Tuyên truyền, phổ biến pháp luật ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Đồng bào dân tộc thiểu số chủ yếu sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, nơi trình độ dân trí còn thấp, điều kiện kinh tế-xã hội còn khó khăn, cơ sở hạ tầng để tiếp cận thông tin còn hạn chế. Việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho đồng bào được Đảng và Nhà nước thường xuyên chú trọng nhưng hiện vẫn còn nhiều bất cập. Nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho đồng bào các dân tộc thiểu số là một yêu cầu cấp thiết đặt ra trong xây dựng, phát triển môi trường văn hóa cơ sở, bảo đảm phát triển kinh tế-xã hội bền vững trong thời kỳ hội nhập hiện nay.
0:00 / 0:00
0:00
Chiến sĩ Đồn biên phòng Nậm Kè (Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên) trao đổi nội dung tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho các trưởng bản. (Ảnh: TTXVN)
Chiến sĩ Đồn biên phòng Nậm Kè (Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên) trao đổi nội dung tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho các trưởng bản. (Ảnh: TTXVN)

Thời gian qua, nhờ nỗ lực của công tác tuyên truyền, vận động mà các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đã được thực hiện tốt ở các địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc được gìn giữ, nhiều lễ hội văn hóa, nghề truyền thống được khôi phục, phát huy trong đời sống, nhiều hủ tục được xóa bỏ giúp cho đời sống của đồng bào các vùng dân tộc được nâng cao một bước, văn minh và tiến bộ hơn.

Bên cạnh những mặt tích cực đó, còn không ít hủ tục ở nhiều địa phương đang cản trở sự phát triển kinh tế-xã hội, ảnh hưởng sức khỏe, sinh mạng của người dân như cướp dâu, hôn nhân cận huyết, tảo hôn, mê tín dị đoan... Những bất cập trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật vùng đồng bào dân tộc thiểu số hiện nay tập trung vào một số vấn đề chủ yếu.

Về nhân lực, đội ngũ báo cáo viên còn thiếu kỹ năng, nghiệp vụ, hiểu biết về văn hóa, tập quán, lối sống của đồng bào các dân tộc. Số lượng báo cáo viên biết ngôn ngữ các dân tộc thiểu số còn quá ít. Hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho đồng bào còn nghèo nàn, chưa phong phú, hấp dẫn, chưa phù hợp từng loại đối tượng, đặc biệt chưa tận dụng được công nghệ internet để lan tỏa các kiến thức cho người dân. Nguồn lực kinh phí để thực hiện các chương trình tuyên truyền, phổ biến pháp luật còn hạn hẹp, thường được lồng ghép trong các chương trình khác của địa phương nên tính hiệu quả chưa cao, chưa tập trung.

Ngoài ra, một số cấp ủy địa phương chưa nhận thức đúng về tầm quan trọng của việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật để huy động hệ thống chính trị vào cuộc, phát huy vai trò, trách nhiệm trong xây dựng, chỉ đạo, tổ chức các kế hoạch tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho đồng bào các dân tộc thiểu số.

Để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số, Ủy ban Dân tộc và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó tập trung tập huấn cho cán bộ cấp cơ sở. Vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức lớp tập huấn công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bài trừ hủ tục cho cán bộ văn hóa xã, nghệ nhân, già làng, trưởng thôn, bản và người có uy tín vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Qua các lớp tập huấn, học viên được cung cấp những kiến thức cơ bản không chỉ về chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước mà còn là kỹ năng tuyên truyền để tạo ra sự chuyển biến nhận thức cũng như ý thức chấp hành của người dân các vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Việc xây dựng ý thức tự giác cho đồng bào là yếu tố nòng cốt để tạo ra những hành vi ứng xử văn minh, thượng tôn pháp luật, tạo ra kỷ cương, trật tự trong cộng đồng và tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, củng cố niềm tin của đồng bào với Đảng, Nhà nước.

Ngoài ra, trong thời đại công nghệ thông tin phát triển, việc nhanh chóng hoàn thiện hạ tầng cơ sở để có thể thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho đồng bào các dân tộc thông qua các phương tiện công nghệ cần được ưu tiên hàng đầu. Hiện có tới 61,3% số hộ dân tộc thiểu số tiếp cận, sử dụng mạng internet, đây là môi trường thuận lợi để đưa các nội dung tuyên truyền pháp luật tới người dân.

Vấn đề là cách thức tuyên truyền phải làm sao hiệu quả nhất, phong phú về hình thức, chọn lọc về thông tin, phù hợp về phương pháp để đồng bào có thể tiếp cận và tương tác với các nội dung cần phổ biến. Nâng cao chất lượng tuyên truyền, phổ biến pháp luật lên một bước là góp phần không nhỏ vào công cuộc phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững an ninh trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cũng là góp phần thực hiện thắng lợi nội dung của chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 mà Chính phủ đã đề ra.