Còn nhiều cơ hội
Trường ÐH Sài Gòn vừa công bố điểm sàn xét điểm thi tốt nghiệp THPT và điểm chuẩn xét tuyển theo kết quả kỳ thi Ðánh giá năng lực của Ðại học Quốc gia (ÐHQG) TP Hồ Chí Minh. Theo đó, điểm chuẩn xét tuyển dựa vào điểm thi Ðánh giá năng lực mà Trường ÐH Sài Gòn đưa ra năm nay khá "dễ thở", chỉ dao động từ 601 đến 795. Cụ thể, ngành có điểm trúng tuyển cao nhất theo hình thức này là Kinh doanh quốc tế với 795 điểm, ngành có điểm chuẩn thấp nhất trong số 22 ngành là Thông tin - Thư viện với 601 điểm. Trong khi đó, điểm sàn xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT năm nay của trường dao động từ 16 đến 21. Cao nhất là ngành Sư phạm Toán học với ngưỡng bảo đảm hồ sơ đạt 21 điểm. Các trường ÐH lớn cũng đồng loạt công bố điểm sàn tạo cơ sở để thí sinh cân nhắc điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng trong giai đoạn nước rút. Nhìn chung, điểm sàn ÐH năm nay tăng nhẹ so với năm 2019, nhiều chuyên gia dự kiến, điểm chuẩn ÐH sẽ chênh lệch so với mọi năm từ 1 - 3 điểm, đặc biệt các ngành "hót" sẽ tăng cao. Tuy nhiên, theo thống kê của nhiều trường ÐH, do số hồ sơ trúng tuyển "ảo" năm nay tăng cao nên cơ hội vào ÐH tốp trên của thí sinh vẫn còn nhiều.
Trường ÐH Khoa học xã hội và Nhân văn, ÐHQG TP Hồ Chí Minh mới đây đã công bố điểm sàn xét tuyển theo kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 với mức dao động từ 18-20 điểm. Cùng thời điểm này nhà trường quyết định điều chỉnh tăng chỉ tiêu xét tuyển cho phương thức nói trên là 85% tổng chỉ tiêu, tức 2.855 suất vào trường. Tỷ lệ này tăng 20% so với công bố trước đây là dành cao nhất 65% trên tổng chỉ tiêu 3.339 SV cho hình thức tuyển sinh dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Theo Hội đồng tuyển sinh Trường ÐH Khoa học tự nhiên, ÐHQG TP Hồ Chí Minh, chỉ tiêu còn lại cho đợt xét tuyển dựa theo kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2020 là 2.325 SV. Trưởng phòng Thông tin - Truyền thông Trường ÐH Khoa học tự nhiên Phùng Quán cho biết: Số chỉ tiêu xét tuyển theo phương thức thi tốt nghiệp THPT năm 2020 chiếm khoảng 65% tổng chỉ tiêu của trường, do vậy cơ hội trúng tuyển của thí sinh còn rất nhiều. Các ngành thuộc nhóm ngành máy tính và Công nghệ thông tin, Chương trình tiên tiến Khoa học máy tính, Chương trình chất lượng cao Công nghệ thông tin còn 35% chỉ tiêu xét tuyển. Các ngành khác số lượng chỉ tiêu còn lại dao động từ 40 đến 80% tổng chỉ tiêu tùy ngành. Ðặc biệt, trường vừa có thêm ngành mới là Khoa học dữ liệu với 50 chỉ tiêu. Ðể gia tăng chọn lựa cho thí sinh, mới đây, Trường ÐH Nguyễn Tất Thành cũng thông báo điều chỉnh chỉ tiêu xét tuyển giữa các phương thức. Trường này đã tăng chỉ tiêu cho phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT lên tối thiểu 70%, cao hơn 30% so với đề án trước đó. Ngoài ra, phương thức xét kết quả học bạ THPT cũng được điều chỉnh thành 25% thay vì 50% chỉ tiêu.
Ðiểm sàn nhóm ngành sức khỏe tăng nhẹ
Ngay sau khi Bộ Giáo dục và Ðào tạo công bố ngưỡng điểm chất lượng đầu vào khối ngành sức khỏe, nhiều trường ÐH đã công bố sàn xét tuyển với mức tăng nhẹ. Trong số chín ngành đào tạo ÐH năm 2020 của Trường ÐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Y khoa và Răng - Hàm - Mặt có điểm sàn cao nhất với 24 điểm. Kế đến là ngành Dược học với 23 điểm, các ngành còn lại sàn ở mức 19 điểm. Từ 19 đến 23 cũng là mức dao động điểm sàn mà Trường ÐH Y dược TP Hồ Chí Minh đưa ra trong mùa tuyển sinh năm nay. Khoa Y, ÐHQG TP Hồ Chí Minh cũng quy định mức "sàn" 21 điểm cho ngành Dược học chất lượng cao và 22 điểm cho ngành Y khoa chất lượng cao và Răng - Hàm - Mặt chất lượng cao. Năm nay, thứ bậc điểm sàn khối ngành sức khỏe của Trường ÐH Nguyễn Tất Thành lần lượt là Y khoa với 22 điểm, Dược học là 21 điểm và các ngành Y học dự phòng, Ðiều dưỡng, Kỹ thuật xét nghiệm y học là 19 điểm. Dược học - ngành duy nhất thuộc khối sức khỏe của Trường ÐH Công nghệ TP Hồ Chí Minh năm nay có mức sàn là 21 điểm. Trong khi đó, Thạc sĩ Mai Ðức Toàn, Giám đốc Ban Tuyển sinh và Truyền thông Trường ÐH Tân Tạo cho biết: Trường đã công bố điểm sàn các ngành sức khỏe. Cụ thể ngành Y khoa với 22 điểm, các ngành Ðiều dưỡng, Kỹ thuật xét nghiệm y học có ngưỡng nhận hồ sơ là 19 điểm.
Mặc dù cơ hội vào trường ÐH còn rất nhiều nhưng theo các chuyên gia, thí sinh cần nắm rõ giữa điểm sàn và điểm chuẩn trước khi đặt bút điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng. Ðiểm sàn chỉ là ngưỡng bảo đảm để thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển còn trúng tuyển hay không phải căn cứ vào điểm chuẩn, thường chênh lệch khá cao so với sàn. Theo quy chế, thí sinh có chín ngày (hạn chót 27-9) để điều chỉnh, thay đổi, bổ sung nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào các trường ÐH. Chiều 5-10, các trường ÐH sẽ công bố điểm chuẩn. Ðây là giai đoạn quan trọng, đòi hỏi bước tính toán kỹ càng để tránh rớt oan. TS Nguyễn Ðức Nghĩa, nguyên Phó Giám đốc ÐHQG TP Hồ Chí Minh dặn dò: "Nếu thí sinh muốn bổ sung (tăng thêm) nguyện vọng so với số lượng nguyện vọng đã đăng ký trước đây thì bắt buộc phải sửa trên phiếu điều chỉnh nguyện vọng. Thí sinh phải đến điểm tiếp nhận hồ sơ đăng ký dự thi trước đây để viết phiếu điều chỉnh. Thí sinh đã xác nhận nhập học ở một trường (nộp giấy chứng nhận kết quả thi có đóng dấu đỏ), trường sẽ nhập thông tin thí sinh lên hệ thống dữ liệu chung của Bộ Giáo dục và Ðào tạo, và thí sinh sẽ không tham gia xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT được".