Trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang hiện có 2.045 doanh nghiệp. Tuy nhiên, số doanh nghiệp rút khỏi thị trường có xu hướng gia tăng: 95 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động (tăng 8% so với cùng kỳ năm 2020); 28 doanh nghiệp hoàn tất giải thể (tăng21%); 30 doanh nghiệp đang chờ làm thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động với cơ quan thuế (tăng 20%).
Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, năng lực cạnh tranh thấp nhất là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực: vận tải, khách sạn, nhà hàng, du lịch..., hiện hoạt động cầm chừng, doanh thu sụt giảm nghiêm trọng, khó khăn trong việc trang trải các khoản chi phí để duy trì sản xuất, kinh doanh và việc chi trả cho người lao động.
Trong khi lưu thông hàng hóa, thu mua nguyên vật liệu đầu vào gặp khó khăn, làm anh hưởng lớn đến tiến độ giao hàng, nhập hàng, tăng chi phí vận chuyển, luu kho bãi, sản xuất kinh doanh bị ngưng trệ, hàng tồn kho lớn; một số doanh nghiệp sản xuất sản phẩm xuất khẩu bị gián đoạn, đình trệ, giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2020 (sản lượng chè xuất khẩu giảm 20%, bột giấy xuất khẩu giảm 77%....
Một số doanh nghiệp may mặc phải cho lao động làm việc luân phiên, ngừng sản xuất do đối tác dừng đơn hàng; doanh nghiệp FDI gặp khó khăn do lao động là chuyên gia nước ngoài nhập cảnh phải thực hiện cách ly theo quy định.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang Chẩu Văn Lâm đề nghị, UBND tỉnh phải tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, làm tốt nhiệm vụ vừa chống dịch hiệu quả, vừa bảo đảm sản xuất kinh doanh. Các sở, ngành dự báo tốt tình hình dịch bệnh, tổ chức triển khai phòng chống có hiệu quả, không lơ là, chủ quan, quy trách nhiệm cho bí thư, trưởng thôn các thôn bản, tổ dân phố, chủ tịch xã trong việc quản lý công dân ra vào địa bàn. Ưu tiên tiêm vaccine cho người dân, đặc biệt là người lao động làm việc tại các doanh nghiệp; triển khai hỗ trợ có hiệu quả Nghị quyết 68 của Chính phủ.
Giao UBND tỉnh nghiên cứu, xây dựng phương án thực hiện các kiến nghị: giảm các cuộc thanh tra, kiểm tra đối với các doanh nghiệp; mở đợt cao điểm tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, nhân dân gương mẫu thực hiện cuộc vận động "Người Tuyên Quang ưu tiên sử dụng các sản phẩm của Tuyên Quang". Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang nêu rõ, đây là thời cơ vàng với các doanh nghiệp khi tỉnh vẫn là vùng xanh an toàn, các doanh nghiệp phải biến nguy thành cơ, tập trung duy trì, mở rộng sản xuất, để khi dịch được kiểm soát, nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao, các doanh nghiệp chủ động được sản phẩm hàng hóa. Đối với các doanh nghiệp đang tham gia xây dựng các dự án, nhất là các dự án đầu tư công, cần đẩy nhanh tiến độ thi công để bảo đảm giải ngân vốn đầu tư công.