Theo phản ánh của người dân, Công ty trách nhiệm hữu hạn Quang Thắng Tuyên Quang chưa hoàn thiện các thủ tục về chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chưa được thuê đất và giao đất nhưng đã tiến hành xây dựng các lán, nhà xưởng, tự ý mở đường lên mỏ lấn vào đất rừng phòng hộ và đang tập kết nhiều hóa chất để chuẩn bị cho quá trình khai thác, như vậy sẽ gây ảnh hưởng đến môi trường do điểm mỏ này nằm ở đầu nguồn nước.
Để làm rõ phản ánh của người dân phóng viên Báo Nhân Dân đã “vào cuộc”để tìm hiểu thực tế. Qua đó đã làm rõ các vấn đề liên quan, cụ thể: Công ty trách nhiệm hữu hạn Quang Thắng Tuyên Quang có địa chỉ đăng ký tại Số 7, phố Hoàng Thế Cao, tổ 5, phường Minh Xuân, thành phố Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang, được Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang cấp giấy phép khai thác khoáng sản số 15/GP-UBND ngày 22 tháng 3 năm 2024, cho phép công ty được khai thác bằng phương pháp hầm lò mỏ khoáng sản chì-kẽm và khoáng sản vàng đi kèm mỏ Nặm Chá, thị trấn Lăng Can, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang với diện tích khai thác 3ha, công suất khai thác 1.500 tấn/năm, thời gian khai thác 9,3 năm, trong đó, thời gian xây dựng cơ bản mỏ là 1 năm.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, Công ty trách nhiệm hữu hạn Quang Thắng Tuyên Quang chưa hoàn thiện các thủ tục về chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chưa được thuê đất và giao đất.
Khu vực mỏ chì-kẽm Nặm Chá, thị trấn Lăng Can, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang. |
Ông Nguyễn Văn Lương, tổ dân phố Nặm Chá, thị trấn Lăng Can, huyện Lâm Bình cho biết, trước đây, khu vực mỏ là ruộng trồng lúa của khoảng 10 hộ gia đình tự khai phá để trồng lúa nước, ven chân rừng ngoài đất rừng phòng hộ thì họ trồng ngô.
Đầu tháng 4 năm 2024, khi người dân đi rừng thì thấy một số người đào bới, thay đổi hiện trạng, xâm lấn vào rừng nên đã báo cho cán bộ tổ dân phố. Đến ngày 23/4, người dân lên khu vực mỏ để phản đối và cũng báo chính quyền địa phương để lập biên bản xử lý. Nhưng không thấy có ý kiến phản hồi, cho nên ngày 1/5, người dân chúng tôi tiếp tục lên khu vực mỏ để phản đối thì thấy mặt bằng đã được lấp và san ủi.
Còn ông La Tài Hồng, tổ dân phố Nặm Chá, thị trấn Lăng Can, huyện Lâm Bình cho rằng, người dân lo lắng và sợ sau này khi mỏ làm thì ảnh hưởng đến nguồn nước. Mong muốn công ty khi làm phải chú trọng việc bảo đảm an toàn nguồn nước, môi trường.
Tổ trưởng tổ dân phố Nặm Chá, Nguyễn Văn Lưới cho biết, trên địa bàn có 127 hộ với 588 khẩu, người dân trong tổ chủ yếu sinh sống bằng việc trồng lúa nước và chăn nuôi. Quy trình cấp phép khai thác khoáng sản cho công ty như thế nào thì người dân không nắm được. Nhưng người dân trong tổ dân phố chủ yếu là làm nông nghiệp nên rất lo lắng về an toàn nguồn nước và phải bảo đảm các quy định của pháp luật, bảo đảm an toàn cho người dân.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị trấn Lăng Can, huyện Lâm Bình khẳng định, qua quá trình kiểm tra thực tế, Ủy ban nhân dân thị trấn nhận thấy những ý kiến phản ánh của nhân dân là đúng thực tế, Công ty trách nhiệm hữu hạn Quang Thắng Tuyên Quang có hành vi san gạt mặt bằng và xây dựng một số cơ sở phụ trợ. Sau phát hiện những vi phạm của công ty, Ủy ban nhân dân thị trấn đã lập biên bản và yêu cầu công ty tạm dừng các hoạt động. Đồng thời, báo cáo Ủy ban nhân dân huyện Lâm Bình và củng cố hồ sơ và biên bản để xử lý các vi phạm của công ty.
Đến nay, Ủy ban nhân dân huyện Lâm Bình cũng đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty trách nhiệm hữu hạn Quang Thắng Tuyên Quang. Hiện, công ty đã dừng các hoạt động trên địa phận mỏ và san lấp lại mặt bằng và tháo dỡ các công trình đang xây dựng.
Còn về phản ánh việc công ty tự ý mở đường vào mỏ và lấn chiếm đất rừng, ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị trấn Lăng Can, cho biết , trước đây, một số hộ dân có ruộng canh tác, chăn nuôi trên khu vực mỏ nên đi lại nhiều tạo thành đường mòn. Khi công ty này được cấp giấy phép khai thác thăm dò số 29/GP-UBND ngày 27/9/2022 thì đã san gạt mở rộng thêm đường để vận chuyển máy móc, thiết bị, chủ yếu là phát dọn các bụi lau lem, theo vị trí cũ để thuận tiện đi lại. Còn như phản ánh là công ty phá rừng phòng hộ và chặt phá cây rừng để mở đường thì không đúng vì hiện trạng đường vẫn được giữ nguyên.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị trấn Lăng Can, cũng cho biết thêm khi doanh nghiệp về địa bàn đã chủ động hỗ trợ xây dựng các công trình phúc lợi của địa phương như: Giúp tổ dân phố Nặm Chá nâng nền và đổ bê-tông sân nhà văn hóa trị giá: 400 triệu đồng; Xây dựng cầu qua suối trị giá: 300 triệu đồng; Hỗ trợ máy móc thiết bị cùng bà con nhân dân sửa chữa những đoạn đường hư hại do thiên tai...
Đại diện công ty khẳng định những bao đất tập kết tại mỏ không phải là hóa chất nguy hại cho môi trường. |
Làm rõ phản ánh về việc công ty tập kết hóa chất trên khu vực mỏ Nặm Chá để chuẩn bị cho hoạt động khai thác, ông Nguyễn Văn Biển, thành viên của công ty khẳng định, những bao bì được tập kết, che đậy nêu trên là đất phụ gia phục vụ cho việc khoan thăm dò, chứ không phải là hóa chất. Trong quá trình khoan thăm dò, sử dụng đất này để hòa vào với nước giúp chống sạt lở cho các mũi khoan. Loại đất này thường xuyên được dùng để khoan giếng. Còn những mẫu khoáng sản đang được lưu tại mỏ là để phục vụ cho công tác kiểm tra của các cơ quan chức năng.
"Cùng với đó, ngay sau khi được cấp giấy phép khai thác, công ty chúng tôi đã làm hàng rào bằng dây thép gai xung quanh khu vực được cấp phép để tránh tình trạng xâm lấn vào diện tích rừng. Về những lỗi vi phạm, công ty sẽ khẩn trương khắc phục theo yêu cầu của cơ quan chức năng" - ông Biển nói.
Làm việc với các đơn vị chức năng của huyện Lâm Bình, được biết, sau khi phát hiện vi phạm của Công ty Quang Thắng, ngày 26/4/2024, Ủy ban nhân dân huyện Lâm Bình có quyết định số 469/QĐ-UBND xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực đất đai đối với Công ty trách nhiệm hữu hạn Quang Thắng Tuyên Quang.
Theo đó xử phạt hơn 34 triệu đồng về các hành vi phạm như thay đổi hiện trạng đất khi chưa hoàn thành các thủ tục giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật. Buộc công ty trách nhiệm hữu hạn Quang Thắng Tuyên Quang khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và trả lại diện tích đất đã lấn chiếm.