Tỷ lệ di cư đô thị hóa và già hóa dân số đang tăng nhanh

NDO -

Kết quả nghiên cứu chuyên sâu về tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 cho thấy tỷ lệ di cư và đô thị hóa ở Việt Nam ngày càng tăng lên nhanh chóng. Theo thống kê, cả nước đã có 6,4 triệu người từ 5 tuổi trở lên là người di cư, chiếm khoảng 7,3% tổng dân số. Bên cạnh đó, quá trình già hóa dân số cũng đang diễn ra nhanh.

Quang cảnh hội nghị công bố kết quả nghiên cứu chuyên sâu tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019.
Quang cảnh hội nghị công bố kết quả nghiên cứu chuyên sâu tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019.

Quá trình già hóa dân số đang diễn ra

PGS, TS Giang Thanh Long (Giảng viên Đại học Kinh tế Quốc dân - ĐHKTQD) cho biết: Từ năm 2009 đến năm 2019 tổng dân số Việt Nam tăng khoảng từ 85,85 triệu lên khoảng 96,21 triệu người. Các nhóm dân số đều trên đà tăng lên. Tăng từ 7,45 triệu người cao tuổi, chiếm khoảng 8,7% tổng dân số năm 2009 lên 11,4 triệu người cao tuổi, chiếm khoảng 12% tổng dân số năm 2009.

Có thể thấy tổng dân số trong vòng 10 năm tăng khoảng 11 triệu người thì tăng gần 4 triệu người cao tuổi tăng. Theo Liên hiệp quốc (LHQ), chúng ta đã chính thức bước vào thời kỳ già hóa dân số. Tỷ lệ người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên) đã chiếm hơn 10% tổng dân số. Trong số 4 triệu người cao tuổi tăng lên thì phần lớn là những người trong nhóm sơ lão (60 – 69 tuổi).

Trưởng đại diện dân số LHQ, bà Naomi Kitahara cho biết: Xét theo giới tính, xu hướng tăng ở nhóm sơ lão và phần lớn là phụ nữ. Do quá trình đô thị hóa số người cao tuổi sống ở đô thị tăng lên. Nhưng có một điểm thú vị khi phân tích theo từng độ tuổi thì tuổi càng tăng lên thì nhu cầu sống ở nông thôn lại tăng theo. Đây là một xu hướng rõ ràng trong thời điểm hiện tại. Chỉ số già hóa được tác động bởi tỷ suất sinh của các tỉnh và tỷ số di cư của họ.

Theo PGS, TS Giang Thanh Long, năm 2009-2019 vẫn có khoảng 1/3 tổng số người cao tuổi tiếp tục làm việc, tạo ra nguồn lực kinh tế, dù còn nhiều hạn chế về sức khỏe. Phụ nữ cao tuổi có tỷ lệ làm việc cao hơn so với nam giới cùng độ tuổi, và phần lớn là những người ở nông thôn.

Trước sự già hóa dân số, việc chăm sóc sức khỏe dài hạn, những chính sách phúc lợi cho người ở độ tuổi hơn 60 là điều đang được Bộ Y tế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban quốc gia về người cao tuổi đề cập.

“Làm sao có thể tạo điều kiện, chăm sóc cho người cao tuổi có sức khỏe tốt, đồng thời có tinh thần tốt”, ông Long nêu vấn đề.

Theo ông Long, để đưa ra chính sách kinh tế - xã hội thích hợp và hướng tới già hóa dân số thành công thì cần cân đối ba yếu tố kinh tế – sức khỏe – xã hội, phù hợp với tình hình phát triển hiện nay của Việt Nam.

Quá trình di cư đô thị hóa và những ảnh hưởng

Theo thống kê, cả nước đã có 6,4 triệu người từ 5 tuổi trở lên là người di cư, con số này chiếm khoảng 7,3% tổng dân số. Tuy nhiên, tỷ lệ di cư của nữ giới vẫn cao hơn nam giới trong tổng số dân di cư, nhưng sự chênh lệch này đang dần thay đổi theo hướng cân bằng.

Phần lớn người di cư ở nhóm tuổi 20-39 (chiếm 61,8% trên tổng số người di cư). Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ là hai vùng có tỷ lệ nhập cư cao nhất cả nước. Đặc biệt khu vực Đông Nam Bộ là vùng phát triển kinh tế với các khu công nghiệp lớn, đây vẫn là nơi thu hút đông đảo các lao động di cư, với 1,3 triệu người nhập cư.

Tây Nguyên chuyển từ vùng nhập cư trở thành vùng xuất cư với tỷ suất di cư thuần là âm 12%. Trái ngược hoàn toàn với Tây Nguyên, tỉnh Bình Dương là nơi có tỷ suất di cư thuần dương cao nhất (lên tới 200,4%) trong số 12 địa phương trực thuộc Trung ương có tỷ suất di cư thuần dương. Sóc Trăng là tỉnh có tỷ suất di cư thuần âm cao nhất (-75%).

Một trong những ảnh hưởng của quá trình di cư đô thị hóa là trẻ em di cư sẽ thiệt thòi hơn các trẻ em không di cư trong việc tiếp cận giáo dục ở tất cả các cấp.

Trong tổng số lao động di cư đang làm việc trong nền kinh tế, có tới 91,4% người di cư làm ở các khu vực dịch vụ, công nghiệp và xây dựng. Tỷ lệ này ở người di cư cao hơn người không di cư. Bên cạnh đó, mặc dù trình độ chuyên môn kỹ thuật của người di cư đã được cải thiện so với 10 năm trước (con số này tăng từ 22,9% năm 2009 lên tới 37,2% năm 2019 và cao hơn người không di cư 17,5%) nhưng không vì vậy mà người di cư có công việc ổn định.

Tỷ lệ thất nghiệp của người di cư vẫn cao hơn người không di cư (2,53% so với 2,01%). Và con số thất nghiệp ở nữ giới di cư cũng cao hơn nam giới di cư lần lượt là 2,82% và 2,20%. Hơn 2/3 trong số những người di cư đang thất nghiệp là những người di cư tới thành thị, phần còn lại là di cư tới các vùng nông thôn.

Điều kiện về nhà ở của người di cư tốt hơn so với người không di cư với tỷ lệ sống trong nhà đơn sơ, thiếu kiên cố của hai nhóm này lần lượt là 2,8% và 7,3%. Tuy nhiên diện tích nhà ở bình quân đầu người của người di cư lại ít hơn người không di cư vì gần một nửa số di cư phải đi thuê nhà để ở.

Áp lực nhập cư đối với đô thị đặc biệt là lớn nhất, cứ 1.000 người sống tại các đô thị đặc biệt có tới gần 200 người nhập cư, con số này cao gấp 2,7 lần mức chung của cả nước. Người nhập cư từ 5 tuổi trở lên chiếm 12,3% dân số của các đô thị. Tỷ lệ thất nghiệp của dân số từ 15 tuổi trở lên ở đô thị đặc biệt cao nhất (3,71%), tiếp đến là đô thị loại I (3,03%).

Những điều này sẽ tác động lớn đến nguồn lực lao động cũng như các vấn đề xã hội mới nảy sinh. Bên cạnh đó, xu hướng di cư và tác động của di cư đến đô thị hóa và phát triển kinh tế – xã hội cũng sẽ là vẫn đề nổi lên trong thời gian sắp tới.