt về số lượt tiêm qua từng ngày.
Hiện nay, huyện Củ Chi có số lượt tiêm cao nhất trong ngày với 1.717 lượt, tiếp đến là Hóc Môn, Bình Chánh, thành phố Thủ Đức với số mũi tiêm lần lượt là 1.459, 1.270 và 1.252 mũi.
Trước tình trạng số lượt tiêm cho trẻ em chưa cải thiện rõ rệt theo yêu cầu, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các phòng Giáo dục và Đào tạo phải đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông cho phụ huynh, học sinh, vận động các bậc phụ huynh đưa con em tham gia tiêm vaccine để nâng cao miễn dịch cho trẻ em và cộng đồng, tiếp tục tăng số điểm tiêm tại các trường học.
Một giải pháp đặc biệt quan trọng và cần thiết đó là truyền thông đến từng phụ huynh về ý nghĩa quan trọng của tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em, Sở Y tế đề nghị Sở Giáo dục và đào tạo đẩy mạnh triển khai và kiểm tra việc thực hiện nhắn tin đến từng phụ huynh học sinh, cả phụ huynh đã đồng thuận và chưa đồng thuận việc tiêm vaccine cho trẻ em.