Tỷ lệ bệnh nhân khám, nhập viện tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương tăng 30%
Ông Phan Việt Sinh, Phó Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương cho biết, hiện có 250 bệnh nhân đang điều trị nội trú tại bệnh viện, phần lớn là bệnh nhân mắc các bệnh lý về hô hấp, viêm phổi, đột quỵ...
"Ngay cả trong dịp nghỉ Tết, bệnh nhân cũng nhập viện khá đông. Khoa Cấp cứu đột quỵ và Hồi sức tích cực của bệnh viện luôn kín giường. Sau dịp Tết, lượng bệnh nhân đến khám kiểm tra sức khỏe tăng hơn so với những năm trước đây", ông Sinh nói.
Theo ông Phan Việt Sinh, trong dịp nghỉ Tết, từ phía bản thân người bệnh và người thân người bệnh cũng lơ là không thể theo dõi chăm sóc sức khỏe người bệnh thường xuyên kỹ càng như ngày thường.
Người bệnh tiểu đường có thể không kiêng khem được việc ăn các loại mứt, bánh chưng, đồ nếp, uống nước ngọt. Những người mắc bệnh lý mãn tính có thể quên uống thuốc đúng giờ, sinh hoạt giờ giấc không điều độ, có tâm lý thả lỏng nên dễ ảnh hưởng tới sức khỏe.
Bệnh nhân tới khám tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương tăng 30%. |
Đặc biệt, ngay sau Tết có đợt rét đậm làm người có bệnh nền mãn tính như tim mạch, xương khớp, hô hấp... trở nên nặng đột ngột dẫn tới tỷ lệ người cao tuổi phải nhập viện cao hơn.
Tại Bệnh viện Bãi Cháy, sau Tết Nguyên đán, số lượng bệnh nhân mắc các bệnh lý hô hấp nhập viện tăng. Bác sĩ chuyên khoa I Đào Hồng Ngự, Trưởng khoa Hô hấp cho biết, 63 giường bệnh của khoa đã kín bệnh nhân nằm, có 2 bệnh nhân phải thở máy không xâm nhập, trên 20% bệnh nhân phải thở ô-xy.
"Sự thay đổi thời tiết đột ngột là yếu tố nguy cơ đối với các bệnh lý đường hô hấp. Đặc biệt là đối với các trường hợp có sức đề kháng kém như: người cao tuổi, người có bệnh nền, điển hình như hen phế quản, phổi tắc nghẽn mãn tính, giãn phế quản... rất dễ tổn thương khi thời tiết giao mùa.
Không khí đi vào cơ thể thường được các cơ quan hô hấp mũi, miệng sưởi ấm. Nếu không khí bị lạnh việc sưởi ấm khó hiệu quả hơn. Ngoài ra, thời tiết lạnh, thay đổi môi trường khiến khả năng bảo vệ tại chỗ của cơ thể bị giảm sút, đặc biệt đối với người có bệnh nền. Bên cạnh đó, môi trường sống có chứa rất nhiều chất độc hại, ô nhiễm, càng tạo điều kiện cho các yếu tố nguy cơ phát huy tác nhân gây bệnh", bác sĩ Ngự cho hay.
Tăng số ca mắc bệnh lý hô hấp
Tại Bệnh viện Bạch Mai, ghi nhận những ngày đầu sau Tết Nguyên đán, số bệnh nhân nhập viện tăng gấp 2 lần so với Tết các năm trước, trong đó có nhiều trường hợp đột quỵ. Theo các bác sĩ, nguyên nhân do thời tiết lạnh, thay đổi thói quen sinh hoạt ngày Tết, lạm dụng rượu, bia.
PGS, TS Nguyễn Văn Chi, Trung tâm Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trung bình mỗi ngày A9 tiếp nhận 250 bệnh nhân, có ngày cao điểm lên tới 280-300 bệnh nhân (ngày 7/2). Trong đó, tỷ lệ nặng chiếm tới 40% nên việc đánh giá các bệnh nhân khá căng thẳng.
Bệnh nhân nằm tại Trung tâm cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai tăng do thời tiết lạnh và ẩm. |
"Những ngày qua đặc trưng thời tiết lạnh, nồm, ẩm nên tỷ lệ bệnh nhân mắc các bệnh lý hô hấp như phổi tắc nghẽn mãn tính, viêm hen, suy tim mãn tính bắt đầu có triệu chứng nặng lên, dẫn tới những nguy hiểm về mặt sức khỏe phải đi cấp cứu. Đặc biệt, dịp Tết vừa qua, số bệnh nhân đến Bệnh viện Bạch Mai cũng rất đông chủ yếu mắc bệnh lý suy tim, tăng huyết áp, tiểu đường, đột quỵ...
Trong đó, đột quỵ là yếu tố không tự dưng khởi phát. Những người bệnh nền mãn tính như tăng huyết áp, tiểu đường, xơ vữa động mạch, bệnh lý van tim nếu chỉ cần quên uống thuốc, uống rượu quá chén, thức quá khuya… sẽ gây ra đột quỵ. Người bệnh nền chỉ ổn định sức khỏe với tình trạng sinh hoạt ổn", bác sĩ Chi hay.
PGS, TS Nguyễn Văn Chi khám cho bệnh nhân. |
PGS, TS Phan Thu Phương, Giám đốc Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, thời điểm giao mùa đông-xuân, thời tiết nồm ẩm sẽ ảnh hưởng tới hệ hô hấp của mọi người, đặc biệt là ở người già, có bệnh lý nền.
"Thời tiết thay đổi từ mùa đông chuyển sang mùa xuân với độ ẩm cao, nhiệt độ thấp cộng thêm chức năng đề kháng của cơ thể bị suy giảm. Điều này khiến cho các loại vi trùng, virus, nấm mốc… phát triển mạnh mẽ gây nên các căn bệnh về đường hô hấp", bác Phương cho hay.
Vì vậy, theo chuyên gia này, mọi người cần tiêm các loại vaccine Covid-19, vaccine phòng bệnh hô hấp như cúm hàng năm, vaccine phế cầu mỗi 5 năm một lần.
Nguy cơ nhiễm khuẩn hô hấp cao hơn trong những không gian đông đúc và không đủ thông gió. Do đó, để làm cho môi trường của bạn an toàn nhất có thể: Cần tránh không gian kín, đông đúc và tiếp xúc gần. Khi gặp gỡ mọi người bên ngoài như tụ họp ngoài trời an toàn hơn so với trong nhà, nhất là khi không gian trong nhà nhỏ và không có lưu thông với không khí bên ngoài.
Mọi người nên đeo khẩu trang ở nơi công cộng. Thường xuyên rửa tay sạch bằng dung dịch sát khuẩn có cồn hoặc bằng xà phòng và nước.
Tuân thủ vệ sinh đường hô hấp cũng như các quy định kiểm soát nhiễm khuẩn, bạn sẽ bảo vệ những người chung quanh khỏi virus gây bệnh hô hấp như cúm và Covid-19.
Bệnh nhân nhập viện mắc các bệnh lý về hô hấp tăng cao. |
Dịp Tết chúng ta thường tiếp xúc những thức ăn giàu tinh bột và chất đạm, chất béo. Tuy nhiên bạn cần nhớ rằng, ăn uống hài hòa và bảo đảm dinh dưỡng sẽ giúp cơ thể tăng cường sức đề kháng.
Vì vậy, chúng ta cần ăn cân đối các nhóm dưỡng chất: tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Uống nước ấm, tránh ăn uống lấy trực tiếp từ tủ lạnh. Bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, không ăn tiết canh, không sử dụng gia cầm, động vật ốm chết và không rõ nguồn gốc để chế biến thực phẩm.